Thứ Tư, 23/07/2014, 13:49 (GMT+7)
.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong những tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh là hoạt động của các DN có vốn đầu tư trong nước tăng nhanh, nhất là ở giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK). Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình hoạt động của các DN đã phục hồi.

Dấu hiệu phục hồi

Theo đánh giá của Sở Công thương, so với cùng kỳ năm 2013, tỷ trọng KNXK của các DN có vốn đầu tư trong nước đã tăng gần 9%, chiếm gần 51% trên tổng KNXK toàn tỉnh; DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 49%. Con số này liệu có thể khẳng định rằng “gió đã đổi chiều”, bởi một thời gian dài vừa qua DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm ưu thế hơn DN có vốn đầu tư trong nước.

Còn ở phương diện tổng thể, KNXK 6 tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh đạt 621 triệu USD, tăng 31% (tăng gần 150 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 53% kế hoạch năm 2014. KNXK tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng may, túi xách, giày tăng khá cao; thủy sản chế biến xuất khẩu cũng tăng khoảng 10%.

Nhiều DN trong ngành thủy sản vẫn còn khó khăn.
Nhiều DN trong ngành thủy sản vẫn còn khó khăn.

Đánh giá về tình hình kinh tế nói chung, hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh nói riêng, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định rằng, bối cảnh của kinh tế thế giới và  trong nước năm 2013 mặc dù được đánh giá là đã phục hồi, nhất là vào 6 tháng cuối năm, nhưng trên thực tế, những khó khăn đối với DN còn gay gắt hơn.

Do vậy, năm 2013 là năm mà Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách nhất, có cả chủ trương, chính sách trước mắt và lâu dài nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN. Ngay trên bình diện Quốc gia, Chính phủ cũng đã có chủ trương, chính sách mang tính chiến lược lâu dài là rà soát quá trình, quy trình phát triển của các tập đoàn kinh tế, các tổ chức kinh tế, các DN có chỉ số kinh doanh ở quy mô lớn phải thực hiện quy trình tái cơ cấu mới có thể phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoài xu thế chung của cả nước và tác động vào những tháng đầu năm 2014. Mặc dù những tháng đầu năm 2014 khó khăn vẫn còn nhưng kinh tế của cả nước nói chung và của Tiền Giang nói riêng đã có những dấu hiệu phục hồi.

Chẳng hạn trên địa bàn tỉnh, theo bà Trần Kim Mai, riêng về chỉ tiêu thu - chi ngân sách Nhà nước đã đạt trên 50%, trong khi so với cùng kỳ năm 2013 chỉ đạt trên 38% và dự báo đến cuối năm sẽ đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, trên cơ sở ổn định kinh tế của năm 2013, thời gian qua các DN có dấu hiệu phát triển tốt, chỉ số doanh thu tăng, lợi nhuận cũng tăng.

Biểu hiện cụ thể nữa là số DN tạm ngừng SXKD, giải thể giảm hơn nhiều so với năm 2013; đồng thời đến thời điểm này việc thu hút đầu tư đã có dấu hiệu sáng hơn. Cụ thể số nhà đầu tư trở lại tìm hiểu cơ hội đầu tư nhiều hơn trước đây.

“Trong năm 2013 số DN đầu tư mới trên địa bàn tỉnh đếm chưa hết đầu ngón tay; trong khi trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh vừa cho chủ trương đầu tư, vừa cấp giấy phép đầu tư, vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho gần 20 dự án, với số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chỉ tiêu khác, đặc biệt là về giá trị xuất khẩu, giá trị tăng thêm, chuyển dịch kinh tế đối các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhất là về giá trị KNXK đã vượt cao” - bà Trần Kim Mai nhấn mạnh.

Còn nhiều khó khăn

Trên bình diện tổng thể là như thế, riêng ở từng nhóm ngành, nhất là đối với các nhóm ngành chủ lực của Tiền Giang cũng còn đang chịu rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu thủy sản là một ví dụ. Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm vẫn tăng nhưng giá trị mang về chưa tương xứng và những tồn  tại trong nhóm ngành này chưa được khắc phục.

Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) đã chia sẻ rằng, hầu hết các DN xuất khẩu hiện tại còn chịu rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề hàng tồn kho. “DN có quy mô khá hiện tại tồn kho không dưới 500 tấn sản phẩm, do đó DN luôn tìm cách giải phóng hàng tồn để quay vòng vốn sản xuất cho chu kỳ kinh doanh mới” - ông Hà Văn Tính nhận định.

Cùng chung với nhận định này, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền cũng cho rằng, việc xuất khẩu của các DN thủy sản hiện nay cực kỳ khó khăn, giá bán lại không tăng trong khi lượng hàng tồn của các DN trong ngành ngày càng lớn.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Bà Trần Kim Mai yêu cầu các sở, ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy hiệu quả của cơ chế một cửa, tiến tới một cửa điện tử, nhất là các cơ quan xúc tiến đầu tư, thuế, đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư xây dựng, quản lý đất đai; đặc biệt đối với ngành Thuế cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng rõ ràng, minh bạch.

Bên cạnh đó, các ngành cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, phát huy hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ Xúc tiến thương mại, Quỹ Khuyến công để hỗ trợ trực tiếp cho các DN đầu tư SXKD ở các loại hình, mở rộng công tác tiếp thị tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết, hỗ trợ đăng ký xuất xứ nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa…

Ở nhóm ngành gạo xuất khẩu, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cũng cho rằng, tình hình SXKD của các DN trong nhóm hàng này cũng đã có dấu hiệu sáng hơn.

Tuy nhiên, thị trường lúa gạo hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu DN tính toán không kỹ cũng dễ dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ như không ít DN thời gian qua đã mắc phải.

Còn ở bình diện chung, tình hình kinh doanh, xuất khẩu gạo của hầu hết các DN trong nhóm ngành này cũng gặp rất nhiều khó khăn do chịu quá nhiều biến động của thị trường thế giới và trong nước trong thời gian qua.

Còn nếu xét riêng về yếu tố thị trường xuất khẩu thời gian qua cũng có sự dịch chuyển đáng kể, châu Á chiếm trên 33% (chủ yếu là gạo, giày, thủy sản, ống đồng); châu Mỹ chiếm trên 34% (với túi xách, ống đồng, thủy sản, hàng may mặc, giày).

Thế nhưng, theo đánh giá chung, hiện tại KNXK các ngành hàng của tỉnh sang thị trường châu Âu - một trong những thị trường truyền thống của các sản phẩm ở Tiền Giang vẫn chưa hồi phục, tiếp tục giảm từ 42% năm 2012 xuống còn 32% năm 2013 và hiện còn trên 27% (chủ yếu là thủy sản, giày). Điều này một lần nữa cho thấy những thị trường truyền thống của các nhóm ngành chủ lực trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khai thông đáng kể.

Như vậy, trên bình diện chung, tình hình SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh đã có những điểm sáng, nhất là đối với các DN có vốn đầu tư trong nước. Thế nhưng, bấy nhiêu đó cũng chưa thể đánh giá được hết nội tại của các DN có vốn đầu tư trong nước nói chung và của từng nhóm ngành nói riêng.

Và như vậy, cũng rất khó để khẳng định tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh đang nghiêng về các DN có vốn đầu tư trong nước. Còn trên phạm vi tổng thể, các DN vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do sức ép chung của nền kinh tế.

THẾ ANH

.
.
.