Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và cây trồng khác
Sáng ngày 6-5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có lãnh đạo, đại diện các cục, trung tâm, viện, trường; sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh ngô, đỗ tương, thức ăn chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị. |
Mở đầu hội nghị, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trong những năm qua ở Tiền Giang nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung đã đi đúng hướng; giảm chi phí sản xuất từ giảm công lao động, thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại và cải tạo các đặc tính hóa sinh của đất trong hệ thống luân canh, bồi dưỡng đất, gia tăng năng suất lúa cho vụ sau.
Luân canh cây màu trên nền đất lúa còn giúp rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo cơ cấu mùa vụ, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng lũ, hạn - mặn, qua đó giúp nông dân tăng thu nhập và đời sống được cải thiện đáng kể. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao như lúa - dưa hấu, lúa - bắp, lúa - rau… cho thu nhập cao và đang được nhân rộng.
Dù vậy, theo ông Lê Văn Nghĩa, việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa cao như quan niệm trồng lúa dễ hơn trồng các cây trồng khác và có thể trữ chờ giá vẫn còn; thị trường tiêu thụ biến động; cơ giới hóa trong thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch còn rất hạn chế, không đồng bộ.
Từ đó, việc tập trung chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp, đậu nành và các loại cây trồng khác là rất cần thiết để nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành NN&PTNT theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng ĐBSCL có lợi thế trồng bắp và cho năng suất cao, thị trường bắp đang mở rộng và rất ổn định. Đối với cây mè, ớt, dưa hấu… cần cẩn thận khi mở rộng sản xuất vì thị trường “hẹp”. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc quan trọng trong chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa là nâng cao nhận thức, thay đổi tâm lý về thói quen trồng lúa trong cán bộ, nhân dân.
Để đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng từ đất lúa trong thời gian tới, ông yêu cầu Cục Trồng trọt hoàn thành sớm công tác quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; các địa phương cũng cần quy hoạch, có kế hoạch chuyển đổi cây trồng cụ thể cho từng vùng, từng năm. Các doanh nghiệp cần tham gia giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các cây trồng chuyển đổi.
Các ngành, các cấp liên quan tiến hành hướng dẫn nông dân chuyển đổi đối với những cây trồng có thị trường tiêu thụ; thống nhất quy trình kỹ thuật cho từng loại cây trồng; xây dựng các mô hình, trong đó áp dụng đồng bộ các khâu, tăng cường tập huấn kỹ thuật, nâng cao nhận thức cho nông dân; khẩn trương triển khai các chính sách Nhà nước đã ban hành; đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ…
Trước đó, qua thống kê, Cục Trồng trọt cho biết, năm 2013 toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi 87.000 ha. Trong đó, tỉnh chuyển đổi mạnh nhất là Đồng Tháp với 40.000 ha, kế đến Sóc Trăng, Trà Vinh, các tỉnh còn lại chỉ thực hiện rải rác mô hình thử nghiệm.
* Chiều ngày 6-5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu Đoàn công tác đến làm việc với UBND tỉnh về nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới. Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh có ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo ngành NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc ngành có liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc, mặc dù còn nhiều khó khăn đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là thời tiết bất lợi, triều cường, lũ, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và trên thủy sản; chi phí nông nghiệp tăng cao… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, ngày càng khẳng định là khu vực kinh tế mang tính chất bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, tỷ trọng cơ cấu tổng sản phẩm Khu vực I đã chuyển dịch đúng hướng theo xu thế tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Chuyển dịch quan trọng trong nội bộ cơ cấu kinh tế nông, ngư nghiệp đã mang lại hiệu quả nhất định như chuyển dịch từ lúa sang vườn cây ăn trái, hình thành một số vùng cây ăn trái chuyên canh như khóm, sầu riêng, thanh long, vú sữa…; phát triển mạnh rau màu, phục hồi nhanh đàn gia cầm, phát triển thêm cá tra bên cạnh tôm nước lợ - mặn; chuyển dịch công suất và ngư trường đánh bắt hải sản theo hướng xa bờ.
Những năm qua, sự chuyển dịch trên đã đáp ứng đồng bộ với những chuyển biến về tình hình sản xuất - thị trường, góp phần đảm bảo cho Tiền Giang là tỉnh hàng đầu của vùng về cây ăn trái, heo, gia cầm, rau màu, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu với giá trị, hiệu quả ngày càng cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh. |
Cụ thể, năm 2013, sản lượng lúa của tỉnh đạt 1,35 triệu tấn. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm trên 61%. Các tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được triển khai, áp dụng rộng rãi. Diện tích cây ăn trái gần 69.000 ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn. Cơ cấu chủng loại cây chuyển dần theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất an toàn, sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Rau màu có trên 49.000 ha, sản lượng gần 800.000 tấn với nhiều vùng chuyên canh được hình thành.
Việc luân canh rau màu trên nền đất lúa, luân canh rau màu với hoa, cây cảnh đã mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập gấp 2,5 - 2,7 lần so với lúa. Chăn nuôi có bước phát triển khá, giải quyết cơ bản nhu cầu nguồn thực phẩm của người dân. Trong đó, năm 2013, đàn heo là 584.000 con; 76.462 con bò, phát triển theo hướng thịt, bò lai Sind và 7,2 triệu con gia cầm. Sản xuất thủy sản có những chuyển biến tích cực.
Năm qua, diện tích nuôi thủy sản gần 15.000 ha, sản lượng từ nuôi trồng và khai thác 230.000 tấn. Về thủy lợi, nhiều năm qua, được sự quan tâm của bộ, các cấp trong tỉnh, công tác ngăn mặn, dẫn ngọt đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, canh tác ở vùng ngọt hóa Gò Công, kiểm soát lũ bảo vệ một số khu vực ở vùng trồng cây ăn trái ven sông Tiền, vùng trồng khóm. Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 2 xã đạt 15 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 94 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí và 32 xã đạt dưới 6 tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp của tỉnh cũng còn những khó khăn, tồn tại như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; nông dân vẫn còn nhiều khó khăn do tiêu thụ hàng hóa qua nhiều trung gian; giá cả thị trường nông sản bất ổn; dịch bệnh thường xuyên đe dọa; ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp còn yếu kém. Công tác triển khai xây dựng nông thôn mới còn chậm tiến độ và nhiều khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp Tiền Giang. Bộ trưởng tán thành định hướng của tỉnh là tập trung vào 3 cây ăn trái chủ lực là xoài, sầu riêng, thanh long. Đặc biệt, đối với thanh long, cây ăn trái này có nhiều tiềm năng phát triển, Bộ NN&PTNT đang tập trung khơi thông thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, tỉnh cần phải làm thật “chắc tay” trong phát triển những cây trồng này. Chăn nuôi cần tập trung vào nâng năng suất. Thủy sản chú trọng phát triển con tôm, cá tra và nghêu. Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt để thay đổi nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân, phát huy nguồn lực còn rất lớn trong dân.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giải đáp, ghi nhận các kiến nghị của tỉnh về đầu tư vốn, dự án trên địa bàn, cơ chế chính sách.
Trong phần đáp từ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang mong Bộ NN&PTNT quan tâm hơn nữa đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm lúa gạo và cây ăn trái, thủy sản của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng.
N.VĂN