Thứ Bảy, 10/05/2014, 10:46 (GMT+7)
.

Tăng thị phần, kênh phân phối hàng Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 634/QĐ-TTg phê duyệt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 - 2020, bắt đầu được triển khai từ ngày 29-4-2014.

Cuộc vận động này nhằm phát triển thị trường trong nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng gốm sứ Minh Long tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Tiền Giang - năm 2014. . Ảnh: Vân Anh
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng gốm sứ Minh Long tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Tiền Giang - năm 2014.

Mục tiêu của cuộc vận động là đến năm 2015, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%; phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”;

100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá cuộc vận động.

Đến hết năm 2020, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Để thực hiện cuộc vận động này, các cấp, các ngành có nhiệm vụ xây dựng chính sách vinh danh và phát triển hàng Việt, đẩy mạnh công tác truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và tăng cường về kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Kinh phí cho đề án dự kiến khoảng 230 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2014 - 2015 khoảng 76,08 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 152,85 tỷ đồng.

KHẮC THUYÊN

.
.
.