Nghề đươn đệm & những bước thăng trầm qua hơn 100 năm
Bàu Gõ trên cỏ, dưới bưng.
Nhổ bàng đươn đệm, em đừng đi đâu!
Không ai biết nghề đươn đệm có từ bao giờ, nghề này cũng không có tổ nghiệp và sản phẩm làm ra ví như một tác phẩm nghệ thuật dân gian rất thông dụng trong đời sống của con người. Những người sống trên 100 tuổi ở huyện Tân Phước đều bảo rằng: Các cụ học nghề từ cha mẹ khi chưa đầy 10 tuổi và cha mẹ thì học nghề từ ông bà… cho nên câu ca dao truyền miệng trên đây của trai gái vùng bưng, bàng vẫn còn đó bao đời nay.
Gia đình bác Lê Thị Nguyên có 3 thế hệ cùng làm nghề đươn đệm. |
Đươn đệm cũng lắm công phu
Ngày xưa, Tân Phước thuộc vùng Đồng Tháp Mười, ruộng trũng, nước phèn, làm lúa thất bát nhưng thuận lợi cho tràm, đưng, lác, bàng phát triển. Chính trong cảnh đói kém mà ông bà ta đã sáng tạo ra được cái nghề để sinh tồn từ cây bàng hoang dại.
Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Phiến (sinh năm 1907, ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập), là người đươn đệm khéo có tiếng ở đây kể lại: “Hồi xưa, bàng mọc hoang ngoài đồng nhiều lắm, chọn bàng già nhổ (hoặc cắt sát gốc), so chiều cao rồi phân thành bó gọi là neo, 3 neo (3 bó) gọi là một đôi.
Bàng tươi đem về trải ra từng neo như rẻ quạt, phơi ngay để lâu sẽ ngã màu đen xấu, mất giá. Phơi bàng trở như phơi lúa, rồi đem giã. Giã bàng rất cực, phải đều tay, việc này đa phần là đàn ông. Giã bàng lần nhất đem phơi lại, giã lần 2 mới đươn. Ngày xưa giã bàng vào ban đêm, nhà nào cũng giã nên tiếng cắc cụp vang lên khắp xóm…”.
Mẹ Phan Thị Rê (Hưng Thạnh) 82 tuổi, có trên 70 năm gắn bó với nghề đươn đệm, không cần nhìn 2 tay mẹ vẫn bắt trái đệm thoăn thoắt. Mẹ bảo: Chừng 10 tuổi tôi đã biết đươn đệm, người khéo thì đươn đẹp, giỏi thì đươn nhanh.
Muốn tấm đệm đẹp phải chọn sợi bàng trắng, đều nhau rồi gầy (ghép các sợi bàng lại với nhau) - đươn - dọng và nhắt (dùng móng tay đùa các sợi bàng đều và chặt). Đươn đệm thường thì 2 hoặc 3 vun tùy chiếc đệm kích thước lớn hoặc nhỏ, xong phải bẻ bìa cho không bị sút. Đươn đệm, đươn nóp dễ hơn đươn túi xách, tụng, cặp và nón. Giờ thì đươn manh em (manh trẻ em nằm) nhiều hơn”.
Có các kiểu đươn: Long mốt, long hai, sau này nó có hoa văn, màu sắc…
Cháu Nguyễn Hoàng Nhật 6 tuổi (Tân Hòa Thành) biết tự gầy nón để đươn. |
Là nét văn hóa gắn liền với cuộc sống
Nghề đươn bàng gắn liền với cuộc sống của người nông dân áo vải cực khổ, nghèo khó từ bao đời nay, bằng chứng là những câu ca dao còn lưu giữ, đọc lên nghe xót lòng:
“Trắng da vì bởi mẹ cưng/ Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng; Lấy chồng về Bàu Gõ, nước mắt nhỏ 2 hàng/ Tay bưng mâm cơm để đó, giã tám chín neo bàng mới được ăn…”.
Người dân vùng Đồng Tháp Mười nói chung và Tân Phước nói riêng, truyền nghề đươn bàng cho nhau giống như một nghề “gia truyền”, người phụ nữ làm nghề nông ở đây cứ 30 tuổi thì có gần 20 năm biết đươn đệm.
Cái thâm niên trong nghề độc đáo này vẫn không giúp họ đổi đời mà nó như cái nghiệp để họ cặm cụi làm thêm trong những lúc nông nhàn.
