Thứ Sáu, 23/05/2014, 17:24 (GMT+7)
.
Thu nhập của người trồng lúa: Thực trạng & giải pháp tháo gỡ để nông dân thoát nghèo

Bài 1: Người trồng lúa nếu lãi 50% vẫn nghèo

Bài 2: Nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả

Bài 3: Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên nền đất lúa

Tiền Giang là một trong những vựa lúa của cả nước. Cùng với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất lúa và thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Sản lượng lương thực của tỉnh năm 2013 đạt 1,35 triệu tấn. Tuy nhiên, một thực tế không vui là những người đang tích cực góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước lại có mức thu nhập đạt dưới chuẩn nghèo nông thôn. Từ đây, vấn đề đang đặt ra cấp thiết là cần có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, định hướng cho người trồng lúa không những thoát nghèo, mà còn có thể làm giàu trên thửa ruộng của mình.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa cả năm 2013 của Việt Nam đạt trên 44 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa của Tiền Giang là 1,35 triệu tấn. Tiền Giang là tỉnh đất hẹp người đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân mỗi hộ gia đình chỉ khoảng 0,5 ha. Hiện toàn tỉnh có 513.000 lao động nông thôn sống bằng nghề trồng lúa, với tổng diện tích trồng lúa là 83.083 ha.

Để đảm bảo người dân sản xuất lúa có lãi trên 30%, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), các sở, ngành có liên quan và các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân. Ngay từ đầu mỗi vụ, ngành Nông nghiệp tập trung công tác ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất lúa.

Với lịch thời vụ khung và cơ cấu giống lúa khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, trên 90% diện tích lúa trong tỉnh xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy. Trên 80% nông dân áp dụng các chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bón phân theo bảng so màu lá lúa, từ đó sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.

Thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Ảnh: Vân Anh
Thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Ảnh: Vân Anh

Thế nhưng, thu nhập của người trồng lúa nói chung và nông dân Tiền Giang nói riêng lại là câu chuyện khác. Theo số liệu thống kê từ Sở NN & PTNT, năm 2010, năng suất lúa bình quân của tỉnh là 5,41 tấn/ha, chi phí sản xuất 1 kg lúa là 3.215 đồng, nông dân bán lúa với giá trung bình 4.550 đồng/kg, thu nhập bình quân mỗi ha lúa là 21,6 triệu đồng/năm.

Năm 2011, năng suất lúa bình quân của tỉnh là 5,44 tấn/ha, chi phí sản xuất 1 kg lúa là 3.696 đồng, nông dân bán lúa với giá trung bình 5.950 đồng/kg, thu nhập bình quân mỗi ha lúa gần 36,79 triệu đồng/ năm. Tương tự, sang năm 2012, năng xuất lúa ở mức 5,65 tấn/ha nhưng chi phí sản xuất tăng lên 3.948 đồng/kg và giá lúa giảm còn 5.612 đồng/kg nên mỗi ha nông dân chỉ lãi 28,2 triệu đồng/năm.

Năm 2013, giá thành bình quân sản xuất mỗi kg lúa là 3.945 đồng/kg nhưng giá bán bình quân là 5.765 đồng/kg, người trồng lúa lãi bình quân 31,2 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân vừa qua, nông dân bán lúa chỉ ở mức trên dưới 4.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất bình quân do Bộ Tài chính công bố là 3.652 đồng/kg nên lợi nhuận của nông dân lại “teo tóp” hơn.

Trên bình diện tổng thể, qua 4 năm liên tục, năng suất lúa của tỉnh đều tăng và thu nhập nhìn chung của người trồng lúa cũng tăng trung bình 11% mỗi năm. Có điều thu nhập bình quân của người trồng lúa cũng vẫn cứ “bèo bọt”.

Nếu tính bình quân 0,5 ha/hộ, với 4 nhân khẩu thì thu nhập bình quân của một người trồng lúa năm 2010 chỉ trên 2,708 triệu đồng/năm (tức 225.698 đồng/tháng); năm 2011 tăng lên 4,598 triệu đồng/năm (tức 383.180 đồng/tháng); năm 2012 giảm còn 3,525 triệu đồng/năm (tức 293.800 đồng/tháng) và năm 2013 đạt mức 3,906 triệu đồng/năm (tức 325.552 đồng/tháng).

Như vậy, thu nhập bình quân của người trồng lúa hiện nay lại thấp hơn so với quy định của Chính phủ về chuẩn nghèo nông thôn (Quy định chuẩn nghèo nông thôn hiện nay là 400.000 đồng/người/tháng). Với mức thu nhập bình quân đầu người như thế, thu nhập của người trồng lúa chỉ bằng 20% mức thu nhập bình quân của các ngành nghề khác. Theo thống kê năm 2012, thu nhập của các ngành nghề khác là 19,932 triệu đồng/người/năm.

