Thứ Ba, 13/05/2014, 05:33 (GMT+7)
.

Xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy): Phát huy hiệu quả kinh tế vườn chuyên canh

10 năm trở lại đây, xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) phát triển nhanh diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái với các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó cây sầu riêng chiếm ưu thế với 471 ha. Loại cây trồng này đã giúp nhiều nông dân vươn lên khấm khá.

Anh Ngô Văn Phiến, ấp 3, xã Cẩm Sơn chăm sóc vườn sầu riêng đang cho thu hoạch.
Anh Ngô Văn Phiến (ấp 3, xã Cẩm Sơn) chăm sóc vườn sầu riêng đang cho thu hoạch.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng Ri 6 đang phát triển xanh tốt, ông Huỳnh Văn Sang (ấp 3, xã Cẩm Sơn) cho biết, trước đây gia đình ông có 5.000 m2 đất canh tác, nhưng nghèo khó vẫn đeo bám vì trồng lúa năng suất thấp, diện tích vườn trồng sầu riêng khổ qua xanh cho hiệu quả kinh tế không mấy khả quan.

Năm 2004, ông quyết định chuyển đổi 2.500 m2 đất ruộng sang chuyên canh sầu riêng Ri 6. Thời gian đầu, ông không chuyển đổi hết mà lên mô một phần diện tích để trồng sầu riêng, diện tích còn lại tiếp tục canh tác lúa để lấy ngắn nuôi dài.

Sau 10 năm chuyển đổi, ông Sang đã xây dựng nhà ở khang trang, có điều kiện cải tạo toàn bộ diện tích canh tác thành vườn chuyên canh giống cây trồng đặc sản này. Không chỉ vậy, ông còn nắm vững kỹ thuật xử lý để cây cho trái sớm, tránh tình trạng dội chợ, rớt giá.

Ông chia sẻ: “Thành quả hôm nay phải kể đến việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng. Thu nhập từ vườn chuyên canh gấp 4 lần so với canh tác lúa trước đây. Cũng nhờ đó mà gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Cũng chọn sầu riêng làm cây trồng chuyên canh, anh Ngô Văn Phiến (ấp 3, xã Cẩm Sơn) kể, cách đây hơn 10 năm, gia đình anh cũng vất vả quanh năm với ruộng lúa vì lũ lụt gây thất bát liên miên. Từ năm 2005, anh chuyển 5.000 m2 đất ruộng lên vườn và chuyên canh 3 giống sầu riêng: Ri 6, Mongthong, Chuồng bò.

Liên tiếp nhiều năm xử lý ra hoa nghịch vụ thành công, vườn sầu riêng đã giúp gia đình anh Phiến vươn lên khá giả và có điều kiện mở rộng diện tích vườn chuyên canh lên 1 ha. Với diện tích 5.000 m2 đang cho thu hoạch ổn định từ 12 tấn - 13 tấn trái mỗi năm, trừ chi phí, anh Phiến thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Với cách canh tác hiệu quả, vườn sầu riêng của anh là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho nhiều nhà vườn khác.

Trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở xã Cẩm Sơn độc canh cây lúa, thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế bấp bênh, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2001, hệ thống đê bao khép kín được hoàn thiện, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, xen canh các loại cây ăn trái có hiệu quả cao như sầu riêng, bưởi da xanh…

Đến năm 2009, hầu hết diện tích đất nông nghiệp ở xã Cẩm Sơn đã được nông dân chuyển thành vườn chuyên canh, xen canh các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, sầu riêng là loại cây trồng chiếm ưu thế với 50% diện tích đất nông nghiệp.

Để tiếp sức cho nông dân phát huy lợi thế kinh tế vườn, Hội Nông dân xã đã tranh thủ các nguồn vốn vay lãi suất thấp để tạo vốn cho nông dân phát triển kinh tế vườn, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân thực hiện mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nhiều nông dân có thu nhập từ 400 - 700 triệu đồng/năm từ hiệu quả vườn chuyên canh. Đặc biệt, nông dân chuyên canh sầu riêng tại ấp 3 đã thành lập CLB vườn chuyên canh cây sầu riêng với 30 thành viên. Hàng tháng, CLB họp định kỳ để trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây, cách bón phân, dưỡng trái và đặc biệt là kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, rải vụ.

Ông Huỳnh Văn Mới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn cho biết: “Tuy là cây trồng có giá trị cao nhưng sầu riêng là cây trồng khó tính, thời gian đầu, nông dân nơi đây đều chưa có kinh nghiệm trong sản xuất.

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Hội Nông dân xã và sự trợ giúp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nên nông dân đã được tham dự nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Đến nay hầu hết người dân đã nắm vững kỹ thuật canh tác và sản xuất có hiệu quả”.

Hiệu quả kinh tế từ vườn chuyên canh đã đem lại cuộc sống sung túc hơn cho người dân Cẩm Sơn; đồng thời khẳng định vai trò cầu nối của Hội Nông dân trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã và xây dựng xã nông thôn mới.

QUẾ NGÂN

.
.
.