Thế nhưng nó vẫn có cái duyên, cái đẹp, để nảy nở những mối tình của những chàng trai đối với các cô gái ở vùng đồng phèn nhưng có “hoa sen, thơm, đẹp” này:
“Lòng thương con gái Kiến Vàng (tên gọi của xã Hưng Thạnh xưa)/ Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm, hay Ngó lên trên chợ Thủ Thêm/ thấy em đươn đệm, giắt ghim trên đầu…”.
Và tiếng giã bàng đêm đêm như khúc biến tấu của cuộc sống yên bình, như tiếng lòng mang đậm nét chân quê chân chất. Nó đã đi vào nhạc, vào thơ: “… Chiến khu bừng lên ấm bao lòng dân quê tôi. Tiếng ai giã bàng, nhịp nhàng như tiếng lòng tôi….” (Con kênh xanh xanh của nhạc sĩ Ngô Huỳnh) và trong Trường ca Đồng Tháp Mười của Nguyễn Bính cũng có câu “…Đêm đêm trong ánh trăng mờ/ Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng….”.
Những vật dụng đươn từ bàng cũng đi vào lịch sử: “…Nóp với dáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng!” (Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn). Và ta cũng có điệu “Lý đươn đệm” trong kho tàng bài hát dân ca.
Tôi nắm bàn tay khô khắc của mẹ Phan Thị Rê, cảm nhận được sự khổ cực với những móng tay mòn sát vào thịt. Hơn 80 tuổi với 70 năm đôi tay lần từng cọng bàng “dọng, nhắt” cho chặt, cho đẹp trên từng tấm đệm, cái nóp. Tay mẹ nhanh nhẹn bắt những sợi bàng, mắt xa xăm: “Hồi chiến tranh, không làm ruộng được, ba tụi nhỏ đi kháng chiến, tôi một mình nhổ bàng về giã, đươn đệm bán lấy gạo nuôi con và đem gạo ra rừng cho chồng ăn đánh giặc”.
Trong 7 mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Hưng Thạnh và xã Tân Hòa Thành của huyện Tân Phước mà tôi đã gặp, các mẹ đều trải qua một thời bom đạn, chồng đi kháng chiến, mẹ ở nhà nhổ bàng, đươn đệm để đổi gạo nuôi con và tiếp tế cho bộ đội.
Người Tân Phước sinh ra đã được nằm trong chiếc manh em (đệm nhỏ), võng bàng, ngủ trên chiếc giường trải đệm thơm mùi bàng mới và có người đến lúc lâm chung, nghèo quá vẫn phải gói đệm ra đi… Tuổi thơ của lứa tuổi chúng tôi là đội đầu những chiếc cặp bàng đến lớp, nắm tay mẹ xách giỏ bàng đi chợ, giúp mẹ phơi lúa bằng những tấm đệm bàng…
Và những nỗi niềm…
Tân Phước bây giờ mênh mông đồng khóm, liếp khoai, cây bàng dại khép nép bên rìa ruộng khóm và trên 10 năm nay, tiếng giã bàng không còn nữa vì đã có máy ép bàng. Bàng tươi đem về vẫn phải phơi nắng rồi đem ép lần nhất, phơi tiếp ép lần 2 mới đươn.
Anh Nguyễn Hữu Sơn, chủ máy ép bàng ở xã Tân Hòa Thành bảo rằng: Lúc trước anh ép buổi sáng và cả buổi chiều, giờ thì chỉ ép 1 buổi sáng từ 5 - 8 giờ, trung bình được 150 ngàn đồng/1 buổi sáng, vì mỗi đôi tốn 2.000 đồng tiền ép cho 1 lần.
Chị Hà Thị Mai Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Hòa Thành dẫn chúng tôi tham quan ruộng trồng bàng, chị cho biết: “Một số nông dân ruộng sâu trồng lúa thất nên họ chuyển sang trồng bàng, nhờ vậy mà có nguyên liệu cung cấp cho người đươn.
Còn đươn nón, đươn túi xách, manh em… nếu làm luôn cả ngày, trừ chi phí, người làm giỏi có thể thu nhập trên 100 ngàn đồng. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn làm công việc này lúc nhàn rỗi hoặc chỉ có người già và trẻ em, nhưng 2 lực lượng này tùy thuộc vào sức khỏe và thời gian nên thu nhập thấp. Theo chị, lý do khách ép bàng ít đi vì lực lượng lao động trẻ đi làm công nhân và sản phẩm làm ra thu mua rẻ”.
