Thứ Tư, 09/04/2014, 14:57 (GMT+7)
.

Yếu tố thị trường và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian gần đây, nền sản xuất nông nghiệp nước ta có nhiều bước phát triển vượt bậc. Nhờ biết ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất kịp thời nên năng suất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp nước ta không ngừng được nâng cao. KHKT là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên để đạt được hiệu quả bền vững cần phải có sự hỗ trợ tích cực của nhiều yếu tố, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong sản xuất nông nghiệp của nước ta, điệp khúc “được mùa, rớt giá” hầu như năm nào cũng lặp lại trên các sản phẩm nông nghiệp. Nguyên nhân do đâu? Chính là do trong thời gian dài các nhà khoa học, các nhà quản lý của chúng ta mãi lo chú trọng nghiên cứu để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng của sản phẩm mà chưa quan tâm đúng mức đến yếu tố đầu ra hay thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chưa có những chiến lược nghiên cứu thị trường ngắn hạn và dài hạn, thị trường trong nước và thế giới để có những khuyến cáo, dự báo chuẩn xác giúp nông dân định hướng sản xuất; đồng thời cũng giúp các nhà quản lý quy hoạch sản xuất hợp lý cho từng sản phẩm ở từng địa phương.

Lúa tại sân phơi. Ảnh: Cao Lập Đức
Lúa tại sân phơi. Ảnh: Cao Lập Đức

Điều này thể hiện rõ qua bức tranh sản xuất nông nghiệp nước ta trong các tháng đầu năm 2014, hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp bị bí đầu ra, không tiêu thụ được khiến giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, người nông dân phải thua lỗ mặc dù năng suất, sản lượng và chất lượng không hề kém. Từ mặt hàng chủ lực là lúa, gạo đến dưa hấu, bắp cải, rau… đều rớt giá.

Nhờ chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo của Nhà nước nên giá bán mặt hàng lúa, gạo không bị giảm sâu, tuy nhiên đây cũng là giải pháp tình thế nhất thời do lượng lúa, gạo dự trữ cũng có giới hạn. Riêng các mặt hàng khác như dưa hấu, bắp cải không bảo quản được lâu nên nông dân phải chịu lỗ nặng, thậm chí không tiêu thụ được phải đổ bỏ do hư hỏng. Qua đó cho thấy yếu tố thị trường có vai trò khá quan trọng trong việc quyết định đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay nước ta gia nhập WTO ngày càng sâu, rộng.

Chúng ta cần phải tranh thủ cơ hội tìm giải pháp để vượt qua rào cản và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh việc tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… ở từng địa phương, cũng cần tập trung sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần chứ không nên chú trọng sản xuất cái mình có. Từ đó sẽ hạn chế được tình trạng “khủng hoảng thừa”, được mùa, rớt giá trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự quản lý, điều hành ở tầm vĩ mô, phải có sự phối hợp giữa liên bộ, liên ngành nông nghiệp, công thương và những bộ ngành khác liên quan để từ đó có thể đưa ra những dự báo chính xác về nhu cầu thị trường nông sản trong và ngoài nước; đồng thời làm cầu nối thương mại để đưa hàng nông sản Việt Nam ra thế giới.

Ngày nay, dưới sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của KHKT, việc ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nông dân không còn là vấn đề khó. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ từ một nước luôn bị thiếu lương thực vào thập niên 1970, nhưng không lâu sau đó nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo luôn đứng ở vị trí thứ 2, thứ 3 thế giới; năng suất lúa không ngừng được nâng lên từ 4 tấn/ha đến nay có nơi đạt đến 11 - 12 tấn/ha, song song đó chất lượng giống lúa cũng không ngừng được cải thiện.

Trước đây, thường vào dịp tết chúng ta mới có dưa hấu để ăn, chủ yếu là loại dưa trái tròn chỉ có một mùa trong năm; ngày nay dưa hấu được trồng quanh năm, mùa nào cũng có và đủ chủng loại (trái tròn, trái dài, trái vỏ vàng, trái vỏ xanh), chất lượng cũng vượt trội hơn.

Trong lĩnh vực thủy sản, việc nuôi tôm sú được khởi điểm từ nuôi quảng canh đến bán thâm canh và thâm canh với mật độ cao như hiện nay đã tạo ra sản lượng lớn vào mỗi vụ thu hoạch rộ dễ dẫn đến bị thương lái ép giá.

Tương tự, việc nuôi cá bè, cá tra cũng vậy, từ chỗ chỉ vớt cá bột tự nhiên theo dòng nước lũ để ương nuôi, đến việc chủ động sản xuất con giống nhân tạo; từ kỹ thuật nuôi đơn giản trong ao để chủ động cung cấp thực phẩm hàng ngày, đến kỹ thuật nuôi cao hơn là nuôi thâm canh trong ao lớn, trong bè đã tạo ra hàng trăm tấn sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch, nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định thì việc “khủng hoảng thừa” là điều không thể tránh khỏi và giá bán sản phẩm có khi thấp hơn giá thành sản xuất.

Điều này lý giải vì sao từ năm 2011 đến nay giá bán cá tra xuất khẩu luôn ở mức thấp, người dân thua lỗ phải treo ao trong thời gian dài, trong khi các doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn còn trụ được, thậm chí còn mở rộng quy mô sản xuất.

Thực ra, đó là nhờ các doanh nghiệp nắm chắc thị trường tiêu thụ, từ đó chủ động kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu từ khâu ương nuôi đến khâu chế biến xuất khẩu đều được thực hiện khép kín, khi nhu cầu thị trường tăng cao thì họ mới mở rộng thu mua ra bên ngoài hoặc liên kết với nông dân tận dụng mặt nước để nuôi gia công cho họ.

Ảnh: Cao Lập Đức
Ảnh: Cao Lập Đức

Rõ ràng để đảm bảo hiệu quả bền vững trong sản xuất nông nghiệp, việc đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, đòi hỏi còn phải có thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá cả hợp lý.

Điều này người dân rất cần sự hỗ trợ ở tầm vĩ mô của Nhà nước thông qua ngoại giao, đàm phán và xúc tiến thương mại ở cấp Quốc gia; đồng thời thông qua các kênh tuyên truyền, phương tiện thông tin đại chúng để định hướng sản xuất cho người dân “sản xuất theo nhu cầu thị trường”; phân khúc nhu cầu thị trường để có quy hoạch sản xuất hợp lý cho từng vùng, từng địa phương.

Đối với nông dân, trong sản xuất cần tìm hiểu thị trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng Internet… Cần luyện tập thói quen phân tích, nhận định, phán đoán và dự báo thị trường sản phẩm nông nghiệp để lập kế hoạch sản xuất hợp lý theo nhu cầu thị trường; đồng thời cần liên kết sản xuất theo tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để chủ động điều phối sản xuất và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cần thực hiện các khâu khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Trong sản xuất nông nghiệp cần đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo tính bền vững. Không nên ỷ lại, trông chờ mà phải tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ths. HUỲNH VĂN THẢO

.
.
.