Bài 2: Bảo tồn và phát triển làng nghề
Bài 1: Làng nghề trước nguy cơ bị mai một
“Việc bảo tồn và phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế; đồng thời duy trì, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của địa phương; xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông hộ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - đó là định hướng phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang của Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang trong thời gian tới.
Công đoạn phơi để làm ra sợi hủ tiếu Mỹ Tho. |
Khắc phục những yếu kém
Tìm và xác định nguyên nhân khiến các làng nghề truyền thống lâm vào cảnh khó khăn để cùng tìm hướng tháo gỡ và đầu tư để phát triển là việc làm cấp thiết hiện đang được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chính sách này, hàng năm, chi cục làm việc với các địa phương có làng nghề về tình hình đầu tư, phát triển làng nghề, tình hình sản xuất kinh doanh, nắm những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của các làng nghề để tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Soạn và in ấn 50 quyển tài liệu “Các văn bản quản lý - chính sách bảo tồn và phát triển ngành nghề - làng nghề nông thôn của Đảng và Nhà nước” cấp phát cho các đơn vị có liên quan và triển khai các chính sách đến UBND xã có làng nghề.
Hướng dẫn địa phương thành lập tổ chức đại diện cho làng nghề như tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối tổ chức sản xuất, cung ứng nguyên liệu, thu mua, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho làng nghề và tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; hướng dẫn các làng nghề xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, lồng ghép vào đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Sở NN&PTNT đã tổ chức cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trong làng nghề như: Nón bàng buông Thân Cửu Nghĩa; dệt chiếu Long Định; tủ thờ Gò Công; Hợp tác xã Quang Minh tham gia Hội chợ triển lãm “Làng nghề Việt Nam năm 2013” tại Huế. Qua đó, giúp cho các cơ sở làng nghề giao lưu trao đổi thông tin, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2014, ngành chức năng sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao như: bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho. Tổ chức đào tạo 9 lớp dạy nghề, với 285 lao động để nâng cao tay nghề tại các làng đan lát ở ấp Tân Hội, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy); làng nghề bó chổi Hòa Định, xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo); làng nghề dệt chiếu Long Định, xã Long Định (huyện Châu Thành); làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành).
Đào tạo nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh và hội nhập cho chủ doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm làng nghề trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm làng nghề như: bánh tráng Hậu Thành, bánh phồng Cái Bè, dệt chiếu Long Định, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tân Lý Tây; đẩy mạnh quảng bá 2 làng nghề đã được công nhận nhãn hiệu là làng nghề bánh bún hủ tiếu và làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công.
Tổ chức cho cơ sở làng nghề Tủ thờ Gò Công, làng nghề Chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc tham quan, học tập kinh nghiệm tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ hoặc các làng nghề có cùng sản phẩm ở các tỉnh bạn.
Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư 5 máy cắt, máy liên hợp, máy hơi cho làng nghề đan lát Tân Phong, với kinh phí 70 triệu đồng; 40 máy dệt chiếu cho làng nghề dệt chiếu Long Định, với kinh phí 1,2 tỷ đồng; 5 máy tráng bánh công nghệ mới cho làng nghề bánh tráng Hậu Thành, với kinh phí 150 triệu đồng; đầu tư 500 triệu đồng để nâng cấp và cải tiến trang thiết bị cho làng nghề bánh phồng Cái Bè; nghiên cứu thực hiện dự án chế tạo máy tuốt que dừa cho làng nghề bó chổi que dừa Hòa Định; đầu tư 1,5 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị chạm khắc cho làng nghề chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc.
Tỉnh cũng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề có điều kiện phát triển, giao lưu hàng hóa giữa các vùng, địa phương trong cả nước; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, công trình cấp thoát nước, nâng cấp hệ thống điện ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ trong làng nghề để đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, mua nguyên liệu. Đề nghị hỗ trợ vốn tín dụng cho các làng nghề trên 4,7 tỷ đồng.
Tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ trong làng nghề tham gia mô hình kinh tế tập thể theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có pháp nhân làm đầu mối tổ chức sản xuất, cung ứng nguyên liệu, thu mua, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm ở các làng nghề: chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, đan lát Tân Phong, bó chổi Hòa Định, bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, chế biến thủy sản Vàm Láng.
Giải pháp để “vực dậy” làng nghề
Để bảo tồn và phát triển có hiệu quả những làng nghề truyền thống, thiết nghĩ cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: khẩn trương rà soát, khảo sát xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề nông thôn nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề, ngành nghề nông thôn phù hợp nhằm khai thác, phát huy những ngành nghề lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Muốn phục hồi và duy trì phát triển bền vững của các làng nghề thì vấn đề quan trọng nhất là nguồn kinh phí.
Theo Quy hoạch phát triển làng nghề Tiền Giang giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu hàng đầu là khôi phục và khuyến khích phát triển làng nghề một cách bền vững, gắn với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phát triển làng nghề phải gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân; đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. |
Theo Đề án phát triển làng nghề thì chúng ta từng bước củng cố, phát triển các nghề, làng nghề hiện có; du nhập nghề mới nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, tỉnh sẽ đầu tư 141,1 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015), đầu tư 296,8 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển làng nghề gắn với du lịch, tỉnh đầu tư 26,5 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015), đầu tư 66,6 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020); phát triển nghề mới giai đoạn 2011-2015 là 31 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 trên 50 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, các dự án thuộc chương trình này khi được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh. Do đó, một số dự án được lồng ghép với “Chương trình phát triển du lịch” của tỉnh như: Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Đồng Tháp Mười, Cù lao Tân Phong, Công viên du lịch Vĩnh Tràng, du lịch sinh thái vườn, sông nước…
Nằm trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh còn đầu tư 22,4 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015), 44,8 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đào tạo cán bộ quản lý; đầu tư 35,8 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015), trên 64 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đào tạo và tập huấn kỹ thuật cho người lao động; đầu tư 67,1 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư 19,2 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để tổ chức hội thi các tay nghề giỏi.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư 172,3 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn; đầu tư 206,7 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn.
Hy vọng, với những đầu tư và có lộ trình cụ thể của các ngành chức năng, làng nghề truyền thống ở tỉnh ta sẽ tồn tại và phát triển để giữ lại cho thế hệ mai sau những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
SĨ NGUYÊN