Tân Phước: 20 năm phát triển thương mại - dịch vụ
Cùng với 20 năm hình thành và phát triển huyện Tân Phước, thương mại - dịch vụ của huyện đã có bước tiến triển tốt, đạt hiệu quả khá khả quan, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chợ Tân Phước vừa được xây mới đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 (chợ đô thị trung tâm huyện) và sẽ được đưa vào hoạt động đầu tháng 8-2014. |
Do vị trí địa lý của huyện Tân Phước nằm trong phần trũng của vùng Đồng Tháp Mười nên khi mới thành lập huyện đã gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện đi lại, nhất là giao thông đường bộ. Do đó, cách đây 20 năm, hiện trạng thương mại của huyện Tân Phước gần như không có gì, chỉ có chợ Tân Phước (hay còn gọi là chợ Bà Bèo ở thị trấn Mỹ Phước) và chợ Phú Mỹ (ở xã Phú Mỹ) hoạt động, với khoảng 150 hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Tân Phước còn có khoảng 225 hộ được cấp giấy phép kinh doanh (ngoài khu vực chợ) hoạt động trên lĩnh vực thương mại, chủ yếu là trao đổi hàng hóa bằng các loại hình dịch vụ chưa phát triển. Chính vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của huyện vào năm 1994 chỉ đạt 167 triệu đồng. Khu vực dân doanh đóng góp nhỏ lẻ không đáng kể.
Đến khi mạng lưới giao thông của huyện được đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại nhưng chưa có nhiều chợ, thì một loại hình giao thương mang nét đặc trưng thương mại của vùng sâu Tân Phước được hình thành, đó là chợ “di động”.
Chợ “di động” ở huyện là những chiếc xe gắn máy bán hàng lưu động ở trên bờ. Còn dưới kinh, rạch là những chiếc xuồng, ghe chở đầy hàng hóa len lõi vào tất cả các xã vùng sâu của huyện để phục vụ tận tay khách hàng.
Vào thời điểm những năm 2000, mô hình chợ “di động” ở huyện phát triển mạnh, với lượng xe, ghe, xuồng lên đến hàng chục chiếc, chạy dập dìu trên các con đường, kinh, rạch để bán hàng. Chợ “di động” chủ yếu là bán hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng thiết yếu...
Với đặc điểm của Tân Phước là một huyện có đất rộng, người thưa, dân cư sinh sống không tập trung, loại hình chợ “di động” đã từng một thời mang lại nhiều tiện ích cho người dân như: Phục vụ tận tay, không phải tốn chi phí đi lại để mua sắm hàng hóa, giá cả phải chăng, đặc biệt là mua hàng được “ghi sổ” đến mùa thu hoạch nông sản mới thanh toán nợ...
Mặc dù loại hình chợ “di động” ở Tân Phước được nhìn nhận là phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân vùng sâu, nhưng loại hình chợ này không mang lại sự phát triển thương mại ổn định, bền vững vì đây là loại hình chợ tự phát, chỉ mang tính chất hoạt động “tạm thời”, không thể đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân. Do đó, chỉ có phát triển hệ thống chợ mới tạo động lực, thúc đẩy thương mại, dịch vụ của huyện phát triển.
Các hộ tiểu thương kinh doanh ở chợ Tân Phước. |
Với sự nỗ lực vươn lên, huyện đã hình thành mạng lưới thương mại hoạt động có hiệu quả, với 6 chợ phân bố ở các xã và thị trấn Mỹ Phước. Cụ thể, có chợ Tân Phước; chợ Phú Mỹ; chợ Bắc Đông (xã Thạnh Mỹ); chợ Tân Hòa Thành; chợ Thạnh Tân và 1 chợ tự phát thuộc địa bàn xã Tân Lập 1, với 950 hộ kinh doanh. Trong đó, chợ Tân Phước được đầu tư xây mới, đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 (chợ đô thị trung tâm huyện) với diện tích 26.000m2 và sẽ có khoảng 424 hộ kinh doanh buôn bán.
Dự kiến chợ Tân Phước sẽ được khánh thành và đưa vào hoạt động vào đầu tháng 8-2014. Hiện trên địa bàn huyện chưa có siêu thị và trung tâm thương mại.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, các chợ trên địa bàn huyện đảm bảo lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, góp phần tiêu thụ nông sản và hàng hóa của huyện.
Công tác quản lý chợ thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ, góp phần đưa mạng lưới chợ đi vào mua bán nền nếp. Ở các chợ, vấn đề vệ sinh môi trường được cải thiện. Công tác phòng cháy, chữa cháy được đảm bảo. Ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước trong kinh doanh, mua bán của tiểu thương ở các chợ cũng được nâng cao.
Đầu tư phát triển 8 chợ, 5 siêu thị, trung tâm thương mại Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phước, từ nay đến năm 2020, dự kiến huyện sẽ đầu tư phát triển 8 chợ và 5 siêu thị, trung tâm thương mại, với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng. Trong đó, có 7 chợ được đầu tư xây dựng từ ngân sách tỉnh, với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng; 1 chợ đầu tư bằng vốn xã hội hóa, dự kiến tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng và 5 siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được đầu tư bằng vốn xã hội hóa, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng. |
Nhìn chung, mạng lưới chợ trên địa bàn huyện Tân Phước phát triển tương đối đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân, tạo văn minh thương mại và đã góp phần phát triển ngành Thương mại - Dịch vụ; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách huyện.
Ngoài ra, huyện cũng đã phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thường xuyên tổ chức hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, giúp người dân trên địa bàn huyện có cơ hội tiếp cận với hàng Việt chất lượng cao…
Ông Lê Đức Nhuận, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phước cho biết thêm, trong hành trình 20 năm phát triển thương mại - dịch vụ trên vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” Tân Phước còn có khoảng 1.630 hộ được cấp giấy phép kinh doanh (ngoài khu vực chợ) hoạt động trong lĩnh vực thương mại, trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, còn có các loại hình dịch vụ đã phát triển tương đối mạnh trên địa bàn huyện trong thời gian qua như: Ngân hàng, bưu điện, internet, vận tải, các dịch vụ về ăn uống giải khát, vui chơi, giải trí... đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ đó đã nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội không ngừng tăng trưởng qua từng năm. Khu vực dân doanh đã đóng góp đáng kể vào sự thay đổi bộ mặt thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Tân Phước sau 20 năm thành lập và phát triển.
PHƯƠNG NGHI