Thứ Sáu, 11/07/2014, 15:43 (GMT+7)
.

Bài 1: Hơn 80 năm thăng trầm cây sơ ri Gò Công

Là một trong 7 loại trái cây chủ lực và nằm trong chiến lược đầu tư, phát triển của tỉnh, sơ ri (có nguồn gốc ở Tây Ấn và miền bắc Nam Mỹ) được đánh giá là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Gò Công, giàu chất Vitamin và có nhiều tiềm năng phát triển. Nhưng trải qua hơn 80 năm có mặt trên vùng đất Gò Công, cây sơ ri đã đi qua nhiều bước thăng trầm, “lúc trồi lúc sụt”, nên hiệu quả mang lại chưa thật sự bền vững.

Vào giai đoạn hưng thịnh, diện tích trồng sơ ri ở vùng đất Gò Công lên đến 800 ha và ngành Nông nghiệp có kế hoạch nâng lên 3.000 ha. Thế nhưng, sau bao năm thăng trầm, diện tích trồng sơ ri Gò Công đến nay đã giảm hơn 50%.

Thu hoạch sơ ri ở xã Long Thuận, TX. Gò Công.
Thu hoạch sơ ri ở xã Long Thuận, TX. Gò Công.

GỐC TÍCH CÂY SƠ RI

Ai cũng biết rằng sơ ri có mặt ở vùng đất Gò Công đã rất lâu và trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng đất ven biển. Hỏi những vị cao niên ở Gò Công về gốc tích của cây sơ ri, mỗi người nói một kiểu, nên chúng tôi cũng rất khó xác định một cách chính xác.

Tìm đến Nhà giáo Ưu tú (NGUT) Phan Thanh Sắc, người có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất Gò Công, đặc biệt là TX. Gò Công để cơ may tìm ra gốc tích của cây sơ ri. Chúng tôi rất may mắn được NGUT Phan Thanh Sắc tặng cuốn sách “Gò Công vọng tiếng đất lành” và chỉ cho chúng tôi một vài chi tiết liên quan đến cây sơ ri Gò Công mà ông đã thể hiện trong cuốn sách vừa mới xuất bản lần này.

NGUT Phan Thanh Sắc nhớ lại, vào khoảng năm 1947, 1948 khi ông học lớp Nhứt và lớp Tiếp liên Trường Nam Gò Công, buổi trưa ông về nhà cô ruột nghỉ trưa và ăn cơm. Khi học và làm bài xong, ông thường leo lên cây sơ ri trồng trong bồn xây lớn trước nhà để hái trái ửng hồng, bỏ đầy 2 túi áo bà ba đề chiều vào học phân phát cho bạn cùng lớp.

Trái này quý lắm, bạn học tranh nhau xin ăn tại chỗ hay đem vài trái về cho người nhà. Vào  năm đó mà cây đã có gốc lớn, trẻ 12 tuổi như ông lúc đó trèo lên mà không gãy. Khi đó, ông hỏi thì được biết cây do một người em bà con của cô và cha ông đem cho cây con trồng vào khoảng sau năm 1940 vài năm.

Khi tìm hiểu rõ nguồn gốc biết được rằng, cây sơ ri được trồng đầu tiên ở trong bồn cỏ trước Dinh Chánh Tham biện do người Tây mang sang (tức Dinh Tỉnh trưởng) ở TX. Gò Công ngày nay. Cây có trái chua chua ngọt ngọt, quan Chánh cho hái trái đãi khách rất quý.

Khi Chánh Tham biện gần mãn nhiệm sắp về nước mới chỉ cho người phụ việc cách giâm cành bằng cách bẻ nhưng đừng cho gãy lìa những nhánh sà sát đất, dùng các nạn gài và đắp đất chỗ gãy, phần nhánh có ngọn còn lại vẫn nhô lên, rồi chăm tưới nước.