Chúng tôi đặt vấn đề thu nhập của người trồng lúa với ông Nguyễn Văn Vinh, 1 lão nông ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè). Ông tính toán cho chúng tôi biết, vụ đông xuân 2013-2014, năng suất lúa bình quân đạt gần 8 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay. Với giá bán lúa tươi tại ruộng khá cao lúc đầu vụ thu hoạch, như lúa VD20 từ 6.800 - 6.900 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 5.250-5.350 đồng/kg, lúa IR50404 từ 4.600 - 4.650 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân đạt mức lợi nhuận trên 40%.

“Đây là vụ có thời tiết tương đối thuận lợi, chi phí cho phân thuốc giảm hơn các vụ khác từ 10-15% nên người làm lúa mới có thể lãi được ở mức này. Càng vào chính vụ mức lãi mà người làm lúa thu được sẽ thấp hơn do giá giảm dần, làm gì thu lãi được đến mức 50%, chưa kể đến sâu bệnh, dịch hại” - ông Nguyễn Văn Vinh cho chúng tôi biết về thu nhập thực tế của người nông dân.

Nông dân “lãnh đủ”

Theo cách tính của TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, ví dụ một hộ nông dân có 1 ha đất trồng lúa, 1 năm làm 2 vụ, thu hoạch được 12 tấn. Nếu cho mức lãi lên đến 50% thì sẽ lãi được 6 tấn lúa. Lấy giá thị trường 6.000 đồng/kg lúa, sẽ thu lãi được 36 triệu đồng, bình quân mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng.

Với mức thu nhập này, một gia đình bình thường với vợ chồng và 2 đứa con không thể sống tốt được với chi phí sinh hoạt hàng ngày, chưa kể học hành, ốm đau… Tuy nhiên, phần lớn nông dân ở ĐBSCL đều có diện tích sản xuất lúa dưới 1 ha, nên thu nhập càng thấp hơn. Đó là chưa kể tình trạng được mùa mất giá.

Đây là hậu quả của sự thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Nông dân cứ sản xuất, ai mua thì mua; còn doanh nghiệp có lợi nhuận cao mới mua, không thì thôi. Chính cung - cầu không gặp nhau đã gây nên chuyện được mùa mất giá triền miên trong nhiều năm qua, mà nông dân bao giờ cũng là người “lãnh đủ”­­­­­­.

Khi đề cập về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang phỏng tính, năng suất lúa bình quân 3 vụ trong năm của tỉnh tối đa cũng chỉ đạt 18 tấn trên mỗi ha.

Như vậy, nếu giá bán lúa bình quân là 5.000 đồng/kg, 1 ha lúa người nông dân cũng chỉ thu được tối đa 90 triệu đồng mỗi năm.

Tạm cho nông dân lãi 50% sẽ thu được 45 triệu đồng cho mỗi ha. Một hộ gia đình bình quân có 4 thành viên và chỉ có diện tích sản xuất lúa bình quân 0,5 ha, thì lợi nhuận thu được từ trồng lúa cũng chỉ được 22,5 triệu đồng mỗi năm, tức thu nhập 1 người mỗi tháng chỉ có 468.750 đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của người trồng lúa chưa bao giờ lên đến 50% so với giá lúa bán.

“Cũng có thực tế là người nông dân còn khó khăn, thiếu kiến thức nên mua vật tư thiếu với giá cao, mua sản phẩm không cần thiết, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Đây còn là mảng tối trong sản xuất lúa hiện nay” - TS. Lê Hữu Hải nhận định.

Câu chuyện về thu nhập của người trồng lúa được bóc tách ra một cách cụ thể như thế. Thực trạng thu nhập của người trồng lúa thấp hơn so với trung bình thu nhập của các ngành nghề khác, bắt nguồn từ một số nguyên nhân:

Bình quân diện tích trên mỗi hộ gia đình và bình quân diện tích trên nhân khẩu trên địa bàn tỉnh thấp; giá cả vật tư đầu vào biến động cao dẫn đến giá thành sản xuất lúa luôn tăng qua các năm, trong khi giá bán lúa hàng hóa tăng không đáng kể, lại có dấu hiệu giảm; việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường; doanh nghiệp xuất khẩu chưa định hướng cho sản xuất; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa vẫn còn nhiều khó khăn, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa bền chặt… và cả nhiều chính sách ưu đãi chưa tới tay nhà nông.

PHƯƠNG ANH - THỦY HÀ

Bài 2: Nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả

Quy định về chuẩn hộ nghèo ở nông thôn

Quyết định 09 ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống; hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống; hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng; hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng.

 

.
.
.