Thứ Sáu, 30/05/2014, 12:26 (GMT+7)
.
Thu nhập của người trồng lúa: Thực trạng & giải pháp tháo gỡ để nông dân thoát nghèo

Bài 4: Tìm lời giải cho bài toán thu nhập của người trồng lúa

Bài 1: Người trồng lúa nếu lãi 50% vẫn nghèo
Bài 2: Nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả
Bài 3: Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên nền đất lúa

Những tồn tại, bất cập trong ngành Nông nghiệp nói chung và đối với người trồng lúa nói riêng đã diễn ra nhiều năm và rất khó tìm lời giải thỏa đáng. Có lẽ từ chính thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 889 ngày 10-6-2013 về phê duyệt Đề án Tái cấu trúc ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, Ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Quyết định 889 và UBND tỉnh đã thông qua. Đây được xem là một trong những động thái tích cực nhất nhằm mục tiêu chuyển biến ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, ít nhất là đến năm 2020.

Kế hoạch hành động của ngành Nông nghiệp đã đánh giá lại thực trạng của ngành Nông nghiệp, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp chủ yếu đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, trong đó có cây lúa và bài toán thu nhập cho người trồng lúa.

Xoay quanh vấn đề thu nhập “bèo bọt” của người trồng lúa hiện nay và giải pháp cải thiện đời sống nông dân trồng lúa, các chuyên gia trong lĩnh vực Nông nghiệp, lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)  đã chia sẻ:

TS. Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang: Nên bù lãi suất cho người trồng lúa

Không chỉ riêng nông dân trồng lúa mà nông dân sản xuất các loại nông sản khác cũng luôn luôn gặp cảnh được mùa rớt giá. Tại sao vậy? Có nhiều lý do nhưng quan trọng là do quy luật cung - cầu. Người nông dân không được định hướng sản xuất tốt.

Việc sản xuất của nông dân thường theo tính tự phát, cứ thấy người khác trồng, nuôi những cây, con gì có lợi nhuận cao thì bắt chước theo. Chính điều này làm cho cung vượt cầu và rớt giá, ế ẩm là chuyện đương nhiên. Điều này không phải lỗi ở nông dân mà phải nhìn sâu xa một chút, đó là mong muốn thoát nghèo chính đáng của họ.

Theo tôi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên nền đất lúa cũng chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được căn cơ vấn đề. Giải pháp tốt nhất chính là cơ quan chức năng phải định hướng được nông dân nên nuôi con gì, trồng cây gì; đồng thời điều tiết sản lượng để đảm bảo cung không vượt cầu.

Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay thì điều này rất khó thực hiện. Do đó, để nâng cao đời sống nông dân trong tương lai không cách nào khác là phải theo con đường tập trung hóa sản xuất. Vì chỉ như vậy chúng ta mới thực hiện tốt việc điều tiết sản lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng giá nông sản và nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.

Vấn đề thứ hai là người nông dân nghèo, thiếu kiến thức nên trong sản xuất, chăn nuôi phải chấp nhận mua vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi với giá cao, đặc biệt là mua thêm những sản phẩm không cần thiết nên làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận.

Giải quyết vấn đề này cần phải tăng cường hơn nữa việc đầu tư phúc lợi xã hội cho nông thôn, giúp nông dân có điều kiện nâng cao kiến thức. Về chính sách hỗ trợ đối với nông dân trồng lúa, thay vì Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong việc mua tạm trữ lúa gạo, nên chuyển sang bù lãi suất cho người sản xuất lúa. Khi đó nông dân không bị áp lực nợ ngân hàng, nợ vật tư nông nghiệp và chi phí sinh hoạt. Từ đó nông dân không phải bán vội lúa ngay sau khi thu hoạch mà có thể trữ lại chờ giá cao.

GS.TS Võ Tòng Xuân: Nông dân nên trở thành cổ đông

Tại Hội nghị về Chuỗi giá trị hạt gạo gần đây, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần kết hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) để tập hợp nông dân trên cùng một vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng bằng cách gắn liền với một nhóm công ty có cơ sở bảo quản, chế biến hàng hóa và phân sản phẩm có thương hiệu.

Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập hợp tác xã, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất chỉ chuyên trồng 1 giống theo đúng tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP mà thị trường đòi hỏi.

Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty vật tư cung cấp đầu vào và công ty chế biến, tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành 1 công ty cổ phần nông nghiệp tại vùng quy hoạch.

Công ty cổ phần nông nghiệp về lúa gạo sẽ được quyền xuất khẩu (XK) gạo. Hàng năm, Nhà nước ấn định lượng gạo XK của Việt Nam căn cứ trên diện tích và sản lượng của từng tỉnh sau khi trừ phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh còn dư bao nhiêu tấn gạo được quyền XK lượng gạo đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của Nhà nước nữa. Trên cơ sở đó, các công ty cổ phần nông nghiệp của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để XK. Đây là biện pháp bảo đảm khuyến khích cho sự phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phải về nông thôn đầu tư thật sự.

Đến cuối niên vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ; đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái không được lãi gì hết. Chính sách này sẽ đổi đời nông dân, người tham gia làm chủ công ty, luôn gắn bó với công ty.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Cần có đề án chuyển đổi cấp vùng

Phát biểu trong buổi làm việc với đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trong chuyến làm việc tại Tiền Giang vào tháng 4 vừa qua, ông Cao Văn Hóa bức xúc: “Nông dân trồng lúa là lo cho bao tử của người khác no còn mình chịu đói. Điều này thật không công bằng”.

Ông kiến nghị rằng Bộ NN&PTNT sớm ban hành chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa; đồng thời Bộ NN&PTNT cần phải có đề án chuyển đổi cấp vùng để tránh tình trạng các tỉnh cùng chuyển đổi sang một loại cây trồng, vật nuôi làm cho sản phẩm ứ đọng.

Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay nhiều loại dịch bệnh phát sinh trên cây lúa, do đó cần có giống lúa mới thích ứng nhưng phải ngắn ngày, cho năng suất và chất lượng cao. Song song đó vấn đề cần thiết nữa là thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản.

TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ): Cần thay đổi tư duy xuất khẩu gạo

Phát biểu tại Hội nghị Định vị thương hiệu hạt gạo gần đây, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định, trong 23 năm tham gia xuất khẩu (XK) gạo đã mang về cho Việt Nam hàng chục tỷ USD, đứng hàng thứ 2 thế giới.

XK là cách thức mà Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị lương thực toàn cầu nhưng nó cũng đang đặt ra không ít thách thức. Bởi lúa gạo là khai thác lợi thế tài nguyên, những yếu tố này hết sức bất định trong bối cảnh toàn cầu hóa, chưa kể đến những yếu tố biến đổi khí hậu.

Do vậy, theo TS. Võ Hùng Dũng: “Cần thay đổi tư duy về triển khai lợi thế so sánh. Tư duy trong chiến lược XK gạo cần được chuyển mạnh từ khai thác lợi thế so sánh sang lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ XK gạo mà cần chuyển sang XK các chế phẩm từ gạo. Và cũng không nhất thiết XK nhiều lúa gạo để chứng tỏ đẳng cấp của một cường quốc về lúa gạo. Nhu cầu về lương thực và thực phẩm chế biến ngày càng tăng nhanh. Các sản phẩm chế biến từ gạo có thể mang lại phần giá trị gia tăng cao hơn XK gạo thuần túy”.

P.ANH - T.HÀ (thực hiện)

.
.
.