Thứ Sáu, 16/05/2014, 13:50 (GMT+7)
.

Trung tâm KT&CNSH: Nhiều ứng dụng thiết thực vì sự phát triển bền vững

Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (KT&CNSH) Tiền Giang là đơn vị trực thuộc Sở khoa học và Công nghệ. Được thành lập năm 2005, đến nay hoạt động của trung tâm đã có những hiệu quả bước đầu trong xây dựng và phát triển CNSH phục vụ công nghiệp chế biến, hình thành và phát triển công nghiệp sinh học, đặc biệt là trong lĩnh vực vi sinh ứng dụng.

Theo Trung tâm KT&CNSH, thì Tiền Giang với tổng diện tích trồng ca cao năm 2012 là 2.103 ha, với sản lượng trái khoảng 6.299 tấn, lượng vỏ thải ra khoảng 4.724 tấn. Nguồn phụ phẩm dồi dào này chưa được sử dụng có hiệu quả, từ lý do này Trung tâm tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ tận dụng vỏ trái ca cao làm thức ăn chăn nuôi heo và phân bón hữu cơ vi sinh”.

Phân hợp chất vi sinh (HCVS) tận dụng được hàm lượng kali dồi dào từ vỏ trái ca cao, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm do quá trình thối rữa, sâu mọt từ vỏ trái gây ra tại các điểm sơ chế lên men hạt ca cao. Phân HCVS từ vỏ trái ca cao cho thấy tính hiệu quả đối với cây trồng, đặc biệt giúp cây cứng chắc và đậu trái nhờ hàm lượng kali dồi dào từ vỏ trái ca cao.

Trong thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh tận dụng nguồn nguyên liệu vỏ ca cao để sản xuất phân bón, thương mại hóa sản phẩm một cách có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà sản xuất và nhà nông, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp có sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học bền vững, xanh, sạch và an toàn.

Chuối cấy mô ngoài vườn ươm.
Chuối cấy mô ngoài vườn ươm.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất chế phẩm và phân HCVS cũng như công tác nhân rộng việc ứng dụng này trong các hộ dân là vấn đề thiết thực và mang lại hiệu quả cao. Vì thế, mô hình của đề tài “Xây dựng mô hình nhân nuôi, phân phối, sử dụng các chủng vi sinh vật có ích để tạo phân sinh học bón cho cây khóm tại nông hộ” đã hình thành được những mô hình ứng dụng các chủng vi sinh vật có ích để tạo phân sinh học bón cho cây khóm tại nông hộ thuộc xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước và Tân Lập 2 của huyện Tân Phước.

Để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, xanh, sạch và an toàn, Trung tâm đã thực hiện đề tài “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn GAP”.

Thực hiện đề tài, Trung tâm đã sản xuất và cung cấp trên 60.000 cây vú sữa giống chất lượng cao cho nông dân 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy; đồng thời tập huấn cho nông dân trồng vú sữa ở huyện Châu Thành và Cai Lậy về phương pháp sử dụng các chế phẩm sinh học để bón trong canh tác vú sữa.

“Nghiên cứu quy trình công nghệ ủ lên men hạt ca cao” là đề tài của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm KT và CNSH Tiền Giang trong khuôn khổ Dự án JICA của Nhật đã nghiên cứu thành công việc cơ giới hóa quá trình ủ lên men hạt ca cao với sản lượng lớn, góp phần giảm công lao động trong quá trình ủ lên men hạt ca cao nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Hệ thống lên men có cánh khuấy đảo và hệ thống sấy hạt lên men được áp dụng tại HTX ca cao Chợ Gạo cho thấy việc cơ giới hóa trong việc lên men hạt ca cao có bước tiến đáng kể so với phương pháp lên men truyền thống bằng thùng gỗ. Việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm bằng ứng dụng công nghệ sinh học có cải tiến trong chế biến thực phẩm là hướng đi đúng đắn và đầy tiềm năng.

Ngoài ra, vấn đề kiểm soát ô nhiễm do nước thải bằng phương pháp xử lý sinh học cũng được Trung tâm quan tâm, do đây là công nghệ có chi phí vận hành thấp nhờ vào tác nhân chủ đạo là các vi sinh vật và không gây ra những ô nhiễm thứ cấp giống như xử lý bằng phương pháp hóa học.

Vì thế, Trung tâm đang nghiên cứu sản xuất các chế phẩm để xử lý môi trường nước từ hướng giải quyết của Đề tài “Nghiên cứu xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất hủ tiếu ở làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Tho - Tiền Giang bằng phương pháp cố định tế bào vi khuẩn Bacillus.

Tại Tiền Giang, làng nghề sản xuất bánh bún hủ tiếu cũng được chú ý duy trì và phát triển cùng với thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho”. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề này mang tính nông hộ nhỏ lẻ, chưa chú ý đến vấn đề nước thải với đặc trưng là thành phần tinh bột. Nước thải chứa tinh bột thường thải trực tiếp ra sông, không qua xử lý nên các chỉ tiêu cơ bản của nước thải như COD, BOD, TSS... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Từ đó, gây ô nhiễm môi trường làng nghề, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Việc xác định các điều kiện kỹ thuật sử dụng vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens để xử lý nước thải từ cơ sở sản xuất hủ tiếu và đề xuất giải pháp triển khai ứng dụng cho các cơ sở sản xuất bánh bún hủ tiếu tại TP. Mỹ Tho là vấn đề thiết thực mà Trung tâm đang tiến hành.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Cao Tất, Giám đốc Trung tâm cho biết sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng cơ sở vật chất trong Dự án nâng cao năng lực của Trung tâm KT và CNSH; đồng thời hình thành khu sản xuất thực nghiệm CNSH để kịp thời phục vụ cho các kế hoạch, đề án và dự án phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh.

Liên kết, hợp tác nghiên cứu với các đơn vị như Trung tâm CNSH TP. Hồ Chí Minh, Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên để tạo ra các sản phẩm mới. Định hướng phát triển CNSH giai đoạn năm 2015 - 2020 bao gồm các lĩnh vực: CNSH  trong Nông nghiệp, CNSH  trong Thủy sản, CNSH  tế bào thực vật và động vật, CNSH trong y dược, CNSH trong thực phẩm, xử lý môi trường và CNSH trong chế biến thức ăn chăn nuôi...                         

SƠN PHẠM

.
.
.