Phòng chống hạn, mặn cần chủ động, phối hợp đồng bộ, kịp thời
Ngày 16-7, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt nông thôn trong mùa khô năm 2014.
Tại hội nghị, báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết, ngay từ đầu năm, các huyện, thị, thành đã triển khai các công trình phòng chống hạn, mặn. Kết quả từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã nạo vét 166 công trình thủy lợi nội đồng, 174 công trình thủy lợi phí. Trong đó, các huyện phía Đông nạo vét 104 công trình thủy lợi nội đồng, dài trên 89 nghìn mét; 111 công trình thủy lợi phí, chiều dài trên 157 nghìn mét.
Cùng với đó, độ mặn năm 2014 trên sông xuống thấp và không lấn sâu vào nội đồng, cống Xuân Hòa gần như lấy nước liên tục (chỉ đóng 1 ngày), góp phần duy trì mực nước hệ thống kinh trong vùng dự án đảm bảo vụ đông xuân năm 2013 - 2014 ở các huyện, thị phía Đông sản xuất an toàn.
Tuy nhiên, mùa mưa năm nay bắt đầu muộn hơn trung bình nhiều năm, mực nước sông thấp, lượng nước lấy vào hệ thống kinh trong vùng dự án không đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, kết hợp nắng nóng kéo dài ở đầu vụ nên xảy ra tình trạng thiếu nước bơm để gieo sạ vụ lúa hè thu năm 2014 ở các xã xa nguồn nước của các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công.
Cụ thể, diện tích phải bơm chuyền 2 cấp chống hạn gần 216 ha ở Bình Phú, Thành Công (Gò Công Tây); 282 ha lúa bị thiệt hại trắng phải sạ lại do nắng nóng và phèn ở Gò Công Đông, Gò Công Tây.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị sơ kết. |
Đối với nước sinh hoạt, tại khu vực Gò Công Đông, do nguồn nước kinh trục, kinh nội đồng tương đối ổn định, đảm bảo cho các trạm cấp nước sử dụng nguồn nước mặt khu vực duy trì hoạt động bình thường trong suốt mùa khô. Dù vậy, từ cuối tháng 3, nguồn nước tại các trạm Tân Phước, Vàm Láng, Tân Thành có độ mặn cao hơn so với giới hạn cho phép nhưng không có nguồn thay thế nên buộc phải tiếp tục sử dụng nguồn này để cấp cho dân.
Đối với Tân Phú Đông, rút kinh nghiệm cấp nước từ các năm trước, mùa khô năm 2014, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH 1 TV Cấp nước nông thôn bơm trữ nước đầy các ao chứa trước khi các cống Dự án Phú Thạnh - Phú Đông đóng ngăn mặn; tranh thủ bơm bổ cấp nguồn cho các ao chứa những lúc thủy triều xuống, độ mặn trên sông giảm nhằm duy trì hoạt động cấp nước cho người dân sử dụng.
Với những nỗ lực, chủ động trên của ngành chức năng và đơn vị liên quan cùng với nguồn bổ cấp từ ao chứa 6 ha ở Tân Thới nên nguồn nước cấp sinh hoạt cho dân Tân Phú Đông được duy trì. Mặc dù vậy, do đường ống bổ cấp từ ao 6 ha về các trạm quá nhỏ không đáp ứng đủ lưu lượng nước thô bổ cấp cho các trạm hạ lưu khi ao trữ không còn nước nên từ tháng 4 trở đi nước cấp cho sinh hoạt không đủ, phải cấp luân phiên theo giờ ở các tuyến.
Đối với hộ dân vùng ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung, 2 đơn vi cấp nước phối hợp với phòng nông nghiệp các huyện mở 69 điểm nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ dân khu vực này.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt trong mùa khô vừa qua; đồng thời nêu lên những hạn chế cần khắc phục.
Qua đó, ông Lê Văn Nghĩa yêu cầu các cấp, ngành và đơn vị liên quan cần quan tâm đến công tác nạo vét kinh, mương; quản lý, vận hành nước đồng bộ, đảm bảo thật tốt cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ lịch thời vụ; chủ động phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các cấp và ngành nông nghiệp để có những giải pháp ứng phó nhanh và hiệu quả trước tác động bất thường của thời tiết.
Đối với nước sinh hoạt nông thôn, ông Lê Văn Nghĩa yêu cầu đơn vị cấp nước quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nước cấp. Đồng thời, ông thông báo về các dự án tiếp nhận nguồn nước từ BOO Đồng Tâm phục vụ cho người dân khu vực phía Đông, trong đó có Tân Phú Đông; dự án nạo vét kinh 14 dẫn nước về phía Đông cùng với những định hướng, kế hoạch, dự kiến triển khai các dự án trên.
Qua đó, ông yêu cầu ngành nông nghiệp, đơn vị có liên quan cần kiểm ra, rà soát lại hệ thống cấp nước sinh hoạt; kinh, mương trong vùng để việc tiếp nhận, sử dụng hiệu quả các nguồn nước trên khi các dự án được đầu tư.
N.VĂN