Thị trường xuất khẩu thanh long đã mở nhưng chưa sâu
Thanh long được xác định là 1 trong 11 loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh do điều kiện thời tiết phù hợp, kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ, đã tạo dựng được thương hiệu, thị trường tiêu thụ rộng rãi… Song, hầu hết sản lượng thanh long được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi, khả năng cạnh tranh kém, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh; khoảng 75% sản lượng trái dùng để cung ứng xuất khẩu nhưng chủ yếu là mậu biên.
Mậu biên: Lợi thế và rủi ro
Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt cho biết, 85% sản lượng thanh long của công ty xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp qua Trung Quốc. Còn về giá cả thì thường không ổn định. Ông Danh dẫn chứng, cách nay không lâu thanh long đạt mức giá cao ngất ngưỡng nhưng nay giảm xuống còn không bằng 1/3 so với trước đó.
Nguyên nhân là do Trung Quốc đang vào mùa trái cây nên nhu cầu thanh long giảm mạnh. Mặt khác, những năm qua, diện tích, sản lượng thanh long tăng quá nhanh, vượt xa nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Do đó, khi xuất khẩu gặp khó khăn, giá thanh long sẽ giảm rất mạnh.
Dù xuất khẩu sang 40 nước và vùng lãnh thổ nhưng thanh long vẫn thường xuyên bị cảnh “được mùa rớt giá”. |
Qua nhiều năm tìm kiếm và xâm nhập thị trường, thanh long Việt Nam đã tạo được thế đứng và thương hiệu trên thị trường thế giới. Song, phải nhìn nhận thực tế rằng, nhiều năm qua, thanh long xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và dưới dạng trái tươi.
Theo thống kê năm 2013, thanh long xuất sang Trung Quốc chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam. Thực tế, con số này còn có thể cao hơn. Dù vậy, theo các chuyên gia, tỷ trọng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc năm nay đã có giảm so với trước dù chưa đáng kể.
Theo TS. Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam), Trung Quốc là thị trường chủ yếu của trái cây Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng. Nguyên nhân là trái thanh long rất được người Trung Quốc ưu chuộng do tên gọi, màu sắc và hình dáng thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng nước này.
Sở dĩ thị trường Trung Quốc luôn chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu của trái cây Việt Nam nói chung, thanh long nói riêng là do lợi thế về khoảng cách địa lý. Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với rất nhiều cửa khẩu là lợi thế lớn mà nhiều nước khác không có được. Hơn nữa, đây là thị trường rất lớn có dân số trên 1 tỷ dân.
“Chỉ cần 56 giờ đồng hồ là thanh long Việt Nam có thể đến thị trường này với chi phí vận chuyển thấp. Mặt khác, thị trường Trung Quốc không quá khó tính, dễ tiêu thụ và cạnh tranh. Chắc chắn trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực của thanh long Việt Nam” - TS. Lập nói.
Song, cũng theo TS. Lập, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhất định (Trung Quốc) chứa đựng nhiều bất ổn, đặt người sản xuất và kinh doanh trước rủi ro về giá và sản lượng khi có sự thay đổi về chính sách hay biến động từ thị trường này.
Điển hình như năm 2009, Trung Quốc đột xuất tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên một số loại trái cây (trong đó có thanh long) tại các cửa khẩu biên giới, khiến ùn tắc hàng trăm container, làm trái cây hư hỏng, thiệt hại. Đó là chưa nói, thị trường này thường không ổn định về sản lượng và giá.
Hơn nữa hiện nay, Trung Quốc đang phát triển rất nhanh diện tích thanh long, tập trung ở Quảng Đông, Vân Nam… cùng với áp dụng kỹ thuật sản xuất cao, sẽ là thách thức không nhỏ cho việc xuất khẩu thanh long Việt Nam qua thị trường này trong tương lai.
Đã mở nhưng chưa sâu
Thanh long là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng cao nhất, chiếm hơn ½ tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước. Thời gian qua, thị trường xuất khẩu thanh long không ngừng được mở rộng. Đến nay, trái thanh long đã có mặt ở khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau nhiều nỗ lực, thanh long nước ta đã xâm nhập được vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh củng cố thị trường truyền thống Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan, thanh long đang từng bước xâm nhập vào các thị trường lớn, triển vọng như Ấn Độ, Australia, Chile, New Zealand…
Gần đây, thanh long đã khôi phục lại thị trường Đài Loan. Tất cả đang tạo nên tính đa dạng cho thị trường xuất khẩu thanh long của Việt Nam.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt 181 triệu USD, tăng 70% so với năm 2011 và tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Trong giai đoạn 2003 - 2012, kim ngạch xuất khẩu thanh long tăng trưởng gấp 31 lần. Hiện nay, thanh long đã xuất khẩu qua 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực (chiếm 76,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2012 và 68% vào năm 2013) . |
Nhìn về tổng thể có vẻ như rất phấn khởi nhưng đi vào cơ cấu thị trường xuất khẩu lại cho một cái nhìn hoàn toàn khác. Giá trị thanh long xuất vào các thị trường ngoài Trung Quốc rất hạn chế. Hầu hết các thị trường mà thanh long đã xâm nhập chỉ dừng lại ở việc mở cửa, thăm dò thị trường với số lượng rất hạn chế.
Dù lợi thế về khoảng cách địa lý (gần Việt Nam), phù hợp thị hiếu người châu Á nhưng kim ngạch xuất khẩu thanh long sang thị trường các nước thuộc ASEAN vẫn rất khiêm tốn (năm 2013, Thái Lan 6%, Indonesia 4%, Singapore 2%).
Còn đối với các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, mỗi thị trường chỉ chiếm vài phần trăm một năm. Qua 6 năm mở cửa thị trường Hoa Kỳ nhưng sản lượng thanh long xuất sang thị trường này chỉ từ 900 - 1.200 tấn/năm, sản lượng xuất sang Nhật Bản chỉ 600 tấn.
Châu Âu là thị trường lâu năm của thanh long Việt Nam nhưng đến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 9 triệu USD. Nguyên nhân là do thanh long muốn vào được thị trường này phải được sản xuất theo quy trình GlobalGAP.
Trong khi đó, diện tích thanh long đạt chứng nhận tiêu chuẩn này ở nước ta còn ít nên sản lượng xuất khẩu vào thị trường này rất hạn chế. Thị trường Hoa Kỳ, Chile, Nhật Bản… yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và chặt chẽ đối với vấn đề kiểm dịch thực vật; một số thị trường còn quy định nghiêm ngặt xử lý trước khi nhập khẩu làm tăng chi phí.
Ngoài ra, một số nước ở rất xa Việt Nam, thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi thanh long có thời gian bảo quản lưu thông ngắn, chi phí tăng cao… làm hạn chế thanh long Việt Nam tiếp cận với các thị trường này.
N.VĂN
Bài 3: Giải pháp cho thanh long phát triển bền vững