Tận dụng tiềm năng, lợi thế để tăng thu hút đầu tư cho ĐBSCL
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị "Giới thiệu môi trường đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đoàn doanh nghiệp các nước và các tỉnh, thành trong và ngoài vùng ĐBSCL...
Một góc KCN Mỹ Tho - Khu công nghiệp hàng đầu của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Vân Anh |
ĐBSCL là khu vực kinh tế phát triển năng động, là nơi sản xuất, cung ứng lúa gạo, thủy sản và nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm. Sản phẩm nông, thủy sản của vùng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, cơ sở hạ tầng của ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển quy hoạch kinh tế-xã hội từng bước được triển khai và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Môi trường kinh doanh của vùng cũng được cải thiện đáng kể khi trong năm 2013, nhiều tỉnh, thành trong vùng nằm trong nhóm có điểm số cao trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hình ảnh về một khu vực kinh tế năng động và thân thiện, ĐBSCL đang chú trọng mời gọi đầu tư FDI vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đường bộ, đường thủy, cảng biển, dịch vụ logistics. Đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, năng lượng điện, điện gió…
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị, mặc dù có những bước phát triển năng động, song, ĐBSCL phải giải quyết hàng loạt những vấn đề thách thức như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực còn lạc hậu, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu. Chất lượng cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ phục vụ cho sự phát triển của các khu công nghiệp còn tương đối thấp, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế…
Trao đổi về vấn đề hoàn thiện môi trường đầu tư của vùng, các tổ chức xúc tiến đầu tư và một số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại ĐBSCL đề xuất các tỉnh, thành trong vùng cần tận dụng tối ưu những lợi thế, tiềm năng hiện có để thu hút vốn, công nghệ và phương pháp quản lý tân tiến từ các nước khác. Đặc biệt, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng cần nắm bắt kịp thời các nhu cầu đầu tư và xu hướng chuyển dịch đầu tư hiện nay trên thế giới để có chiến lược mời gọi đầu tư phù hợp.
(Theo baocantho.com.vn)