Thứ Tư, 28/05/2014, 17:03 (GMT+7)
.
Thu nhập của người trồng lúa: Thực trạng & giải pháp tháo gỡ để nông dân thoát nghèo

Bài 3: Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên nền đất lúa

Bài 1: Người trồng lúa nếu lãi 50% vẫn nghèo
Bài 2: Nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được ngành Nông nghiệp quan tâm chỉ đạo, xem đây là một trong những giải pháp cơ bản trong việc tái cơ cấu sản xuất trồng trọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và của Tiền Giang nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Những diện tích đã được chuyển đổi sang cây trồng khác. Ảnh: Mai Anh
Những diện tích đã được chuyển đổi sang cây trồng khác. Ảnh: Mai Anh

Lợi nhuận tăng

ĐBSCL có điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu, nước tưới thuận lợi cho phát triển các cây rau màu. Thực tế những năm qua, các địa phương, doanh nghiệp (DN) đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao; tập trung ở những vụ hè thu, xuân hè, những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả.

Việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chẳng hạn, tại tỉnh Đồng Tháp, vụ hè thu năm 2013, có 40 ha với 78 hộ thực hiện mô hình sản xuất đậu nành kết hợp với bao tiêu sản phẩm. Năng suất đậu nành thu hoạch trung bình 2,1 tấn/ha, giá bán 15.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được bình quân 16,5 triệu đồng/ha. Tỷ suất lợi nhuận sản xuất đậu nành là 1,07 so với trồng lúa chỉ 0,53.

Hay mô hình canh tác mè trên đất lúa được thực hiện, với diện tích 123 ha trong vụ hè thu ở 2 huyện Hồng Ngự và Cao Lãnh cho năng suất bình quân 11 tạ/ha, lợi nhuận thu được bình quân 26,5 triệu đồng/ha. Qua so sánh, hiệu quả kinh tế từ mè cao hơn lúa từ 14,5 - 23,5 triệu đồng/ha.

Còn tại TP. Cần Thơ, diện tích mè tăng cao ở các vùng bao đê chưa hoàn chỉnh, thiếu nước tưới ở vụ xuân hè. Lợi nhuận thu được từ mè đạt khoảng 17-25 triệu đồng/ha. Nếu nông dân canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ mè thì thu nhập còn tăng thêm từ 6-16 triệu đồng so với canh tác 3 vụ lúa liên tục.

Thời gian qua, các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL như Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An… cũng đẩy mạnh, khuyến khích, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khác từ diện tích trồng lúa để nâng cao lợi nhuận. Cụ thể, năm 2013, Kiên Giang có 3.700 ha trồng màu gồm dưa hấu, dưa lê, khoai lang, khoai mì, khoai môn, khoai từ, kiệu, mè, ngô lai… trên nền đất lúa.

Các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Sóc Trăng cũng đang tích cực thực hiện, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, luân canh lúa - màu và lợi nhuận mang lại khá cao so với chuyên canh liên tục 3 vụ lúa trong năm.

Các vụ lúa được các tỉnh, thành tập trung chuyển đổi nhiều nhất là xuân hè, hè thu do nhiều nơi gặp khó khăn về nước sản xuất, năng suất và chất lượng lúa thấp. Còn đối với vụ thu đông, đông xuân, lúa cho năng suất, chất lượng tốt, việc chuyển đổi được các ngành chức năng khuyến cáo tập trung vào những vùng đất trồng lúa không thuận lợi, năng suất thấp.

Các loại cây trồng đang được ngành Nông nghiệp và nông dân trong vùng quan tâm chuyển đổi là bắp, mè, đậu phộng, đậu nành, dưa các loại. Phương thức chuyển đổi được thực hiện chủ yếu là luân canh lúa - màu và chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang đất chuyên canh trồng màu.

Thu nhập tăng 2,63 lần so với trồng lúa

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết năm 2013 toàn tỉnh xuống giống trên 8.300 ha cây màu luân canh trên nền đất lúa  gồm các loại chủ yếu như ớt, dưa hấu, bắp và rau các loại… tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây.

