450 tỷ đồng phát triển thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020.
Một website thương mại điện tử về sách ra đời sớm tại Việt Nam. |
Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia chủ yếu sử dụng thẻ thanh toán, áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.
Phấn đấu đến năm 2020, mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các loại hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu;
50.000 lượt doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử; 10.000 sinh viên được đào tạo về chuyên ngành thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp.
Đơn vị chủ trì chương trình phát triển thương mại điện tử bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử ở Trung ương và địa phương. Đối tượng thụ hưởng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Đơn vị chủ trì và thụ hưởng có trách nhiệm xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử...
Trong giai đoạn 2014 - 2020, nguồn kinh phí thực hiện chương trình là 450 tỷ đồng trong đó ngân sách trung ương 350 tỷ đồng; đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp tham gia 80 tỷ đồng; vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân 20 tỷ đồng.
VÂN ANH