Thứ Hai, 30/06/2014, 06:21 (GMT+7)
.

Người tiêu dùng tin dùng hàng Việt: Cơ hội để DN mở rộng thị trường

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà có không ít người tiêu dùng đang “quay lưng” với hàng hóa của Trung Quốc, thì hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội mới để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại để doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội này.

XU HƯỚNG TIN DÙNG HÀNG VIỆT NGÀY CÀNG NHIỀU HƠN

Mấy tháng qua, ngày nào chủ một ki-ốt kinh doanh văn phòng phẩm trên đường Hùng Vương (TP. Mỹ Tho) cũng nghe câu nói: “Hàng Việt Nam thôi nghen, hàng Trung Quốc tôi không lấy đâu” từ những khách hàng của mình.

Mới đầu bà chủ ki-ốt này cũng ngạc nhiên nhưng sau khi tìm hiểu bà biết rằng đây là những người yêu hàng Việt. Họ chỉ xài toàn là hàng Việt vì cho rằng chất lượng, mẫu mã hàng trong nước đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây, trong khi hàng Trung Quốc giá tuy rẻ nhưng chất lượng luôn tiềm ẩn nguy cơ độc hại.

dd
Người dân hào hứng mua sắm hàng Việt tại một phiên chợ hàng Việt ở huyện Tân Phước.

Không chỉ có hàng văn phòng phẩm mà ngay cả các loại thực phẩm, nông sản cũng thế. Thông tin từ các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Chợ Thạnh Trị, chợ Cũ, chợ Mỹ Tho cho thấy, hàng Trung Quốc về chợ thời điểm này đã giảm từ 25 - 30% so với 1 năm trước đây. Dù đã giảm số lượng nhưng sức tiêu thụ của các loại rau quả nhập từ nước này cũng chẳng mấy khả quan. Sức mua giảm đến nỗi nhiều người muốn bán được hàng phải “biến hóa” chúng thành rau, củ của Việt Nam.

Vừa chọn những củ cà rốt còn bám đầy bùn đất tại một sạp rau cải ở chợ Thạnh Trị (TP. Mỹ Tho), bà Cẩm (một người nội trợ ở phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Hàng Trung Quốc nhìn đẹp nhưng không ngon, lại dùng các chất bảo quản có nguy cơ độc hại cao. Trái cây mà để cả tháng không hư thì ăn vô chỉ có chết. Thôi chọn rau, quả Việt Nam mà sử dụng cho chắc ăn”.

Qua quan sát từ nhiều tháng nay, trên nhiều quầy sạp bán trái cây ở các chợ, thì số lượng các loại táo, lê của Trung Quốc cũng được trưng bày ngày càng ít đi. Chị Loan, một tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Thạnh Trị (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Các loại táo, lê của Trung Quốc lúc này bán không được, chẳng ai mua.

Vậy mà trái cây Việt Nam lại bán hút hàng hơn, mỗi ngày bán cũng được hơn cả trăm kg các loại như chôm chôm, vải, xoài, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng…”.

Việc hàng Trung Quốc có bị người tiêu dùng “quay lưng” hay không là phụ thuộc rất lớn vào ý thức tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, đây có được xem là cơ hội cho hàng Việt “lên ngôi” trong xu hướng tiêu dùng hiện nay hay không đang là vấn đề phụ thuộc rất lớn vào sự khích lệ từ phía Nhà nước, cố gắng của doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng.

CƠ HỘI CHO HÀNG HÓA VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC TẬN DỤNG? 

Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng hàng hóa của Việt Nam khá mạnh, đến 28,4%. Điều đó cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam đã cạnh tranh được với hàng hóa của Trung Quốc nói riêng và hàng nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang tiêu thụ nhiều loại hoa, quả, lương thực, quần áo... nhập từ bên ngoài dù trong nước đã sản xuất và đáp ứng được các thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, EU...

Thực tế trên cho thấy, một trong những biện pháp quan trọng cần thực hiện thời điểm này là đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bởi qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đem lại kết quả khả quan. Đây được xem là thời điểm, cơ hội tốt để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt qua các kênh phân phối trong nước.

Theo thông tin từ Co.op Mart Mỹ Tho, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã thể hiện sự tích cực ủng hộ hàng Việt bằng việc tăng tỷ trọng bán hàng nội địa, thường xuyên tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn với hàng trăm chuyến mỗi năm và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, đặc biệt là có hẳn một Chương trình “Tự hào hàng Việt”. Năm 2013 là năm thứ 16 hệ thống siêu thị Co.op Mart thực hiện chương trình này tại 63 siêu thị trên toàn quốc, với tổng giá trị thực hiện 150 tỷ đồng cùng với sự đồng hành của 600 nhà cung cấp.

Riêng tại Co.op Mart Mỹ Tho đã có 8 năm tổ chức Chương trình “Tự hào hàng Việt” với sự đón nhận của đông đảo khách hàng. Hiện Co.op Mart Mỹ Tho đang trở thành kênh phân phối chủ lực của nhiều thương hiệu Việt như: Sữa của Vinamilk và Nutifood; mì ăn liền của Vifon; nước mắm của Liên Thành; bánh kẹo của Hải Hà, Kinh Đô... Co.op Mart Mỹ Tho cũng đang tung ra 9 nhóm hàng hóa là gạo, nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy sản ưu tiên cho các nhà cung cấp trong nước dựa trên 3 tiêu chí gồm: Chất lượng tốt, sản lượng ổn định và đáp ứng được khâu hậu cần.

Tuy nhiên, theo Co.op Mart Mỹ Tho cái khó hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh, sản xuất đặc sản vùng miền luôn được ưu tiên đưa vào siêu thị. Thế nhưng, các doanh nghiệp này ngoài việc không thể đáp ứng được số lượng lớn, còn vướng ở khâu vận chuyển, cung ứng hàng hóa.

Một khi hàng hóa không tới được điểm bán hoặc kho hàng của hệ thống Co.op  thì cơ hội bán hàng của các doanh nghiệp sẽ bị mất, siêu thị buộc phải đưa nhà cung cấp khác vào thay thế, dù rằng chất lượng ổn định. Đây là điều rất đáng tiếc cho các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam.

Nếu như dịch vụ hậu cần, số lượng đơn hàng đang là điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ, thì kênh phân phối, liên kết hợp tác tìm đầu ra lại là nỗi trăn trở của các doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhãn hàng riêng cho các nhà bán lẻ, dù rằng doanh nghiệp đã có thương hiệu.

Theo các nhà kinh doanh bán lẻ, đây là một trong những xu thế giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa dây chuyền sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành nhà cung cấp - khách hàng của các nhà kinh doanh bán lẻ, nhất là trong trường hợp giá cả không ổn định, khâu trung gian phức tạp, cạnh tranh không bình đẳng và tình trạng hàng gian, hàng giả còn nhiều.

Trước nhiều cơ hội mới để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mở rộng thị trường, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng độc lập, tự chủ ngày càng cao thì mới có thể kích thích mạnh mẽ tiêu dùng hàng trong nước, giành thị phần trên thị trường nội địa.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, một nhà sản xuất khó có thể tự thân vận động mà không cần sự hợp tác với nhà phân phối. Xu hướng tất yếu là phải phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.