Thứ Năm, 10/07/2014, 06:21 (GMT+7)
.

Bài 2: Phục hồi, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ Gò Công

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu, kiến nghị và đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều biện pháp giải quyết tình trạng rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực. Tuy nhiên, để tạo điều kiện quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả trong thời gian tới, cần sự quan tâm nhiều hơn của Trung ương về chính sách quản lý và bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trong nhiều năm qua, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều hoạt động để tìm hiểu, xác định nguyên nhân suy thoái và xói lở rừng phòng hộ ven biển Gò Công. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quan trọng để tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái rừng phòng hộ. Một trong những hội thảo quan trọng có quy mô lớn là hội thảo với chủ đề “Tình hình suy thoái và một số giải pháp xử lý, khôi phục rừng phòng hộ ven biển Tiền Giang” được tổ chức vào tháng 2-2013.

Hệ thống rừng phòng hộ phát triển tốt ở khu vực huyện Tân Phú Đông.
Hệ thống rừng phòng hộ phát triển tốt ở khu vực huyện Tân Phú Đông.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi & PCLB tỉnh, ngành Nông nghiệp đã phác thảo sơ bộ định hướng phát triển rừng của tỉnh đến năm 2020 như sau: Quy hoạch, phân loại và có kế hoạch phát triển từng loại rừng, kết hợp bảo tồn, phòng hộ với phát triển du lịch sinh thái.

Đối với rừng phòng hộ ven biển đảm bảo các yêu cầu về phòng hộ chắn sóng, chống xói lở, lấn biển, bảo vệ môi trường… và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Tùy theo mức độ xung yếu, có thể kết hợp phòng hộ với sản xuất nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường và các lợi ích khác của rừng phòng hộ.

Rừng phòng hộ chắn sóng, chống xói lở, bảo vệ môi trường phải được xây dựng thành các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên diện tích đất trống, các bãi triều đang trong quá trình bồi tụ với các loài cây phù hợp với điều kiện lập địa. Tuân thủ đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng do Bộ NN&PTNT ban hành áp dụng đối với từng loại cây trồng.

Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng, thực hiện các chính sách ưu tiên nghiên cứu phát triển về giống cây trồng. Áp dụng khoa học - công nghệ làm động lực cho phát triển lâm nghiệp, nghiên cứu phát triển rừng theo 2 hướng chính là cải tạo giống cây rừng và các biện pháp lâm sinh không chỉ tăng năng suất, chất lượng rừng mà còn gia tăng các giá trị bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của rừng.

Bên cạnh công tác khôi phục diện tích rừng phòng hộ, công tác quản lý và bảo vệ cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Vào ngày 24-5, Đoàn cán bộ của Chi cục Thủy lợi và PCLB cũng đã có chuyến khảo sát và làm việc về vấn đề giao khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

Được biết, việc giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Gò Công Đông (GCĐ) vào năm 2003 được thực hiện theo Quyết định 15/2001 của UBND huyện GCĐ là ủy quyền cho Phòng Nông nghiệp ký hợp đồng với các hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thời hạn 20 năm.

Từ năm 2006 đến nay, việc giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện GCĐ và huyện Tân Phú Đông (TPĐ) được chuyển giao cho Hạt Quản lý đê điều và rừng phòng hộ (thuộc Chi cục Thủy lợi và PCLB).

Tính đến ngày 31-12-2013, diện tích rừng phòng hộ khu vực Gò Công do Hạt quản lý là 1.658,8 ha (trong đó huyện GCĐ: 606,15 ha; TPĐ: 1.052,45 ha). Theo bảng tổng hợp kinh phí khoán quản lý, bảo vệ rừng năm 2013 thì tổng số hộ dân tham gia ký kết là 173 với 1.010,36 ha, tổng số tiền là 202.072.060 đồng.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & PCLB tỉnh:

Với quyết tâm cao, từ năm 1980 đến nay, nhất là từ khi có Chương trình 327, Chương trình 661 của Trung ương, công tác trồng rừng luôn được quan tâm. Xét chung, rừng trồng mới và trồng dặm trong giai đoạn 1993 - 1995 đều phát triển tốt. Riêng rừng trồng mới trong phạm vi đoạn xung yếu với chiều dài khoảng 700 m tuy đã trồng nhiều năm nhưng không sống được.

Giai đoạn 2006-2011 đã trồng mới, trồng dặm và trồng xen 411,81 ha tại 2 huyện GCĐ  và TPĐ (huyện GCĐ: 67,625 ha; TPĐ: 344,18 ha) với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng” và nguồn vốn phòng, chống lụt bão của địa phương. Giai đoạn 2006 - 2014 đã và sẽ trồng mới, trồng xen 78,625 ha tại GCĐ, 443,68 ha tại TPĐ.

Theo ông Võ Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê và rừng phòng hộ, công tác bảo vệ rừng phòng hộ khu vực 2 huyện GCĐ và TPĐ trong thời gian qua có nhiều thuận lợi là sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc đầu tư phát triển rừng; công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát rừng được chính quyền địa phương, các đồn biên phòng quan tâm hỗ trợ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn gặp không ít khó khăn như: Còn một số hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng chưa thực sự quan tâm trong công tác tuần tra kiểm soát để xảy ra các trường hợp chặt, đốn cây rừng (như ở khu vực xã Tân Phước, xã Gia Thuận của huyện GCĐ).

Hộ nhận khoán, quản lý rừng buông lỏng công tác kiểm tra chăm sóc rừng như ở khu vực cửa Tiểu (xã Phú Tân của huyện TPĐ).

Tình hình hộ nhận khoán vi phạm rừng phòng hộ (đào ao nuôi tôm) ngày càng diễn ra nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương chưa quan tâm xử lý triệt để như ở khu vực xã Phú Đông (huyện TPĐ). Mức chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ nhận khoán còn thấp dẫn đến việc người dân ít quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ.

Cũng vào cuối tháng 5, Hạt Quản lý đê và rừng phòng hộ cũng đã xây dựng Kế hoạch về việc giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ năm 2014 và những năm tiếp theo. Trong đó, có quy định cụ thể số lượng, số diện tích rừng giao cho hộ dân, nhóm hộ; đặc biệt là sẽ đề nghị cắt hợp đồng đối với những nhóm hộ hợp đồng quản lý, bảo vệ nhưng thời gian qua không quan tâm chăm sóc, quản lý khu vực rừng mình nhận khoán; đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các Đồn Biên phòng ở khu vực rừng phòng hộ của 2 huyện GCĐ và TPĐ để tăng cường tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức về trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ trước biến đổi khí hậu ngày một diễn biến phức tạp.

HOÀNG AN

.
.
.