Thứ Bảy, 05/04/2014, 05:46 (GMT+7)
.

Ngành Thủy sản phát triển ổn định và bền vững

Cách đây 55 năm, ngày 1-4-1959, khi về thăm ngư dân trên đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) và làng cá Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), Bác Hồ đã căn dặn: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, ngành Thủy sản, nay là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung nguồn lực phát triển ngành Thủy sản ngày càng lớn mạnh và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Đối với Tiền Giang, ngành Thủy sản cũng đã có bước phát triển ổn định và bền vững.

Phát huy lợi thế và tiềm năng thủy sản

Là tỉnh có bờ biển dài hơn 32 km cùng với nhiều sông, rạch trong nội đồng nên Tiền Giang có nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản khá phát triển.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Tiền Giang tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong bảo quản nguyên liệu thủy sản, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới; làm tốt dịch vụ hậu cần nghề cá và dự báo ngư trường, tăng cường khai thác hải sản xa bờ, nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến thủy sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Ngành đã tham gia bảo vệ tốt môi trường sông, biển, góp phần cho sự tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ an ninh trật tự vùng biển của tỉnh; vận động ngư dân tổ chức liên kết sản xuất trên biển thành các tổ/đội khai thác hải sản nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả cho ngư dân…

Ngành Thủy sản ngày càng lớn mạnh.
Ngành Thủy sản ngày càng lớn mạnh.

Đối với nuôi trồng thủy sản, công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với quản lý vùng nuôi ngày càng được quan tâm, trên cơ sở đó ngành có các khuyến cáo kịp thời về mùa vụ thả nuôi (tôm, nghêu) để giúp nông dân chủ động thời điểm thả nuôi, lấy nước nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Công tác tuyên truyền văn bản pháp luật về nuôi trồng thủy sản, các quy định về các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản cũng ngày được chú trọng; đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SQF… nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân tăng lợi nhuận và nghề nuôi phát triển bền vững.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã phát huy hợp lý các lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội nhất là đối với vùng nông thôn ven biển, vùng ven sông Tiền và các xã cù lao. Chú trọng phát triển đa dạng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn theo công nghệ mới có hiệu quả, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, phòng, chống dịch bệnh theo hướng phát triển bền vững, tăng sản lượng và chất lượng thủy sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Tập trung thâm canh đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm, nghêu, cá tra…); tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng nuôi, chú ý phát triển nuôi theo hướng luân canh, xen canh thủy sản - lúa phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng. Khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản và phát triển đánh bắt xa bờ bảo đảm phát triển bền vững; xây dựng các tổ, đội sản xuất trên biển.

Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản, nhất là công nghệ sản xuất giống thủy sản có giá trị kinh tế cao để nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Thời gian qua, ngành Thủy sản đã có những bước phát triển ổn định, tỷ trọng của thủy sản trong khối nông, lâm và ngư nghiệp trong nền kinh tế tăng dần qua các năm, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà.

Không những thế, Thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - nông dân - nông thôn, tham gia xóa đói giảm nghèo, cải thiện rõ rệt cuộc sống của cộng đồng cư dân vùng nông thôn ven biển, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho 50.000 lao động trong nghề cá, từ đó góp phần ổn định phát triển kinh tế của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có diện tích thả nuôi thủy sản là 14.999 ha, trong đó có 3.200 ha nuôi tôm nước lợ, 2.150 ha nuôi nghêu, 130 ha nuôi cá tra thâm canh, trên 1.000 ha sản xuất, ương dưỡng cá giống và hơn 1.400 bè cá, chủ yếu nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền; 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản.

Về khai thác thủy sản, toàn tỉnh có hơn 1.300 tàu cá, 2 cảng cá, 10 cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu cá, hơn 100 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu hải sản…

Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh 14.999 ha (tăng 3,7% so với năm 2012), với sản lượng thu hoạch 136.600 tấn (tăng 1,01%). Khai thác thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn về ngư trường, trữ lượng cá giảm, chi phí đánh bắt tăng cao cùng với ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, nhưng sản lượng thủy sản khai thác năm 2013 cũng đạt 92.250 tấn (tăng 4,5% so với năm 2012), trong đó khai thác biển 87.550 tấn, tăng 4,12% so với năm 2012.

Cùng với sự gia tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác, xuất khẩu thủy sản cũng đạt được thành tựu đáng kể với sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 134.220 tấn, trị giá 284 triệu USD. Đây là những thành quả đáng được trân trọng mà chúng ta cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Chúng ta cũng phải nhận ra rằng, ngành Thủy sản của Tiền Giang vẫn đang còn nhiều điều trăn trở, bởi nguồn lợi thủy sản tự nhiên tiếp tục bị suy giảm do hậu quả của tình trạng khai thác quá mức và sự tác động bởi tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khắt nghiệt hơn;

Tình trạng tranh chấp nguồn lợi, ngư trường trên biển Đông cũng ngày càng trở nên phức tạp, đe dọa đến quá trình phát triển bền vững và dẫn đến nguy cơ làm giảm thấp chất lượng cuộc sống của cộng đồng ngư dân ở các làng chài ven biển; dịch bệnh trên thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất ngày càng tăng cao trong khi đầu ra chưa ổn định và giá cả bấp bênh, yêu cầu về chất lượng sản phẩm thủy sản ngày càng cao...     

Xuất phát từ những điều nêu trên, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2013), ngành Nông nghiệp Tiền Giang kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, không tiếp tục các hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề cấm, nghề hạn chế phát triển, nhất là người dân không được thực hiện hành vi khai thác thủy sản mang tính hủy diệt bằng các loại hóa chất, xung điện, thuốc nổ...

Người nuôi trồng thủy sản nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh, tăng cường sản xuất theo mô hình tổ quản lý cộng đồng, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thủy sản… để ngành thủy sản Tiền Giang ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

THÀNH CÔNG

.
.
.