Thứ Năm, 22/05/2014, 05:24 (GMT+7)
.

Viện Cây ăn quả miền Nam - 20 năm xây dựng và phát triển

TS. NGUYỄN VĂN HÒA

Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

Với tầm nhìn xa trong việc phát huy tiềm năng cây ăn quả nước nhà, ngày 26-3-1994 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định 116/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Cây ăn quả Long Định và đến năm 1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lại ký Quyết định 1056/1997/QĐ-TTg chuyển Trung tâm Cây ăn quả Long Định thành Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT).

Từ ngày 1-1-2010, Viện Cây ăn quả miền Nam trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) với chức năng nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh, tư vấn… trong lĩnh vực cây ăn quả và rau, hoa, cây cảnh cho các tỉnh, thành miền Nam.

Trải qua 20 năm lao động bền bỉ và sáng tạo, phấn đấu không ngừng của nhiều cán bộ, công nhân viên của Viện, đặc biệt là sự lãnh đạo của PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, Viện Cây ăn quả miền Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực cây ăn quả và rau, hoa.

Ngày 10-3-2014, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thoong-Xỉnh-Thăm-Mạ-Vông đã đến thăm Viện Cây ăn quả miền Nam. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh giới thiệu với Thủ tướng Lào (thứ tư từ phải sang) về giống cây trồng của Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo.Ảnh: HẠNH NGA
Ngày 10-3-2014, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thoong-Xỉnh-Thăm-Mạ-Vông đã đến thăm Viện Cây ăn quả miền Nam. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh giới thiệu với Thủ tướng Lào (thứ tư từ phải sang) về giống cây trồng của Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Ảnh: Hạnh Nga

Về xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ cán bộ: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay Viện đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Viện có 3 phòng chức năng, 8 bộ môn nghiên cứu và có 2 trung tâm trực thuộc, 1 trại thực nghiệm và 1 công ty. Trong năm đầu thành lập 1994 - Viện chỉ có 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ. Nhờ có hướng chiến lược “trồng người”, bằng nhiều con đường khác nhau Viện đã và đang tiếp tục đào tạo nhân sự cho nghiên cứu - giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật trong ngành rau quả.

Đến năm 2013, Viện có 1 PGS.TS; 9 tiến sĩ; 38 thạc sĩ, 61 kỹ sư và cán bộ hỗ trợ. Hiện nay, Viện có nhiều cán bộ đang học tiến sĩ, thạc sĩ ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc và các viện, trường trong nước.

Về kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: Trong 20 năm qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ.

Về giống cây ăn quả: Giai đoạn đầu từ năm 1994 - 2004 đã chọn được 1 dòng sầu riêng, 4 dòng măng cụt, 3 dòng mít (năm 2002) làm cây đầu dòng; chọn được 18 giống và được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời (khu vực hóa), bao gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, sầu riêng sữa hạt lép, sầu riêng hạt lép Đồng Nai, chôm chôm nhãn, chôm chôm Java, nhãn Xuồng cơm vàng, nhãn Tiêu lá bầu, bưởi Năm Roi, bưởi Đường lá cam, quýt tiều, cam sành; chôm chôm Rong rieng, thanh long ruột đỏ; quýt Tangelo Orlando, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri6 và công nhận chính thức (giống TBKT) năm 2004 có sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép (Chín Hóa).

Từ năm 2005 đến nay, Viện Cây ăn quả miền Nam đã có 11 giống quả, rau, hoa mới được Bộ NN&PTNT công nhận: Giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, Giống cam mật không hạt, Dứa Cayenne Long Định 2, Giống ớt cay F1 Long Định 3, Giống bưởi Đường lá cam ít hạt LĐ4, Giống thanh long ruột tím hồng LĐ5, Giống cam sành không hạt LĐ6, Giống dưa leo F1 LĐ7, Giống đậu bắp F1 LĐ8, Giống hoa cúc LĐ9, Giống hoa đồng tiền LĐ10.

Có 14 giống/dòng được Sở NN và PTNT các tỉnh công nhận cây đầu dòng: 2 dòng bưởi Lông Cổ Cò, 4 dòng dứa Queen, 2 dòng bưởi Da xanh, 2 dòng bưởi Năm Roi, 2 dòng nhãn Xuồng cơm vàng - NXCVMĐ01 và NXCVMĐ26, 1 dòng xoài cát Hoà Lộc và 1 dòng xoài cát Chu.