Ít lâu sau phần gài dưới đất ra rễ. Rễ ra đủ, cắt ra thành cây con. Ông Chánh cho người giúp việc một cây. Người này giao cho người bà con của NGUT Phan Thanh Sắc ở xóm Cống Bà Chài trồng thử. Đất tốt nên cây phát triển nhanh, cho trái và tiếp tục được nhân giống như trên.

“Như vậy, cây sơ ri đầu tiên được trồng ở vùng đất Gò Công tại Dinh Chánh Tham biện trễ lắm là vào khoảng 1933-1934, sau đó ít năm được trồng ở xóm Cống Bà Chài và sau đó được nhân ra. Cây trước nhà cô tôi thuộc 1 trong lần nhân giống đầu vì vào năm 1948 cây đã lớn” - NGUT Phan Thanh Sắc đoán như vậy.

Nếu thật sự lần đầu tiên được trồng ở Dinh Tỉnh trưởng, thì cây sơ ri có mặt ở vùng đất Gò Công cũng đã hơn 80 năm. Bởi Dinh Tỉnh trưởng được Pháp xây dựng từ năm 1885 và vẫn còn hiện hữu ngay trung tâm TX. Gò Công ngày nay. Cho đến những năm 1950 cây sơ ri cho số lượng trái bình thường nhưng trái to, vị ngọt chua tuyệt diệu, giàu chất Vitamin C.

Bắt đầu từ những năm 1960, người trồng phát hiện “hơi chất diệt cỏ” làm cho cây đơm nhiều bông, đậu nhiều trái và kéo lùi chu kỳ ra bông trái chỉ còn 1 tháng. Từ đó, người trồng sơ ri dùng chất diệt cỏ nhưng với liều lượng rất thấp, bằng cách nhúng đũa vào thuốc rồi nhúng vào bình xịt 8 lít và phun cho rất nhiều cây, phun sương đều khắp cây sau một đợt trái.

Thế là, cây cho bông trái gấp nhiều lần so với để cây bình thường không phun thuốc. Một cây trưởng thành, mỗi ngày trong đợt trái có thể cho từ 5 - 10 kg trái và mỗi đợt rộ từ 5 - 6 ngày. Như thế là đâu đâu trong các xóm, ấp ven xã Long Thuận, cây sơ ri trở thành cây vườn chính cho lợi nhuận cao, giúp nhiều người dân dư ăn, dư để.

THĂNG TRẦM

Cây sơ ri phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên có hương vị khác biệt so với trồng ở các vùng miền khác. Chỉ có ở vùng đất Gò Công, quả sơ ri mới mang đầy đủ hương vị đặc sắc của nó mà không ở nơi nào có thể sánh được.

Vào lúc cao điểm khoảng giữa những năm 2000, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh có gần 800 ha trồng sơ ri, nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông, với gần 600 ha, chủ yếu ở xã Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông, Kiểng Phước; kế đến là TX. Gò Công với trên 150 ha chủ yếu ở xã Long Hưng, Long Thuận và Long Hòa và một số ít được trồng ở huyện Gò Công Tây, nằm rải rác ở xã Bình Tân, Yên Luông và Thạnh Trị.

Giống sơ ri được người dân chọn trồng chủ yếu là sơ ri chua, đáp ứng được cả yêu cầu chế biến xuất khẩu và ăn tươi. Ngoài ra, người dân cũng chọn trồng giống sơ ri ngọt để phục vụ nhu cầu ăn trái tươi trong vùng. Tùy theo trình độ thâm canh và tuổi cây, năng suất sơ ri dao động từ 15 - 40 tấn/ha, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha. Với năng suất như thế, tổng sản lượng sơ ri vùng Gò Công vào lúc cao điểm đạt đến 20.000 tấn mỗi năm.

Diện tích trồng sơ ri giảm hơn 50%

Thực tế vừa qua cho thấy, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sơ ri còn nhiều khó khăn, tồn tại là giảm năng suất, chất lượng và thu nhập của người nông dân. Sơ ri tiêu thụ chủ yếu dưới hình thức bán tươi với khoảng  ¾ tổng sản lượng.

