Bài 2: Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
Bài 1: Xuất khẩu tăng nhờ doanh nghiệp mới
Bài 3: Xuất khẩu gạo - mất ngôi “Á hậu”
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và Tiền Giang cũng có nhiều lợi thế về nhóm ngành này nhưng giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản trên địa bàn tỉnh liên tục giảm trong các năm gần đây, cả về số lượng và giá bán. Điều này dẫn đến từ chỗ đóng góp xấp xỉ 50% trong tổng giá trị XK của tỉnh, đến năm 2013 chỉ còn 27%.
CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
Phải công nhận rằng XK thủy sản trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã gặt hái rất nhiều thành công, nhất là ở những năm gần đây. Tuy nhiên, cũng có thực tế XK thủy sản lại đang có xu hướng giảm, cụ thể là đối với tình hình XK của nhóm ngành hàng này trên địa bàn Tiền Giang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá trị XK thủy sản giảm, có cả yếu tố tác động từ thị trường tiêu thụ nước ngoài và chính các DN trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, trong đó có cả nguyên nhân là do cạnh tranh không lành mạnh, “giành giựt” nhau từng đơn hàng thông qua hình thức giảm giá bán. Điều này một phần cũng lý giải vì sao năm 2013, XK thủy sản của tỉnh giảm mạnh so với năm 2012, giảm gần 16% về giá trị kim ngạch, giảm gần 5% về sản lượng và giảm trên 11% về giá bán.
Vùng nuôi cá tra của Công ty cổ phần Gò Đàng. |
Là một trong những DN trong ngành Thủy sản XK có quy mô tương đối lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cũng đã chịu nhiều “vố đau” từ thực trạng chung này.
Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành cho rằng, giá trị XK của công ty liên tục tăng trong những năm gần đây nhờ kết quả đầu tư mở rộng từ các nhà máy chế biến và xây dựng được vùng nuôi đủ lớn, đạt tiêu chuẩn XK. Nhờ đó, năm 2013 công ty đã đạt giá trị XK trên 77 triệu USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công ty cũng gặp không ít khó khăn.
“Ngoài khó khăn về đầu ra do khủng hoảng kinh tế, tình trạng thiếu vốn lưu động cục bộ, còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong nước. Chính các DN làm ăn theo kiểu “chụp giựt”, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, lại đua nhau hạ giá để lôi kéo khách hàng tiêu thụ đã làm cho hàng thủy sản XK của Việt Nam liên tục bị mất giá” - ông Hà Văn Tính phân tích.
Khi chúng tôi đề cập đến tình trạng cạnh trạnh tranh lẫn nhau giữa các DN trong nước, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền (Sotico) cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường truyền thống gần đây có nhích lên, tuy chưa nhiều, nhưng cũng mang lại tín hiệu lạc quan hơn cho thị trường XK thủy sản vốn đã trầm lắng một thời gian dài.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ánh, thị trường tiêu thụ ở các nước thực sự không đáng lo bằng chính ở thị trường trong nước. “Tình trạng mua cá nguyên liệu cao nhưng giá XK lại thấp vẫn diễn ra, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Chính điều này đã ít nhiều tác động đến giá XK theo chiều hướng giảm xuống, dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của hầu hết các DN trong ngành Thủy sản là không cao” - bà Nguyễn Thị Ánh phân tích thêm về thực trạng hiện nay.
Riêng về giá bán, theo thống kê gần đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vào những năm 1997-1998, giá cá tra XK của Việt Nam bình quân vào khoảng 4,93 USD/kg. Trong khi đó, hiện nay một số DN chế biến thủy sản XK trong nước lại chào bán cá tra tại Mỹ chỉ còn từ 1,8-2,5 USD/kg. Đáng nói là giá bán cá giảm mạnh trong khi chi phí (thức ăn, nhân công, thuốc thú y…) ngày càng tăng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cá tra là ngành hàng mà Việt Nam luôn độc chiếm thị trường thế giới từ trước tới nay, với 95% thị phần toàn cầu. Nhưng DN lại đua nhau giảm giá bán dẫn đến giá cá tra XK bình quân chỉ còn 1,8 USD/kg, trong khi 3 năm trở về trước có giá XK luôn trên 2,8 USD/kg.
