Bài 1: Nguồn thu từ quỹ đất công
Bài 2: Quản lý, khai thác quỹ đất công chưa chặt chẽ
Quản lý, sử dụng đất công tốt sẽ góp phần phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh những năm qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Từ khâu đấu giá, cho thuê đến quản lý, khai thác sử dụng… còn nhiều vấn đề phải bàn. Do vậy, tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên đất.
Những năm qua, tình hình đấu giá, cho thuê và quản lý, sử dụng đất công được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo; các sở, ngành hữu quan cùng các địa phương cũng thường xuyên rà soát việc sử dụng đất công của các đơn vị được Nhà nước giao đất, thuê đất. Nhờ vậy, nguồn đất công được khai thác khá tốt, góp phần phòng, chống tiêu cực, lãng phí và làm giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Khai thác tiềm năng quỹ đất
Từ năm 2011 trở lại đây tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong giai đoạn nhu cầu vốn đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chiếm rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ nguồn thu thuế, phí và hỗ trợ của Trung ương còn thấp so với yêu cầu đề ra.
Do ngoài các công trình trọng điểm còn phải tập trung kinh phí cho các lĩnh vực phát triển giáo dục, y tế và thực hiện một số chính sách xã hội khác. Nhận diện được thực tế này, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo, rà soát, đưa ra các giải pháp khai thác quỹ đất, hạn chế tình trạng đất bỏ trống, gây lãng phí… nhằm tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển kinh tế địa phương.
Những năm qua, quỹ đất công được các đơn vị thuê khai thác hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương (ảnh chụp tại Công ty cổ phần Dầu thực vật Tiền Giang). |
Năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Đoàn Kiểm tra Nhà nước về đất đai đối với các tổ chức được giao đất, cho thuê đất nhằm tăng cường công tác quản lý và tạo nguồn thu từ đất đai. Nhờ vậy, việc quản lý và sử dụng đất công có nhiều tiến bộ.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, những năm qua, UBND cấp huyện, xã đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiến hành rà soát, kiểm tra, thống kê được từng thửa đất quản lý và đưa vào sử dụng hiệu quả…
Trên địa bàn Tiền Giang có 2.095 tổ chức quản lý, sử dụng đất với tổng số thửa là 5.367, diện tích 6.305 ha. Trong đó, đất do các tổ chức kinh tế đang quản lý, sử dụng 3.910 ha, chiếm 62% tổng diện tích đất kiểm kê của tỉnh. Quỹ đất này được các đơn vị khai thác khá hiệu quả trong những năm qua.
Thực tế đã chứng minh khai thác tốt các nguồn lực từ bên ngoài tham gia sử dụng đất, không những thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững mà còn góp phần vào xây dựng chính sách bồi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn ổn định cho địa phương.
Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Khi xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ thì đất đai cũng trở nên đắt đỏ. Ngày nay đất còn quý hơn vàng. Vì lẽ đó, việc quản lý, khai thác tốt quỹ đất công sẽ tạo nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Nhận thức được vấn đề trên, trong thời gian qua, nhất là năm 2012 đến nay tỉnh thực hiện khá mạnh việc khai thác nguồn thu từ quỹ đất như tăng cường đấu giá, cho thuê và giao đất có thu tiền. Khuyến khích thu tiền giao đất các dự án công trình lớn, tổ chức đấu giá cho thuê đất hoặc giao đất đối với các khu du lịch và dịch vụ như giao quyền sử dụng đất cho nhiều dự án, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách...
Thời gian qua, từ nguồn đất công đã khai thác tốt các nguồn lực từ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, có những đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương. Chẳng hạn, từ năm 2011 - 2013 Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang đã đóng góp gần 18 tỷ đồng cho ngân sách, giải quyết việc làm cho 500 lao động.
Ông Lê Văn Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Tiền Giang, cho biết: “Công ty có 4 xí nghiệp đều hoạt động từ nguồn đất thuê của Nhà nước, đa phần đều nằm ở vị trí thuận lợi nên tình hình hoạt động sản xuất của các xí nghiệp luôn sôi động. Từ năm 2010 trở về trước lợi nhuận, doanh thu đều cao. Những năm gần đây, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế nên một vài xí nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Song, công ty vẫn tiếp tục thuê đất và dự định đầu tư sang sản phẩm khác nhằm tạo nguồn thu của doanh nghiệp.
Biểu đồ được vẽ theo số liệu trong Báo cáo số 1001/UBND-CN của UBND tỉnh ngày 14-3-2014 về tình hình đấu giá, cho thuê và quản lý sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. |
Theo đánh giá của HĐND tỉnh, đa số các diện tích đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (chiếm 97% diện tích). Tiền thu được từ các đơn vị thuê đất, sử dụng đất đã đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Chẳng hạn: Dự án đường Hùng Vương thu tiền sử dụng đất từ giao nền tái định cư (TĐC) và tổ chức đấu giá từ năm 2008 - 2013 số tiền nộp ngân sách 190,6 tỷ đồng; Trường Đại học Tiền Giang cũng thu tiền sử dụng đất từ giao nền TĐC và tổ chức đấu giá từ năm 2012 - 2013 trên 3 tỷ đồng…
Theo UBND tỉnh, từ năm 2006 - 2013 thu tiền sử dụng đất đạt 1.668 tỷ đồng, tiền thuê đất đạt 135 tỷ đồng, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhìn chung, các ngành, các cấp ngày càng phối hợp chặt chẽ thực hiện đúng quy trình xác định giá cho thuê; thời gian điều chỉnh giá cho thuê và cách tính giá điều chỉnh đúng quy định pháp luật Nhà nước. Vì lẽ đó, công tác này đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy đạt nhiều thành tựu trong quản lý, sử dụng đất công, nhưng quá trình đấu giá, cho thuê và quản lý đất công còn bộc lộ nhiều nhược điểm.
HOÀI THU
Bài 2: Quản lý, khai thác quỹ đất công chưa chặt chẽ