Theo cô Nguyễn Thị Thúy Liễu, chủ ruộng bàng (ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành) thì thu nhập từ trồng cây bàng khá hơn làm lúa, 2 năm 3 vụ bàng, chăm sóc cũng không khó lắm, xịt thuốc trừ sâu ống và rải phân 2 tháng 1 lần; cấy bàng đến 10 tháng thu hoạch vụ đầu, sau đó rải phân, xịt thuốc 7 tháng sau thu hoạch lần 2 và 7 tháng kế tiếp thu hoạch lần 3 rồi bừa đất cấy bàng khác.
Ở Tân Hòa Thành, Hưng Thạnh, Phú Mỹ… cũng có mấy chợ chuyên buôn bán bàng. Bàng ngắn mỗi neo 8 ngàn đồng, bàng dài 13 ngàn đồng/1 neo; mỗi neo dài đươn được 10 cái nón.
Nhiều chị em tâm tư: Cây bàng ngày càng ít đi, nguy cơ thiếu nguyên liệu để đươn. Tuy rằng thu nhập không cao nhưng cũng có việc để làm lúc nhàn rỗi, cứ cơm nước xong vừa làm, vừa nói chuyện đến tối cũng có 20 - 30 ngàn đồng.
Nói về nghề này, chị Lê Thị Sáu, 49 tuổi (xã Hưng Thạnh) băn khoăn: “Chỉ lo các cháu học hành rồi đi làm việc Nhà nước, làm công ty không có thời gian quan tâm tới cái nghề truyền thống của ông bà và nghề này sẽ bị mất đi. Mong Nhà nước quan tâm, có hướng hỗ trợ và tổ chức thu mua sản phảm để người lao động không bị ép giá và lưu giữ, phát triển nghề đươn bàng truyền thống”.
Mẹ Phan Thị Rê - 82 tuổi, có 70 năm làm nghề đươn đệm. |
Vẫn còn đó những gia đình có đến 3 thế hệ cùng làm nghề đươn bàng, như gia đình bác Lê Thị Nguyên, cháu Nguyễn Hoàng Nhật 6 tuổi, con chị Triệu Yến Chi (ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành) đã biết đươn nón, theo người trong nghề cho biết đó là một sản phẩm tương đối khó.
Ngày 5-9-2013, UBND xã Tân Hòa Thành đã ký Quyết định 104 về việc Công nhận Tổ Liên kết Phụ nữ đan đệm bàng. Chị Đỗ Thị Hên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: “Lúc mới thành lập tổ có 30 thành viên, Trung ương Hội có hỗ trợ 60 triệu đồng, mỗi thành viên được vay 2 triệu đồng để làm vốn mua bàng; do không có vốn để đầu tư nên hiện nay chỉ phát triển thêm 12 thành viên. Ngoài hỗ trợ vốn, tổ thu mua sản phẩm cao hơn tư thương 2 trăm đồng/1 cái nón”.
Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, nghề đươn bàng có mặt ở huyện Tân Phước từ rất lâu và tồn tại cho đến ngày nay. Hiện vẫn còn rất nhiều người sống bằng nghề đươn bàng hoặc tranh thủ thời gian nhàn rỗi đươn bàng để kiếm thêm thu nhập.
Nghề này tập trung ở các xã: Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hòa Đông, Tân Hòa Thành... Nguồn bàng được đa số người dân mua từ tỉnh Long An. Bởi diện tích bàng tự nhiên và bàng do người dân trồng trên địa bàn huyện ngày càng thu hẹp, chỉ còn khoảng 50 ha, giảm 1/2 so với năm 2010.
Nguyên nhân là do cây bàng được đa số người dân trồng tự phát nên không được đầu tư chăm sóc, thường xảy ra bệnh; đồng thời trồng bàng không thu được hiệu quả kinh tế cao nên người dân đã dần chuyển đổi sang trồng khóm, khoai…
Để khôi phục, gìn giữ và phát triển nghề đươn đệm, huyện Tân Phước đang đề nghị với UBND tỉnh và Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh công nhận “Làng nghề Bàng buông Tân Hòa Thành”. Hy vọng khi làng nghề được công nhận thì nghề đươn bàng truyền thống ở huyện Tân Phước sẽ được đầu tư, quy hoạch phát triển một cách bài bản hơn.
NGỌC LỆ