Thứ Ba, 06/05/2014, 05:47 (GMT+7)
.

Ngành May trước "vận hội" TPP

Ngành May xuất khẩu (XK) của Tiền Giang đã có truyền thống lâu đời, chiếm 1/5 tổng kim ngạch XK của tỉnh: Năm 2013 đạt gần 200 triệu USD (tăng 10% so năm 2012), quý I-2014 đạt 60,7 triệu USD (tăng 46% so cùng kỳ năm 2013). Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn do chủ yếu là gia công, nguồn nguyên, phụ liệu phụ thuộc vào nhập khẩu, chi phí đầu vào ngày càng tăng cao, trong khi giá gia công không tăng và đang chờ cơ hội từ TPP để gỡ khó…

Ngành May xuất khẩu có nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: Minh Nhựt
Ngành May xuất khẩu có nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: Minh Nhựt

TPP - cơ hội nhưng cũng đan xen nhiều thách thức

Mục tiêu của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)  là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên bằng 0% từ năm 2015, thậm chí một số chuyên gia hào hứng đưa ra nhận định rằng “TPP được ký kết sẽ mang lại lợi thế lớn chưa từng có cho ngành dệt may Việt Nam”.

Các chuyên gia dẫn chứng trong 1.600 dòng thuế mã HS 8 chữ số của hàng dệt may mà thị trường Mỹ có nhập khẩu, Việt Nam hiện xuất khẩu vào nơi này khoảng 1.000 dòng thuế và thuế suất tại thời điểm hiện nay, bình quân khoảng 17-18%, nếu Hiệp định TPP được ký kết, các dòng thuế này sẽ được cắt giảm dần về 0%. Đặc biệt, với các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội khối TPP, thì trong dài hạn sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam, cụ thể là sản xuất sợi, dệt nhuộm bổ trợ cho ngành may...

Đó là nhận định của chuyên gia. Tuy nhiên, đối chiếu thực tế thì sắp tới chưa hẳn “dễ ăn” như thế. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn  2011-2013, một  lãnh đạo Công ty cổ phần May Tiền Tiến (có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 20%/năm, riêng năm 2013 đạt 65 triệu USD), đưa ra nhận định: “Thách thức lớn nhất của ngành may khi vào thị trường Mỹ và EU, Nhật chính là sự cạnh tranh của các đối thủ lớn, nhất là Trung Quốc.

Mặc dù tay nghề và giá nhân công cũng tương tự VN nhưng họ có điểm mạnh là chủ động được nguồn nguyên liệu và khi gia nhập TPP thì ngay lập tức họ sẽ phát huy lợi thế hơn hẳn ta”. Ấy là chưa kể ngành may cũng gặp khó khăn khi các nước lân cận như: Campuchia, Lào, Bangladesh đang được hưởng tiêu chuẩn tối huệ quốc (MFN) với mức thuế nhập khẩu vào EU = 0%, trong khi Việt Nam phải chịu 10% là “điểm bất lợi trước mắt” trong cạnh tranh dẫu có vào TPP.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, để bảo vệ nền sản xuất và doanh nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh do hội nhập, các quốc gia thường tăng cường việc bảo hộ hàng hóa trong nước thông qua các rào cản thương mại, thậm chí khi rào cản thuế quan dần bị loại bỏ thì rào cản kỹ thuật lại ngày càng đa dạng, phức tạp và khắt khe hơn như các quy định về vệ sinh, kỹ thuật, môi trường, tiêu chuẩn sản phẩm, sở hữu trí tuệ, hạn ngạch xuất nhập khẩu...

Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU hiện nay vẫn là các rào cản thương mại, chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng của ta như thủy sản và dệt may.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần May Tiền Tiến thì việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như thực hiện các cam kết chính sách xã hội theo yêu cầu khách hàng nước ngoài ngày càng cao, thậm chí “có những tiêu chí cao hơn cả quy định hiện hành của Nhà nước ta. Để thực hiện điều này buộc doanh nghiệp phải tăng đầu tư (ví dụ như năm 2013 đầu tư chi phí 1 chỗ làm cho công nhân tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước đó), làm tăng khấu hao, tăng áp lực về tính toán hiệu quả kinh tế”.

