Bài 2: Nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả
Bài 1: Người trồng lúa nếu lãi 50% vẫn nghèo
Bài 3: Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên nền đất lúa
Tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người trồng lúa. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hiện nay vẫn còn một số chính sách chưa đến với nông dân hoặc chưa phát huy hiệu quả tích cực nên người trồng lúa vẫn còn nghèo.
Nhiều chính sách ưu đãi
Có thể nói, ngành Nông nghiệp, đặc biệt là người trồng lúa là đối tượng có nhiều chính sách ưu đãi nhất hiện nay. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng để đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30%, ít nhất cũng đã có khoảng 20 văn bản của Trung ương và của tỉnh đã được triển khai thực hiện. Chẳng hạn, về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch có thể điểm qua một số văn bản như:
Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định 63/QĐ-TTg và Quyết định 65/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;
Thông tư 28/2012 của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; các thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất…
Về chính sách bao tiêu sản phẩm, khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng được thực hiện theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg; Quyết định 311/QĐ-TTg và Quyết định 850/QĐ-TTg về việc thu mua tạm trữ lúa gạo.
Ngoài ra, còn có hàng loạt chính sách hỗ trợ đối với đất trồng lúa, chính sách hỗ trợ sản xuất theo GAP, chính sách phòng trừ dịch hại.
Chính sách hỗ trợ đã giúp cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. |
Cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện hỗ trợ người trồng lúa. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ áp dụng “Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; chính sách hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật qua công tác khuyến nông, qua công tác bảo vệ thực vật; chính sách hỗ trợ thủy lợi phí…
Có thể nói, các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương đã góp phần đáng kể giúp người trồng lúa tiết giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, qua hơn 2 năm triển khai giải pháp về giảm thất thoát sau thu hoạch theo Quyết định 63 và 65 của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 12-2013 đã có 72 lượt tổ chức, cá nhân vay vốn hỗ trợ lãi suất với số tiền 27,189 tỷ đồng, tổng số tiền được hỗ trợ lãi suất là 3,998 tỷ đồng.
Riêng chính sách tín dụng phát triển nông thôn theo Nghị định 41/2010 của Chính phủ, đến tháng 12-2013 các ngân hàng đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, cá nhân vay vốn với số tiền 71,375 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách này đã hỗ trợ tích cực cho sản xuất, giúp tăng 345 máy gặt đập liên hợp, tăng 46% diện tích thu hoạch bằng máy so với năm 2010.
Mới đây, Quyết định 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn chính thức có hiệu lực. Đây được xem là một trong những quyết định mang tính động lực nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản và thay thế Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ trước đây.
Quyết định 62 có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó quy định chính sách ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng cụ thể gắn với từng chính sách hấp dẫn hơn trước. Chẳng hạn đối với DN, được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, nhà ở cho công nhân, nhà công vụ phục vụ cho dự án cánh đồng lớn.
Đối với nông dân, được hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn; được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại DN, thời hạn tối đa là 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản… Nói như ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quyết định 62 có rất nhiều ưu đãi thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hiệu quả hạn chế
Nhìn một cách tổng thể, tất cả các chính sách ưu đãi trên đây là phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và liên kết trong tiêu thụ nông sản nói riêng nhằm thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Điều này còn có ý nghĩa hơn đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực thuần nông nghiệp có nhiều tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cần phải tháo gỡ.
Có điều, trong số những chính sách, pháp luật hiện hành vẫn còn một số chính sách chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Một trong những điểm mấu chốt là liên kết sản xuất nhằm đảm bảo đầu ra và tăng thu nhập cho người nông dân đã được thể hiện trong rất nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, nhưng trên thực tế, việc liên kết sản xuất trong lĩnh vực trồng lúa một thời gian dài cũng chưa đạt được như mong đợi.
Trên 400 văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp Theo thống kê gần đây của PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, thời gian qua đã có 407 văn bản pháp quy liên quan đến cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Theo đó, có đến 205 văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến cây lúa, hạt gạo; 162 văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến thủy sản và 40 văn bản về liên quan đến cây ăn trái. Nếu xét về số lượng văn bản pháp quy, chúng ta không thiếu cơ chế, chính sách cho các sản phẩm được xem là chủ lực của ĐBSCL, nhưng tại sao các mặt hàng này nhiều năm qua vẫn cứ loay hoay, bị tắc ở nhiều khâu. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực đều được nhận định là còn nhiều điều phải bàn cãi. |
Thể hiện cụ thể nhất là thông qua việc thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng được ban hành cách đây hơn 10 năm (vào năm 2002).
