Hướng dẫn hỗ trợ vay vốn giảm tổn thất trong nông nghiệp
Ngày 7-7, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2014/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Các khoản vay mua máy gặt đập liên hợp sẽ được hỗ trợ lãi suất. |
Theo đó mức hỗ trợ, cấp bù và nguồn vốn hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất như sau:
Vay để mua máy móc, thiết bị được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ 3. Thời điểm hỗ trợ lãi suất đối với từng khoản vay được tính từ ngày giải ngân.
Vay để thực hiện dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị;dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp được NSNN cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất đối với từng khoản vay được tính từ ngày giải ngân.
Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại làm cơ sở để ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của ngân hàng thương mại có hoạt động cho vay được áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ được ngân hàng thương mại niêm yết công khai tại các điểm giao dịch.
Mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ.
Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp được bố trí trong dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay tín dụng ưu đãi (vốn đầu tư phát triển) của ngân sách nhà nước hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực ngày 22-8-2014.
VÂN ANH