Còn về thị trường Hoa Kỳ, cũng theo lãnh đạo công ty này thì: “Đây là thị trường lớn, chiếm khoảng 50% tổng thị phần dệt may. Tuy nhiên, ngoài các khó khăn tương tự như trên, thị trường này còn có yêu cầu về sự cam kết và chứng minh, kiểm tra an ninh, an toàn hàng hóa là rất khó.

Cụ thể, nhà máy của công ty phải thực hiện các quy trình kiểm soát an ninh theo yêu cầu gắt gao của khách hàng, trong khi cũng rất phập phồng bởi nguy cơ bị dừng đơn hàng hoàn toàn có thể xảy ra khi khách hàng cho là có “những điểm không phù hợp” (mặc dù so quy định Việt Nam thì nhà máy hoàn toàn đạt yêu cầu)”.

Cùng với nhận định trên, lãnh đạo Sở Công thương cũng cho rằng TPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức của ngành may Tiền Giang khi tiến vào thị trường Mỹ, Nhật, nhất là phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ, nếu không chính điểm này sẽ trở thành rào cản lớn cho quá trình thực thi hiệp định...

Công nhân Công ty cổ phần May Tiền Tiến trong giờ lao động. Ảnh: N. Hoàng
Công nhân Công ty cổ phần May Tiền Tiến trong giờ lao động. Ảnh: N. Hoàng

Không thể chỉ nằm chờ

Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ thì trong xu thế hội nhập sắp tới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng sẽ đón nhận nhiều cơ hội và thách thức mới. Cụ thể, khi TPP với Hoa Kỳ và các đối tác khác được ký kết, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, gia tăng thương mại với Hoa Kỳ và thu hút FDI... Mặt khác, thuế nhập khẩu của các nước gia nhập TPP sẽ giảm đáng kể, từ đó, xuất khẩu quần áo, giày dép, rau quả và thủy sản sẽ được gia tăng nhiều hơn.

Chính vì vậy, nếu có sự đầu tư để nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo hộ thương hiệu tốt hơn và có sự thống nhất cao hơn giữa các doanh nghiệp xuất khẩu về giá thì một số mặt hàng của tỉnh (trong đó có may mặc) có thể cạnh tranh và phát triển tốt hơn ở thị trường này trong thời gian tới.

Cùng chung suy nghĩ này, lãnh đạo Công ty May Tiền Tiến cho biết, tới đây khi một số nền kinh tế có thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật, Hàn quốc bắt đầu hồi phục, sức mua tăng lên và Việt Nam gia nhập TPP, thuế nhập khẩu giảm dần về 0% thì khả năng cạnh tranh về giá của ta sẽ khá hơn bây giờ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh “những gì có thể làm được thì doanh nghiệp đã làm mấy năm nay rồi, hiện chi phí giá thành sản xuất của ngành may đã tới ngưỡng, các khoản tiết kiệm đã thực hiện tới giới hạn thấp nhất có thể được” thì cách duy nhất để công ty cạnh tranh trong “môi trường” TPP chỉ có thể là tăng năng suất lao động, giảm bớt tỷ trọng hàng gia công và tiếp tục đầu tư tăng sản xuất hàng FOB (giao tại mạn tàu) gắn với cấu trúc lại lao động, quy trình công nghệ và phương pháp quản trị doanh nghiệp nhằm giảm chi phí.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu và phụ liệu ngành may trong nước - bởi nếu không làm được việc này thì sẽ không còn lợi thế khi gia nhập TPP và các nước khác (như Trung Quốc chẳng hạn) sẽ “qua mặt” Việt Nam ngay; đồng thời các cơ quan Nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách về thủ tục xuất - nhập khẩu, thủ tục hải quan để đồng hành cùng doanh nghiệp chuẩn bị tiến công vào thị trường của TPP...

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.