Thứ Ba, 15/04/2014, 02:40 (GMT+7)
.

Tân Phước khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển cây thanh long

Những  năm qua, Tân Phước luôn được biết đến là vùng đất nhiễm phèn, chỉ thích hợp đối với các loại cây như tràm, bàng, khóm, lúa, khoai mỡ. Vấn đề đặt ra cho lãnh đạo huyện là làm sao nâng cao năng suất và chất lượng các loại cây trồng chủ lực và mạnh dạn thay đổi giống cây mới, trong đó có cây thanh long.

Bước đột phá

Tân Phước hiện có 81 ha thanh long, trong đó có 66,85 ha thanh long ruột đỏ, 14,5 ha thanh long ruột trắng, năng suất bình quân 20 tấn/ha, trồng tập trung ở các xã: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Tân Hòa Thành, Tân Lập 1 và Tân Lập 2.

Trong đó, cơ sở Cát Tường có 22,5 ha ở xã Thạnh Tân; Công ty Long Việt có 12 ha ở xã Hưng Thạnh và cơ sở đá hoa cương Công Sơn chuẩn bị trồng 20 ha ở phần đất gần Trại giam Mỹ Phước. Thanh long đến với vùng đất Tân Phước từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu nông dân trồng nhỏ lẻ.

Đến năm 2011, anh Đoàn Văn Sang, chủ cơ sở Cát Tường đã mạnh dạn đầu tư 3 tỷ đồng mua 7,5 ha đất trồng cây thanh long ruột đỏ H14, do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Anh Sang cho biết: “Nhận thấy Tân Phước là vùng đất có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển nông nghiệp như đất rộng, hệ thống thủy lợi từng bước hoàn thiện, cùng với sự tư vấn của các kỹ sư nông nghiệp, tôi quyết định trồng thanh long ruột đỏ H14 với quyết tâm làm giàu trên vùng đất này”.

3 ha trồng thanh long ruột đỏ của nông dân Võ Duy Quang tại xã Hưng Thạnh.
3 ha trồng thanh long ruột đỏ của nông dân Võ Duy Quang tại xã Hưng Thạnh.

Anh Sang đã đầu tư 3 tỷ đồng mua cây giống, xây trụ xi măng, cải tạo lưới điện và đầu tư 2 tỷ đồng cho hệ thống tưới nhỏ giọt với quy mô trang trại khép kín. Đối với giống thanh long ruột đỏ H14, chỉ sau 9 tháng trồng đã cho thu hoạch. Năm đầu tiên anh Sang thu hoạch khoảng 10 tấn/ha, sang năm thứ 2 tăng lên 20 tấn/ha.

Với 7,5 ha trong năm 2013, anh Sang thu hoạch 200 tấn trái, bán với giá trung bình 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí cho lãi trên 6 tỷ đồng. Anh Sang ước tính: “Trong năm 2014, vườn thanh long sẽ cho 300 tấn trái, nếu giá cả không thay đổi sẽ cho lãi từ 9-10 tỷ đồng. Thấy được lợi nhuận từ cây thanh long mang lại, thừa thắng xông lên, tôi vừa mua thêm 15 ha đất tiếp tục trồng thanh long ruột đỏ”.

Cần có bước đi vững chắc

Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật - Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Cây thanh long bước đầu sinh trưởng và phát triển khá tốt ở Tân Phước. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều vấn đề cần cân nhắc và phải có sự đầu tư từ nhiều phía như kỹ thuật trồng, cơ sở hạ tầng…”.

Thạc sĩ Hiếu cũng cho biết thêm về một số kỹ thuật trồng: “Thanh long là loại cây chịu hạn tốt, nên khi trồng cần phải đắp mô, trồng trong vùng đê bao, tránh ngập úng trong mùa mưa, lũ; đồng thời phải có kỹ thuật xử lý độ pH trong đất, cách chọn và chuẩn bị hom giống cũng rất cần thiết. Hiện tại, thanh long mắc một số bệnh mà người trồng cần đề phòng đó là: Bệnh thán thư, bệnh bồ hóng, đốm trắng, thối trái, rỉ sét và đặc biệt trong mùa khô, nắng gắt còn xảy ra tình trạng phỏng nắng”.

Trong điều kiện hiện nay, sức cạnh tranh của cây thanh long trên địa bàn huyện Tân Phước rất mạnh. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTTNT cho biết: “Thanh long so với khóm cho lợi nhuận gấp 2,5 lần, so với khoai mỡ gấp 2,66 lần, so với lúa gấp 7,8 lần. Nhưng hiện tại, diện tích trồng thanh long tại Tân Phước còn nhỏ lẻ, chưa tập trung; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế.

Muốn xuất khẩu thanh long sang thị trường châu Âu, Nhật đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, xông nhiệt, xử lý bằng hơi nước. Vì thế, trong thời gian tới, lãnh đạo huyện cũng như nông dân Tân Phước cần có bước đi thận trọng, chậm mà chắc. Cần có quy hoạch, xây dựng đề án phát triển cây thanh long cụ thể. Đối với việc chọn giống cây trồng cũng cần nghiên cứu kỹ.

Theo tôi đánh giá, người dân nên trồng thanh long ruột trắng, vì thanh long ruột trắng luôn được ưa chuộng; còn thanh long ruột đỏ chỉ là nhất thời, người tiêu dùng chủ yếu để chưng. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ có kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh hạn chế diện tích trồng thanh long tại những địa bàn không phù hợp”.

Đối với điều kiện, khả năng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện mô hình và cấp giấy chứng nhận, TS. Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết sẽ hướng dẫn thực hiện 12 nội dung cơ bản để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết: “Từ nay đến năm 2015, huyện sẽ tiến hành khảo nghiệm toàn diện cây thanh long, xây dựng đề án phát triển cây thanh long; tiến hành thành lập ban chỉ đạo, cũng như xây dựng lộ trình, phân kỳ phát triển cây thanh long đảm bảo chặt chẽ - an toàn - bền vững. Làm sao trong thời gian tới nông dân huyện Tân Phước có thể khá lên nhờ cây thanh long”.

P. MAI

Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường - Viện Cây ăn quả miền Nam chỉ ra rằng: Sau nhiều năm nghiên cứu về thị trường cây thanh long, thì diện tích thanh long đang tăng rất nhanh, ngay cả Cà Mau cũng đã trồng thanh long. Ưu điểm của thanh long miền Tây Nam bộ là có thể cung ứng liên tục cho thị trường, trong khi đó tại Bình Thuận mùa này hầu thư không có thanh long.

Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu thanh long đạt 203 triệu USD, cách đây 10 năm chỉ xuất khẩu đạt 6 triệu USD. Khoảng 2/3 sản lượng thanh long là xuất sang Trung Quốc nhưng giá thành lại thấp, còn xuất sang các nước: Mỹ, Nhật giá thành cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật xử lý nghiêm ngặt. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng chưa nhận biết hết giá trị dinh dưỡng của trái thanh long.

Ngay cả ở Việt Nam, thanh long được xem là trái cây chủ lực nhưng sản lượng tiêu thụ thị trường nội địa chưa đến 20%. Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập cho biết thêm: Thấy được lợi thế từ thanh long, nên các nước trong khu vực đã trồng thanh long, cạnh tranh với Việt Nam.

Ở Trung Quốc cũng đang trồng thanh long, bước đầu để tự cung ứng cho thị trường của mình, đây là trở ngại lớn để các địa phương không riêng gì Tân Phước lưu ý khi quyết định mở rộng diện tích trồng thanh long.

 

.
.
.