Thứ Hai, 30/06/2014, 12:36 (GMT+7)
.

Cá tra Việt Nam chiếm 62% lượng thủy sản đạt chứng nhận ASC

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay cá tra Việt Nam chiếm 62% sản lượng thủy sản đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) toàn thế giới, trong số 1.053 sản phẩm đạt chứng nhận ASC được sản xuất tại 37 quốc gia với tổng cộng 336 công ty đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Sản lượng cá tra Việt Nam đạt chứng nhận ASC chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thế giới.
Sản lượng cá tra Việt Nam đạt chứng nhận ASC chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thế giới.

Năm 2012, nhãn sinh thái ASC mới bắt đầu hình thành nhưng đến nay chứng nhận này đang phát triển nhanh chóng và tăng trưởng đều đặn. Hiện nay Việt Nam có 43 trại nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC và có 6 trại nuôi khác đang trong quá trình chứng nhận, cung cấp 191.242 tấn sản phẩm/năm.

Bên cạnh đó, hiện trên thế giới còn có 24 trại nuôi cá rô phi đạt ASC và 2 trại đang trong quá trình chứng nhận, mỗi năm cung cấp 101.738 tấn sản phẩm; 6 trại cá hồi đạt ASC và 13 trại khác trong quá trình chứng nhận, mỗi năm cung cấp 18.600 tấn.

Năm 2010, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã ký một Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ ngành cá tra sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội để đạt được chứng nhận ASC.

Các bên ký thỏa thuận cam kết hỗ trợ để 100% sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam đạt được một trong những chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm vào năm 2015, trong đó 50% đạt chứng nhận ASC.

THÀNH CÔNG

ASC (Aquaculture Stewardship Council) là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH). Bộ tiêu chuẩn ASC cá tra/basa có tất cả 103 tiêu chí trong 7 nguyên tắc của tiêu chuẩn ASC, gồm: tính hợp pháp của vùng nuôi, sử dựng đất và nước; ô nhiễm nguồn nước; kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học; kiểm soát thức ăn, sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất; trách nhiệm xã hội giữa những người sử dụng.

 

.
.
.