Đánh giá về kết quả thực hiện Quyết định 80, tại hội nghị gần đây, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp, chỉ từ 2-3% sản lượng lúa, từ 0,3 - 1% cây ăn trái…
Vụ lúa đông xuân 2013-2014 cứ tưởng sẽ tạo ra được điểm nhấn quan trọng trong liên kết sản xuất lúa gạo, bởi đây là lần đầu tiên việc xây dựng vùng sản xuất lúa gắn với DN xuất khẩu được quy định gần như bắt buộc của Bộ Công thương đối với DN xuất khẩu gạo.
Thế nhưng, kết thúc vụ đông xuân, kết quả của việc liên kết sản xuất lúa giữa DN và người dân (thông qua tổ hợp tác, HTX) cũng chỉ ở mức giới hạn, chỉ đạt trên 30% diện tích sản xuất lúa được ký kết.
Chủ trương mua tạm trữ lúa gạo cũng là vấn đề đang còn nhiều bàn cãi, bởi tính hiệu quả thiết thực đối với người trực tiếp làm lúa. Phải thừa nhận rằng, chương trình tạm trữ là chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm mục tiêu giữ ổn định mặt bằng giá, giúp cho người trồng lúa đảm bảo được mức thu nhập nhất định.
Thực hiện chủ trương này, từ năm 2012-2013, các DN trên địa bàn tỉnh đã thu mua tạm trữ được 553.000 tấn. Đánh giá về hiệu quả thật sự của chủ trương này, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, nếu không mua tạm trữ nông dân sẽ phải chấp nhận lỗ, bán dưới giá thành để trang trải cho các chi phí.
Tuy nhiên, do lượng hàng hóa lớn và phần tạm trữ nhỏ nên hiệu quả giúp cho nông dân không nhiều. Bên cạnh đó, thực tế DN không tổ chức mua trực tiếp tới từng hộ nông dân mà mua tại hệ thống kho của mình; còn nông dân cũng không có điều kiện chuyên chở để mang đến bán tại kho DN nên bán qua thương lái và DN mua lại của thương lái. Như vậy, chắc chắn rằng nông dân sẽ bán lúa không được như giá mua tạm trữ mà DN tuyên bố.
Chưa kể, theo Nghị định 42/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ cho nông dân. Chẳng hạn, trong chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa, Nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước.
Thế nhưng, phần lớn diện tích bình quân cho mỗi hộ canh tác lúa trên địa bàn tỉnh hiện nay rất nhỏ (khoảng 0,5 ha/hộ), do vậy việc triển khai thực hiện cũng rất khó, do số tiền người dân được hỗ trợ rất thấp, chi phí đi lại có thể cao hơn số tiền nhận được. Do vậy, hiệu quả của chính sách này đối với người sản xuất lúa thực sự cũng không lớn.
PHƯƠNG ANH - THỦY HÀ
Bài 3: Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên nền đất lúa
Chỉ có 34% hợp đồng liên kết được thực hiện Vụ đông xuân 2013-2014, trên địa bàn tỉnh có 14 DN tham gia thực hiện chủ trương liên kết sản xuất lúa, với nhiều hình thức liên kết khác nhau trên tổng diện tích sản xuất 4.769 ha, với 19 xã tham gia, tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông… Tuy nhiên, chỉ có 1.636 ha nằm trong diện liên kết được các DN thực hiện (chiếm 34%), với sản lượng lúa mà các DN mua vào là 13.029 tấn. Điểm đáng chú ý là chỉ có một vài DN thực hiện được 100% theo hợp đồng đã ký (Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty TNHH Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty TNHH VC và Giao nhận toàn cầu, Công ty Tân Thành), các DN còn lại chỉ thực hiện được từ 2-65% theo hợp đồng liên kết, kể cả 6 DN không mua lúa theo như thỏa thuận ban đầu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thực hiện theo hợp đồng đạt thấp, nhưng chủ yếu vẫn là không đạt được thỏa thuận về giá thu mua lúa giữa nông dân và DN. |