Còn trong vụ đông xuân 2013-2014, có 1.500 ha cây màu luân canh trên nền đất lúa. Các loại cây trồng luân canh trên nền đất lúa đã giúp gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân từ 1,03 - 2,63 lần so với lúa.

Việc tăng lợi nhuận trên là do giảm chi phí sản xuất từ việc giảm công lao động, giảm thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại, cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất, bồi dưỡng đất, gia tăng năng suất lúa vụ sau, rút ngắn thời gian gieo trồng…

Kế hoạch đến năm 2020, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác là 34.100 ha.

Không thể tự phát

Bên cạnh tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác ở những vụ lúa, vùng đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân đang được các ngành, các cấp và nhất là ngành Nông nghiệp rất quan tâm.

Việc sản xuất, chuyển đổi, luân canh cây trồng trên nền đất lúa còn góp phần giảm nguy cơ lây truyền sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Việc chuyển đổi này không làm mất đi các điều kiện thích hợp để trồng lúa trở lại khi cần thiết; đồng thời phá thế độc canh cây lúa; chủ động, linh hoạt ứng phó với thị trường, biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả quỹ đất trồng lúa.

Đây cũng là một trong những giải pháp thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành thông tư về hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.

Nhằm tạo điều kiện cho người nông dân đẩy mạnh việc chuyển đổi, nâng cao đời sống, cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu tại vùng ĐBSCL, áp dụng ở vụ xuân hè, hè thu, thu đông năm 2014 và vụ đông xuân 2014-2015, với mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/ha và chỉ hỗ trợ một lần trên cùng diện tích chuyển đổi.

Hiện nay, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã có kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác đến năm 2020 với diện tích chuyển đổi của mỗi tỉnh, thành là hàng chục ngàn ha. Dù việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa đang được ngành Nông nghiệp khuyến khích, đẩy mạnh nhưng không vì thế mà có thể chuyển đổi ồ ạt, không tính đến điều kiện cụ thể từng vùng, nhu cầu thị trường.

Theo các chuyên gia, để tránh những rủi ro có thể xảy ra, vấn đề trước mắt là cần quy hoạch vùng chuyển đổi cho từng cây trồng phù hợp, có tính đến nhu cầu của thị trường; thống nhất quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh.

Thực hiện các bước đi này, Cục Trồng trọt cho biết, trong quý II-2014, Cục cùng với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, các địa phương sẽ trình Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của cả nước, trong đó có vùng ĐBSCL.

Trên cơ sở này, các tỉnh, thành xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cụ thể, chi tiết từ cấp tỉnh đến cấp xã làm cơ sở chỉ đạo, quản lý việc chuyển đổi có hiệu quả.  Theo đó là vấn đề cải tạo hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi; tập huấn cho nông dân nắm các quy trình kỹ thuật trồng những loại cây trồng mới; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, cơ giới hóa sản xuất…

NGÔ VĂN

Hỗ trợ chuyển đổi tối đa 2 triệu đồng/ha từ trồng lúa sang trồng màu

Ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 580 về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí về giống để chuyển đổi, nhưng không vượt quá 2 triệu đồng/1 ha. Trên cùng diện tích chuyển đổi chỉ được hỗ trợ 1 lần. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho các địa phương trong vùng để thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu.

Riêng TP. Cần Thơ được hỗ trợ 50%. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa mức hỗ trợ đối với từng loại cây trồng trên địa bàn.

Đối tượng áp dụng hỗ trợ là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân. Phạm vi áp dụng là vụ xuân hè, vụ hè thu, vụ thu đông năm 2014 và vụ đông xuân 2014-2015 tại vùng ĐBSCL.

Cây trồng chuyển đổi được hỗ trợ là ngô, đậu tương, vừng, lạc, dưa, rau các loại. Điều kiện được hỗ trợ là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu được UBND xã xác nhận:

Đã thực hiện chuyển đổi cây trồng trong vụ xuân hè, vụ hè thu, vụ thu đông năm 2014 và vụ đông xuân 2014-2015 trên diện tích đất trồng lúa; việc chuyển đổi đáp ứng các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..

PHƯƠNG ANH

 

.
.
.