Các biện pháp/giải pháp kỹ thuật/quy trình được Bộ NN và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật: Có 13 quy trình  (QT) được Bộ NN và PTNT công nhận là TBKT: QT sản xuất cây có múi sạch bệnh; QT phòng trừ rầy chổng cánh bằng biện pháp tổng hợp; QT giám định bệnh Vàng lá Greening trên cây có múi; QT phòng trừ tổng hợp bệnh thối gốc, chảy nhựa thân, thối quả do nấm Phytophthora palmivora trên cây sầu riêng;

QT phòng trừ bệnh loét (Xanthomonas axonopodis pv. campestris) trên cây có múi; QT bảo quản sau thu hoạch thanh long ruột trắng; QT bảo quản sau thu hoạch xoài cát Hòa Lộc; QT nhân giống dứa Cayenne bằng phương pháp nhân giống vô tính; QT xử lý ra hoa dứa Cayenne;

QT thu hoạch dứa Cayenne; QT thu hoạch vú sữa Lò Rèn; QT trồng ổi xen cây có múi trong xua đuổi rầy chổng cánh, phòng chống tái nhiễm bệnh vàng lá Greening; QT canh tác chuối già cui bằng cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với nhà vườn dự Hội thi Cây bưởi giống tốt. Ảnh: Ngọc Lan
PGS.TS Nguyễn Minh Châu (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với nhà vườn dự Hội thi Cây bưởi giống tốt. Ảnh: Ngọc Lan

Về kỹ thuật canh tác: Đã có nhiều biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn rau quả như: (i) QT sản xuất thanh long, nhãn Tiêu da bò, chôm chôm Java, bưởi Da xanh, măng cụt, dứa, sơ ri, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, khoai lang, dưa hấu... theo tiêu chuẩn VietGAP; (ii) giảm hàm lượng nitrate lưu tồn trên khóm; (iii) sử dụng đèn Compact tiết kiệm điện thay bóng đèn sợi đốt để chong đèn cho trái nghịch vụ trên cây thanh long;

(iv) Biện pháp kỹ thuật an toàn trong xử lý ra hoa rải vụ trên nhiều loại cây trồng như xoài, sầu riêng, cam, quýt, bưởi, thanh long, nhãn, chôm chôm...; (v) biện pháp bao trái tăng chất lượng, mẫu mã và giảm thiệt hại do sâu bệnh trên nhiều chủng loại cây ăn quả (ổi, xoài, khế...)...; (vi) có tổ hợp gốc ghép chịu phèn là Cam mật/Cam mật; Quýt đường/Chanh tàu và tổ hợp gốc ghép chịu hạn: Cam sành/Trúc được Cục Trồng trọt đánh giá công nhận TBKT.

Về bảo vệ thực vật: Có 4 sản phẩm khoa học công nghệ được Bộ NN và PTNT công nhận là TBKT:  Bộ kít giám định nhanh bệnh vàng lá Greening bằng phép thử nhuộm màu iodine; sản phẩm SOFRI - Protein thủy phân phòng trị ruồi đục quả; Chế phẩm SOFRI-trừ kiến trên cây thanh long;

Chế phẩm SOFRI - Trichoderma, SOFRI - Streptomyces dùng để ủ hoai phân hữu cơ, phòng trừ các loại nấm gây hại rễ trong đất như Phytophthora, Fusarium, Pythium, Rhizoctonia, Sclerotium… trên cây ăn quả, rau và hoa; Chế phẩm BTEC dùng để phân giải lân và cố định đạm trong đất và nhiều tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh hại chính trên các loại cây ăn quả.

Về công nghệ sau thu hoạch: (i) Chuẩn hóa biện pháp xử lý hơi nóng (Vapour Heat Treatment) sau thu hoạch trên thanh long, xoài, măng cụt để diệt trứng ruồi đục quả; (ii) kéo dài thời gian bảo quản thanh long từ 40 ngày lên được 60 ngày; (iii) chỉ số thu hoạch cho nhiều loại trái cây; (iv) các thông số kỹ thuật cho việc bảo quản trái thanh long, xoài, chôm chôm, măng cụt, khóm…; (v) QT chế biến tối thiểu (minimal processing) cho một vài loại trái khóm, bưởi, xoài, mít,…

Kết quả nổi bật về chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật: Đã triển khai 134 mô hình cam sành trồng xen ổi phòng trừ bệnh vàng lá Greening với diện tích 80,49 ha ở 5 tỉnh Tiền Giang, Bến tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng; có 32 mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chí an toàn do Viện tư vấn được chứng nhận VietGAP/EurepGAP/ GlobalGAP đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm;

Có 3 mô hình canh tác tổng hợp xoài, chuối, mãng cầu ta tại vùng thiếu nước tưới ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; đã triển khai nhiều mô hình quản lý tổng hợp bệnh “chổi rồng” trên nhãn tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long; nhiều mô hình quản lý sâu, bệnh hại trên cây thanh long, sầu riêng, cam, quýt, bưởi, nhãn, dứa... từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận trở vào các tỉnh miền Tây.