LỢI NHUẬN KHÔNG CAO
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những “lộn xộn” trong ngành Thủy sản là do có quá nhiều đầu mối tham gia vào lĩnh vực này. Riêng trên địa bàn tỉnh cũng có đến 19 DN sản xuất, chế biến thủy sản có quy mô tương đối lớn, với tổng công suất hàng năm khoảng 159.000 tấn. Tiền Giang có 17 DN tham gia XK thủy sản lớn, trong đó Công ty cổ phần Hùng Vương chiếm gần 33% tổng giá trị XK thủy sản của tỉnh, kế đến là Công ty TNHH Đại Thành (chiếm gần 22%), Công ty cổ phần Gò Đàng (chiếm 13%).
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sản lượng XK vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của các DN trong tỉnh. Thị trường XK chủ yếu của mặt hàng này là châu Âu chiếm 42%; kế đến là châu Á chiếm trên 25%; châu Mỹ trên 17%. Còn nếu tính về cơ cấu các mặt hàng thủy sản XK trong năm 2013 của tỉnh thì cá tra phi lê chiếm 88%, thủy sản đóng hộp chiếm 4%, nghêu gần 4%, thủy sản hỗn hợp gần 1%; ngoài ra còn có mực, bạch tuộc...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, từ năm 2011 đến năm 2013, KNXK thủy sản năm sau đều giảm so với năm trước. Nếu tính chung về tốc độ bình quân 3 năm 2011-2013, KNXK thủy sản của tỉnh vẫn tăng gần 4%/năm nhưng là nhờ vào mức tăng của năm 2011 so với năm gốc 2010 (tăng trên 32%).
Đánh giá thêm về thực trạng XK thủy sản hiện tại, chiều ngày 26-4, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (KCN Mỹ Tho) cho rằng, thị trường tiêu thụ có khởi sắc, giá bán cũng tăng được khoảng 2%.
Tuy vậy, DN chế biến thủy sản XK lại đang đối diện với rất nhiều khó khăn khác. Dù giá XK có tăng chút ít nhưng vẫn chưa phù hợp với mặt bằng chung nên dẫn đến cạnh tranh nội bộ ngày càng gay gắt. Thứ hai là việc quản lý chất lượng, cũng như vấn đề nuôi không tốt dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, thiếu cứ liên tục xảy ra. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các DN XK thủy sản gặp nhiều khó khăn thời gian qua.
XK thủy sản của Việt Nam hiện tại tập trung chủ yếu vào cá tra và tôm, trong đó cá tra có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Theo thống kê của VASEP, cá tra Việt Nam đã có mặt tại 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự xuất hiện của rất nhiều nhà máy chế biến XK.
Chỉ riêng ở khu vực ĐBSCL đã có 136 DN XK cá tra (trong đó 64 DN có nhà máy chế biến, với tổng công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm). Do có quá nhiều DN XK đã dẫn đến thực trạng là cạnh tranh không lành mạnh. Hậu quả là hiện đã có khoảng 50% số DN đã phải ngưng hoạt động; chỉ có khoảng 20 DN XK ổn định.
Thực tế này cũng lý giải vì sao sản lượng XK của toàn ngành không giảm nhiều nhưng lợi nhuận thu về chẳng đáng là bao. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (KCN Mỹ Tho) đồng thời là Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã giảm công suất tới 50% do thiếu nguyên liệu. Chỉ những DN tự nuôi, chủ động được nguyên liệu mới duy trì được sản xuất.
THẾ ANH
Bài 3: Xuất khẩu gạo - mất ngôi “Á hậu”