Bài cuối: Giải bài toán phát huy nguồn lực đất công
Bài 1: Nguồn thu từ quỹ đất công
Bài 2: Quản lý, khai thác quỹ đất công chưa chặt chẽ
Thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng quỹ đất công sẽ tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng nguồn thu cho địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh - xã hội. Để làm được điều này cần có giải pháp cụ thể đối với từng địa phương. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành hữu quan, việc tăng cường kiểm tra, rà soát của ngành chức năng là một trong những mấu chốt quan trọng nhằm tránh lãng phí nguồn đất công, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nguồn tài nguyên này.
Phát huy vai trò quản lý Nhà nước
Theo UBND huyện Gò Công Đông, để khai thác quỹ đất hiệu quả, cần có sự chủ trì chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh. Chẳng hạn, trong việc xem xét cho UBND huyện phê duyệt phương án đấu giá cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Do Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14-11-2005 quy định Chủ tịch UBND huyện quyết định đơn giá thuê đất cho từng trường hợp cụ thể đối với hộ gia đình, cá nhân.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát tình hình quản lý, sử dụng đất công tại nhiều địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh chụp tại Công ty CP Cơ khí Tiền Giang). |
Nhưng theo Điều 17 Quyết định 21/2010/QĐ-UBND ngày 25-11-2010 của UBND tỉnh thì chỉ có UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá. Nhiều địa phương cho rằng nên có một cơ quan thường trực thẩm định toàn bộ hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất và trình UBND tỉnh phê duyệt. Vì thời gian qua, để hoàn chỉnh hồ sơ đấu giá phải trình UBND tỉnh duyệt 3 lần.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể đối với loại đất có diện tích nhỏ, lẻ. Có thể xem xét cho chỉ định bán đối với một số thửa đất có diện tích nhỏ, lẻ nằm xen kẽ tiếp giáp trong khu dân cư hay thửa đất diện tích nhỏ còn lại khi dự án, công trình đi qua đã thực hiện.
Cấp quyền sử dụng đất có thu tiền đối với một số thửa đất có hộ dân sử dụng, đất đã xây cất nhà, công trình khác trong thời gian dài theo Điều 15 của Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng từ ngày 15-10-1993 trở về sau… tạo điều kiện để địa phương thuận lợi trong việc quản lý.
Trung tâm Phát triển quỹ đất và Đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh cần theo dõi, chỉ đạo các ngành có liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với địa phương, giải quyết những vướng mắc cho các đơn vị thuê đất sản xuất kinh doanh; đồng thời xem xét lại giá sàn của các khu, lô đất bán đấu giá; thời gian xây dựng và xây dựng theo thiết kế mẫu sao cho hợp lý.
Quy định về xây dựng đối với các lô đất là trụ sở làm việc của các sở, ngành tỉnh trên các tuyến đường của TP. Mỹ Tho để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán đấu giá trong điều kiện bất động sản đang trong tình trạng đóng băng.
Cần khai thác tốt tiềm năng quỹ đất công
Theo các chuyên gia đầu ngành, để khai thác hiệu quả quỹ đất công cần quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng sử dụng đất; đồng thời có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội để khai thác tiềm năng đất ở các huyện, thành, thị.
Trong công tác quản lý, cần thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Bên cạnh đó, phải quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất đối với những đơn vị khai thác đất không hiệu quả.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất công cũng là một đòi hỏi quan trọng hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển; đồng thời làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát huy mọi nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh do đất công mang lại.
Cần có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về đất công, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và không chồng chéo. Phân cấp việc quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất công và gắn với trách nhiệm giải quyết của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với chủ trương, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và điều kiện cụ thể theo từng giai đoạn. Rà soát, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản, nâng cao hiệu quả chính sách tài chính về quỹ đất công, xây dựng giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh nên giao trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu tổ chức sử dụng đất là người chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm về quản lý, sử dụng đất.
Chẳng hạn: Đối với đất cho thuê sai thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch thì kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi. Đối với đất cơ quan, tổ chức đã cho mượn đề nghị phải chấm dứt việc cho mượn và giao lại Nhà nước quản lý. Đối với đất cấp, giao sai thẩm quyền, tiến hành đề nghị thu hồi và lập hồ sơ giao đất, cấp đất theo đúng quy định của pháp luật… Ngoài ra, UBND tỉnh cần xem xét đầu tư kinh phí để xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất công, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, quy hoạch nguồn đất công.
Vừa qua, HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát đất công khảo sát nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dịp này, ông Phạm Thương Tý, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: “Ngành Tài nguyên và Môi trường còn một số hạn chế nên chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Sau đợt khảo sát thực tế, chúng tôi sẽ khẩn trương giải quyết từng trường hợp cụ thể của các địa phương trong thẩm quyền cho phép”.
Ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Đợt khảo sát nhằm đánh giá tình hình đấu giá, cho thuê và quản lý sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Nhìn chung, các địa phương đã báo cáo khá chi tiết những khó khăn, bất cập đang tồn tại trên địa bàn mình quản lý. Một số nơi chưa báo cáo đầy đủ, trung thực đoàn khảo sát đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra rà soát diện tích đất công trên địa bàn và có báo cáo cụ thể với đoàn giám sát. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để đoàn giám sát đánh giá chính xác tình hình đấu giá, cho thuê và quản lý mục đích sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác đấu giá, cho thuê và quản lý đất công để báo cáo lãnh đạo tỉnh kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước”.
Phải thừa nhận rằng, việc sử dụng đất công còn lãng phí, hiệu quả thấp; hạn chế trong lĩnh vực này còn nhiều. Song, ngành chức năng có sự vào cuộc kịp thời, quan tâm rà soát, tháo gỡ khó khăn. Tin rằng, nguồn lực về đất công sẽ được phát huy và trở thành nội lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
HOÀI THU