Thứ Ba, 20/05/2014, 09:05 (GMT+7)
.

Hội thảo khoa học "CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL - 30 năm nhìn lại"

“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long - 30 năm nhìn lại” - là chủ đề chính của Hội thảo khoa học do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Thành ủy Cần Thơ đồng tổ chức tại TP. Cần Thơ vào sáng 19-5.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… của vùng ĐBSCL. Hội thảo nhằm góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng về đường lối công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Ban tổ chức, Hội thảo nhận được gần 100 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… tập trung đi sâu phân tích, nêu bật những thành tựu đạt được; làm rõ những tồn tại, yếu kém và vướng mắc trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở vùng ĐBSCL gần 30 năm qua. Đặc biệt, 7 tham luận và 6 ý kiến trình bày tại Hội thảo đã nêu bật những mặt được, chưa được; đồng thời hiến kế, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp có tính khả thi nhằm tiếp tục thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL trong thời gian tới theo hướng phát triển nhanh, bền vững.

Các tham luận, ý kiến đã tập trung làm rõ và khẳng định tính đúng đắn quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Nhờ đó, gần 30 năm qua, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong sản xuất gạo, rau quả và nuôi trồng thủy sản; đóng góp quan trọng cho việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước… Kết quả này khẳng định vùng ĐBSCL có vai trò hết sức quan trọng đối với Nam bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giao thương với các nước trong khu vực và thế giới…

Hội thảo cũng làm rõ thêm những mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém của vùng ĐBSCL trong CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Đáng chú ý là: Dù đạt được những thành tựu quan trọng nhưng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; phát triển công nghiệp, đô thị của vùng kém hiệu quả và gây khó khăn cho phát triển nông, ngư nghiệp… Nhu cầu vốn đầu tư cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn rất lớn nhưng nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước có giới hạn.

Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực của người dân và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn (do kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn ở nhiều nơi còn yếu kém, lực lượng lao động có trình độ tay nghề thấp; đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu các chính sách khuyến khích ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư...).

Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn rất hợp lý nhưng chậm được triển khai thực hiện ở các địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện lại thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến hiệu quả tổ chức thực hiện chưa cao…

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với ĐBSCL là làm thế nào đưa khoa học công nghệ vào ứng dụng sản xuất và đời sống để tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm có thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phục vụ sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống nông dân.

Nhiều ý kiến quan tâm và nhận định về sự bất cập đối với nguồn nhân lực ĐBSCL trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn không chỉ yếu về chất lượng mà phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thiếu kinh nghiệm và tác phong làm việc công nghiệp. Cơ cấu lao động phân bố chưa hợp lý trên nhiều mặt, cả về phân bố lực lượng, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo và bố trí sử dụng…

Phát biểu kết luận bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh: Để CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc chỉ đạo, lãnh đạo tháo gỡ những “nút thắt” về cơ chế chính sách. Quan tâm tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết số 26 NQ/TW về nông nghiệp nông dân, nông thôn và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người nông dân trong việc phát huy vai trò chủ thể của mình đối với việc thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và thực hiện tốt chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL một cách toàn diện.

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh có hiệu quả thực hiện liên kết 4 nhà theo hướng hình thành chuỗi sản xuất tiêu thụ, hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ, lấy nông dân làm trung tâm, là chủ thể trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ; đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ…

(Theo baocantho.com.vn)

.
.
.