Nhà vườn tham dự Hội thi Trái ngon và an toàn do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức. Ảnh: Ngọc Lan
Nhà vườn tham dự Hội thi Trái ngon và an toàn do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức. Ảnh: Ngọc Lan

Trong giai đoạn 2006-2013, Viện đã tổ chức 145 lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên... Hàng năm Viện hỗ trợ cho 5 tỉnh/thành tổ chức Hội thi Trái ngon và an toàn thực phẩm từ năm 2000 đến nay.

Phối hợp TT Khuyến nông Quốc gia tổ chức nhiều Hội thảo Khuyến Nông về cây ăn trái. Viện thường xuyên phối hợp với các tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, gần đây là tập huấn về cách phòng trừ bệnh “chổi rồng” trên nhãn, phòng trừ sâu bệnh trên hoa, nhân giống cây ăn quả, hoa, tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn GAP... Viện còn thành lập Bệnh viện Cây trồng phục vụ bà con nông dân các tỉnh.

Về in ấn, xuất bản:  Viện đã in 7 Tuyển tập Kết quả nghiên cứu KHCN rau, hoa, quả (hàng năm từ năm 2006 đến nay); có 14 ấn phẩm khác đã được xuất bản: Sổ tay Sản xuất trái cây có múi dành cho nông dân châu Á; Sổ tay Sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP; Sổ tay phòng trừ một số bệnh hại quan trọng trên cây ăn quả đặc sản tỉnh Bến Tre; Tài liệu huấn luyện sản xuất quả an toàn (dành cho người huấn luyện); Cẩm nang sản xuất và quản lý chất lượng cây giống cây ăn quả; Sổ tay hướng dẫn thực hành cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP…

Trong 20 năm qua, Viện đã thiết lập được mối quan hệ rộng rãi với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế để nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, các cơ quan, tổ chức quốc tế có nhiều nội dung hợp tác với Viện là Pháp: CIRAD - FHLOR; với ÚC: 

Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), Đại học Griffith, Đại học Sydney, Đại học Tây Sydney; với Nhật: JIRCAS, JICA; với Đài Loan: FFTC, Đại học Nông nghiệp Đài Loan, Đại học Chung Shing, Viện NC Chuối, AVRDC; CABI - Anh; Hàn Quốc: AFACI; New Zealand: HortReseach - Plant and Food research Institute; Malaysia: MARDI; Thụy điển: Đại học Upsala; Ý: Đại học Caltania; đặc biệt là thiết lập mối quan hệ với Ấn Độ trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt của Viện…

Để đạt được những thành tựu to lớn này, chúng tôi xin tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tri ân sự nỗ lực rất lớn của Ban Lãnh đạo qua các thời kỳ, cùng toàn thể cán bộ, viên chức trong Viện; sự lãnh chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; sự hỗ trợ đắc lực của các Viện bạn trong và ngoài nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang.

TS. NVH

Phát huy truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, Viện xác định nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn mới là: Xây dựng ban lãnh đạo mới có đủ tâm, tầm và tín, cùng đoàn kết giúp Viện tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Tiếp tục chú trọng phát triển giống rau, hoa và quả mới, công nghệ mới, biện pháp bảo vệ thực vật an toàn, bảo quản, kéo dài thời gian sau thu hoạch phục vụ tốt cho sản xuất, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu rau, hoa và quả.

Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong nghiên cứu rút ngắn thời gian tạo giống, giải quyết nhiệm vụ cấp thiết của thực tiễn sản xuất. Xây dựng cơ sở vật chất ngày một hiện đại, đồng bộ để phục vụ cho mục tiêu phát triển của Viện. Xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn và cố gắng nâng cao thu nhập để cán bộ, viên chức ngày một gắn bó hơn với Viện.

Đào tạo đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên có trình độ cao ngang tầm quốc tế để có đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai.

Mở rộng mối liên kết với các đơn vị khác trong hệ thống Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong khu vực, các tổ chức quốc tế để cùng phối hợp triển khai ứng dụng các thành tựu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn và định hướng phát triển ngành trong tương lai.

Khi triển khai tốt những nhiệm vụ này, Viện sẽ ngày một phát triển theo đúng định hướng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người trồng rau, hoa và quả ở các tỉnh thành phía Nam, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

 

.
.
.