Thứ Hai, 28/04/2014, 16:02 (GMT+7)
.
Quản lý, sử dụng đất công - thực trạng và những vấn đề đặt ra

Bài 2: Quản lý, khai thác quỹ đất công chưa chặt chẽ

Bài 1: Nguồn thu từ quỹ đất công

Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc khai thác, quản lý và sử dụng đất công, song tình hình đấu giá, cho thuê và quản lý việc sử dụng đất  vẫn còn không ít khó khăn, bất cập, bộc lộ những hạn chế như: Quy trình đấu giá quá rườm rà, nhiều diện tích đất còn bỏ trống, đất bị người dân lấn chiếm; còn lúng túng trong cách giải quyết đối với diện tích đất nhỏ, lẻ…

Quản lý chưa chặt

Theo thống kê của Đoàn kiểm tra Nhà nước về đất đai đối với các tổ chức được giao đất, cho thuê đất (được thành lập năm 2012 theo chỉ đạo của UBND tỉnh), tính đến năm 2012 trên địa bàn tỉnh có 253,82 ha đất bỏ trống, bị chiếm dụng, tranh chấp, cấp - giao sai thẩm quyền… Qua tìm hiểu của chúng tôi, cho thấy hiện nay hầu hết các huyện, thị đều còn nhiều diện tích đất trống, bán đấu giá không thành, chưa cho thuê hoặc chưa khai thác sử dụng.

Theo UBND huyện Gò Công Đông, năm 2011 huyện bán đấu giá thành công 14 lô đất với tổng giá trị đấu giá 2.116.900.000 đồng (kế hoạch đề ra là 33 lô đất); năm 2012 kế hoạch đề ra là 21 lô đất nhưng chỉ đấu giá thành công 16 lô; năm 2013 kế hoạch 12 lô nhưng chỉ bán đấu giá thành công 5 lô…

Về tình hình cho thuê đất, UBND huyện đã lập Phương án đấu giá cho thuê quyền sử dụng 42 thửa, với số tiền cho thuê 294 triệu đồng và cùng Sở Tài nguyên - Môi trường khảo sát các thửa đất cho thuê vào ngày 30-10-2013, nhưng cho đến nay Sở Tài nguyên - Môi trường chưa có công văn trả lời.

Nhiều diện tích đất công chưa khai thác hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng (ảnh chụp tại khu đất thuộc xã Hòa Khánh - khu vực Xẻo Mây, huyện Cái Bè).
Nhiều diện tích đất công chưa khai thác hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng (ảnh chụp tại khu đất thuộc xã Hòa Khánh - khu vực Xẻo Mây, huyện Cái Bè).

UBND TX. Gò Công trong 2 năm 2011, 2012 thực hiện đấu giá thành công 18 cuộc. Năm 2013 chưa tiến hành cuộc đấu giá nào. Đến nay, trên địa bàn TX. Gò Công chỉ có 1 trường hợp cho thuê đất. TP. Mỹ Tho, từ đầu năm đến nay cũng chưa tổ chức được cuộc bán đấu giá nào, trong 2 năm 2012, 2013 chỉ bán được 1 vị trí trụ sở đất công (nhà, đất trụ sở Ban Quân sự tại khu phố 3, phường 6, TP. Mỹ Tho).

Hiện vẫn còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, chưa cho thuê hoặc bán. Huyện Cái Bè cũng tương tự, quý I-2014 huyện chưa tổ chức được cuộc bán đấu giá nào… Theo lãnh đạo nhiều địa phương, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành liên quan, nhiều địa phương còn lơ là trong quản lý nguồn đất công. Vì lẽ đó, công tác đấu giá, cho thuê chưa đạt như kế hoạch đề ra.

Mặt khác, theo báo cáo của Tổ công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức Nhà nước được giao đất, cho thuê đất có vi phạm theo Chỉ thị 31/2007/CT-TTg ngày 14-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 4-2012, Tiền Giang có 15 tổ chức kinh tế vi phạm với diện tích 14,19 ha. Sau khi kiểm tra và xử lý còn 7/15 tổ chức kinh tế vẫn còn vi phạm với diện tích 3,78 ha.

Đối với các tổ chức chính trị, có 7 tổ chức vi phạm với diện tích 23,718 ha, sau khi xử lý còn 4/7 tổ chức vi phạm với diện tích 21,11 ha. Có 56 tổ chức sự nghiệp công vi phạm với diện tích 10,6 ha, sau khi xử lý còn 21/56 tổ chức vi phạm với diện tích 5 ha.