Nói như chị Nguyễn Thị Liên (xã Long Thuận, TX. Gò Công): “Mặc dù gia đình có đến 7 công đất trồng sơ ri nhưng thu nhập cứ bấp bênh, có lúc giá lên đến trên 4.000 đồng mỗi kg nhưng cũng có lúc giá bán không đủ trả tiền thuê công hái, bởi có khi chỉ còn vài trăm đồng mỗi kg”.

Còn bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX Sơ ri Gò Công (xã Long Thuận, TX. Gò Công) tâm tư rằng, ở TX. Gò Công có 25 ha/70 hộ trồng sơ ri Gò Công và sơ ri ngọt Bến Tre, cung cấp cho thị trường khoảng 700 tấn/năm.

Thế nhưng, thời gian qua, nông dân đốn bỏ sơ ri rất nhiều do giá cả xuống thấp; nhiều xã viên cũng xin ra khỏi HTX vì không thấy lợi ích, đầu ra sản phẩm cũng không có.

Cũng chính từ thực tế như thế, vài năm gần đây diện tích trồng sơ ri ở Gò Công cứ giảm dần. Theo thống kê gần đây, diện tích trồng sơ ri trên địa bàn tỉnh chỉ dao động khoảng 300 ha, tức là đã giảm hơn 50% so với lúc hưng thịnh.

Sơ ri là loại cây ăn trái có lợi thế của Gò Công so với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, trong chương trình phát triển kinh tế vườn của tỉnh, cây sơ ri được xác định là cây đặc sản và chú ý đầu tư phát triển.

Từ năm 2003, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở NN&PTNT, Viện Cây ăn quả miền Nam và UBND các huyện, thị trong vùng sản xuất sơ ri đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở quả tươi sơ ri Gò Công. Vấn đề quan trọng là tiến tới xây dựng xuất xứ hàng hóa và tổ chức đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Để hỗ trợ cây sơ ri phát triển, từ năm 2006, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 4486 về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển toàn diện cây sơ ri vùng Gò Công tỉnh Tiền Giang”. Đây là một trong những chương trình phát triển cây ăn trái chủ lực của tỉnh.

Mục tiêu của đề tài là điều tra, khảo sát, nghiên cứu xác định vùng trồng sơ ri; tuyển chọn, khảo nghiệm và nhân nhanh giống sơ ri tốt; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn GAP để sản xuất sơ ri an toàn; xây dựng hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sơ ri…

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng và lợi thế, ngành Nông nghiệp đã từng xây dựng kế hoạch đến năm 2010 tăng diện tích trồng sơ ri lên khoảng 3.000 ha, nâng năng suất bình quân lên 30 - 35 tấn/ha; đồng thời mở rộng chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu bên cạnh đa dạng các mặt hàng nước ép, kẹo, mứt và xây dựng các tổ hợp tác, HTX và hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác sơ ri an toàn.

Thế nhưng, việc sản xuất và tiêu thụ sơ ri Gò Công đã trở thành một câu chuyện dài và chứng kiến nhiều phen lận đận. Vài năm gần đây Công ty TNHH Thịnh Phát tham gia tiêu thụ sản phẩm cho nông dân dưới hình thức sơ chế trái tươi và chế biến dưới dạng purée để xuất khẩu sang Nhật, Singapore, Hong Kong.

Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ hàng năm cũng chỉ bằng ¼ tổng sản lượng sơ ri toàn vùng. Cũng có thực tế là việc sản xuất sơ ri ở Gò Công một thời còn mang tính cá thể, quy mô nhỏ lẻ. Do tốn nhiều công lao động trong khâu thu hoạch nên diện tích trồng sơ ri mỗi hộ không nhiều, bình quân khoảng 1.500m2/hộ, ít hộ có diện tích canh tác trên 5.000m2.

Trong khi đó việc tiêu thụ sơ ri chưa ổn định, giá cả biến động lớn, bấp bênh nên nông dân có thu nhập thấp. Trong quá trình tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn nhiều điểm chưa đồng thuận, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của mỗi bên.

THẾ ANH

Bài 2: Khai thác lợi thế

.
.
.