Tổng kết chuyên đề thi đua phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
Ngày 6-6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết chuyên đề thi đua “Phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi” năm 2013 và Sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi 6 tháng đầu năm 2014. Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá, phong trào thi đua phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được tỉnh tổ chức, phát động nhiều năm qua đã tác động và góp phần quan trọng bảo đảm sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Từ tác động của phong trào mà sản lượng lúa toàn tỉnh năm 2013 đạt gần 1,35 triệu tấn; đàn heo trên 584 nghìn con; gia cầm gần 7,2 triệu con; sản lượng thủy sản khai thác từ nuôi trồng đạt trên 136 nghìn tấn; sản lượng của các loại cây trồng khác đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Qua phong trào, nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ được nâng lên, góp phần tích cực đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, người tiêu dùng; tăng lợi nhuận; giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc được các ngành, các cấp học tập, nhân rộng, khen thưởng kịp thời tạo phong trào thi đua rộng khắp ở cơ sở…Kết quả qua 1 năm triển khai chuyên đề thi đua, có 3 tập thể được tặng cờ thi đua, 8 tập thể và 11 cá nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua hạng Nhì, hạng Nhất và hạng Ba của UBND tỉnh cho Nhân dân và cán bộ huyện Cai Lậy, Gò Công Tây và Châu Thành (từ trái sang). |
Sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi 6 tháng đầu năm 2014, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi tỉnh cho biết, từ đầu năm đến giờ, tình hình dịch hại trên lúa ổn định, rầy nâu xuất hiện với mật độ thấp; bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá có xuất hiện rải rác nhưng tỷ lệ không đáng kể.
Cây rau màu và cây ăn trái phát triển tương đối ổn định; bệnh chổi rồng hại nhãn qua thời gian triển khai công tác chống dịch hiện tại đã phục hồi tốt. Riêng, một số diện tích nhãn ít được chăm sóc hoặc không chăm sóc bị tái nhiễm với tỷ lệ dao động từ 5 đến 30%.
Có được kết quả trên là do ban chỉ đạo các cấp tiếp tục tập trung triển khai các công tác phòng chống như tập huấn, tuyên truyền, xây dựng mô hình quản lý dịch bệnh; vận động nông dân tuân thủ lịch thời vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất... để hạn chế đáng kể dịch bệnh trên cây trồng.
Trên vật nuôi, 6 tháng qua, dịch bệnh cúm A/H5N1, lở mồm long móng xảy ra rải rác trên một số đàn vật nuôi. Các ổ dịch này đã được ban chỉ đạo các cấp tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống hiệu quả, góp phần duy trì và phát triển chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các công tác tập huấn, tuyên truyền kết hợp với công tác tiêm phòng vắc xin…tiếp tục thực hiện góp phần tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi.
Mặc dù vậy công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn những hạn chế tồn tại nhất định như có địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác này; chần chừ xử lý khi có dịch xảy ra; lúng túng trong việc tiêu hủy vật nuôi thuộc diện tiêu hủy nhưng chủ nuôi không đồng ý; việc mua bán gia cầm trong đô thị còn tồn lại; người nuôi thiếu hợp trong việc khai báo và thực hiện xử lý mầm bệnh theo quy định…
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo kiện toàn ban chỉ đạo các cấp; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những trường hợp mua bán gia cầm ở đô thị; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định khi xảy ra ổ dịch.
Các cơ quan thông tin đại chúng cùng các ngành, các cấp, mặt trận và đoàn thể đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; tham gia, phối hợp cùng ban chỉ đạo các cấp để việc phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả.
N.VĂN