Có 65 tổ chức cơ quan Nhà nước vi phạm với diện tích vi phạm 37,32 ha, sau khi xử lý còn 53/65 tổ chức vi phạm với diện tích 45,31 ha. (Tuy số đơn vị vi phạm có giảm nhưng diện tích vi phạm tăng 7,99 ha do có nhiều vi phạm mới phát hiện. Trong đó vi phạm chủ yếu là đất bị lấn chiếm, đất cho thuê trái pháp luật, đất cho mượn, đất sử dụng không đúng mục đích…).

Thực trạng này cho thấy nhiều tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không quản lý chặt chẽ thửa đất được giao trong quá trình sử dụng dẫn đến đất công bị lấn chiếm, tranh chấp, bỏ hoang trong thời gian dài; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời; một số đơn vị thực hiện giao đất, cho thuê lại đất sai thẩm quyền; công tác tham mưu đề xuất của ngành chức năng quản lý đất đai chưa kịp thời, quản lý lỏng lẻo, nên chưa khai thác tốt quỹ đất công.

Và những bất cập

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho rằng, quy trình đấu giá, cho thuê, quản lý và sử dụng nguồn đất công tồn tại nhiều nhược điểm. Trong đó, thủ tục đấu giá đất là một ví dụ điển hình. Theo UBND huyện Gò Công Đông, quy trình thực hiện cuộc đấu giá rất nhiêu khê, rườm rà, để hoàn chỉnh được 1 cuộc bán đấu giá thu được tiền vào ngân sách phải mất hơn 10 tháng, tốn rất nhiều thời gian khiến việc khai thác quỹ đất công chưa đạt hiệu quả cao trong thời gian qua.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Gò Công Đông bức xúc: “Lâu nay thời gian giải quyết hồ sơ đấu giá và cho thuê đất quá dài, chưa kể còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong từng khâu gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và kế hoạch đấu giá”.

Vấn đề này cũng gây bức xúc cho Trung tâm phát triển quỹ đất TX. Gò Công, theo đơn vị này, quy trình thực hiện 1 cuộc đấu giá phải triển khai qua 17 bước, khi hoàn thành thủ tục 1 hồ sơ đấu giá mất gần 1 năm, đây cũng là khó khăn, bất cập khiến cho địa phương khó hoàn thành đúng chỉ tiêu được giao. Mặt khác, một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình hiện nay, không áp dụng vào thực tế được dẫn đến nhiều diện tích đất trống vẫn chưa được khai thác…

Bên cạnh đó, giá đất do UBND tỉnh quy định chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường nên có trường hợp lô đất đưa ra giá khởi điểm bằng giá đất do UBND tỉnh quy định trong bảng giá đất, nhưng vẫn không có người mua vì không thể đề xuất giá thấp hơn khung giá của tỉnh.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết: “Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tương đối cao. Do các ban, ngành tỉnh đề nghị UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đấu giá cao hơn giá ở khu vực, vì vậy, một số lô đất phải mất 3 năm mới bán đấu giá xong, tốn nhiều thời gian, chi phí…”.

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh, việc xác định giá sàn chưa sát với giá thị trường, quy định về thời gian xây dựng và xây dựng theo thiết kế mẫu cũng làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác đấu giá khiến nhiều khách hàng ngán ngẫm và không muốn tham gia đấu giá. Không dừng lại ở đó, các địa phương hiện còn gặp khó khăn trong việc giải quyết những diện tích đất nhỏ, lẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho, chia sẻ: “Một số thửa đất có diện tích nhỏ lẻ nằm xen kẽ hay tiếp giáp trong khu dân cư sẽ gặp khó khăn nếu tổ chức đấu giá, vì chỉ có những hộ gia đình, cá nhân có đất tiếp giáp liền kề mới có nhu cầu sử dụng các thửa đất có diện tích nhỏ lẻ này”. Đây cũng là bất cập của các huyện Gò Công Đông, Cái Bè, TX. Gò Công…

Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng quỹ đất của Nhà nước ở một số địa phương, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn buông lỏng, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thuê đất.

Ông Huỳnh Văn Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Dầu thực vật Tiền Giang cho biết: “Một phần đất nằm dọc cầu Rạch Miễu DN thuê nhiều năm qua không thể khai thác do ngành chức năng chưa xác định được hành lang an toàn, nhưng công ty vẫn phải đóng tiền thuê đất hàng năm khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và khai thác đất thuê…”.

Để khắc phục được những bất cập này cần có sự quyết tâm cao của các ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc trong quá trình chỉ đạo và thực hiện. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải củng cố, tăng cường bộ máy giúp việc ở các bộ phận tham mưu làm công tác đấu giá, cho thuê, quản lý và sử dụng quỹ đất để tháo gỡ những bất cập đã và đang tồn tại.

HOÀI THU

Bài cuối: Giải bài toán phát huy nguồn lực đất công

.
.
.