Cây màu bám rễ trên vùng đất phèn
Từ vùng đất nhiễm phèn nặng chỉ toàn cỏ dại, năn, lác và tràm… cùng với hành trình khai hoang, định cư của con người, một số cây trồng đã được mang vào vùng đất lòng chảo Đồng Tháp Mười. Dần theo thời gian, hệ thống thủy lợi được đầu tư để tháo chua, rửa phèn, ngày càng nhiều loại cây trồng bám rễ và phát triển trên vùng đất hoang hóa này.
Một trong những cây trồng đầu tiên được người dân mang về đây trong những ngày đầu đi mở đất là khoai mỡ. Theo nhiều người dân, ngay trước khi thành lập huyện Tân Phước, cây khoai mỡ đã có ở khu vực Bắc Đông.
Thời điểm ấy, chưa có các ô đê bao như bây giờ, người dân trồng khoai mỡ chạy lũ. Khi chủ trương xây dựng ô đê bao được triển khai, cây khóm phát triển mạnh mẽ nhưng cây khoai mỡ vẫn tiếp tục được nhiều hộ dân ở 2 xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông lựa chọn và trở thành một trong những cây quan trọng trong khu vực này.
Trồng ớt ở Tân Hòa đông. |
Những năm gần đây, khi hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, huyện Tân Phước cũng phát triển thêm các cây rau màu, cây ăn trái, góp phần giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, khá, giàu lên. Thực ra, theo nhiều người dân, những năm trước khi thành lập huyện, cây màu đã có mặt ở các xã phía Đông của huyện Tân Phước (khu vực giáp với huyện Châu Thành như xã Tân Hòa Thành…) với diện tích vài ha.
Theo thời gian, Nhà nước nạo vét, mở rộng, đào mới kinh giúp tháo chua, rửa phèn dần cải tạo vùng đất này, cây màu bắt đầu lấn dần về khu vực phía Tây, Bắc của huyện. Anh Hà, xã Tân Hòa Đông, một trong những người đi tiên phong khai hoang Đồng Tháp Mười cho biết, lúc đầu vào khai hoang, anh chọn khoai mỡ để khởi nghiệp nơi vùng đất mới.
Thời gian gần đây, khi điều kiện tự nhiên bớt khắc nghiệt, bên cạnh cây khóm, anh trồng thêm đậu phộng, ớt… Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ổn định.
Anh Nguyễn Tất Linh, cán bộ nông nghiệp xã Thạnh Mỹ cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 420 ha màu bao gồm rau ăn lá, rau lấy quả và rau lấy củ. Phần lớn các diện tích rau màu trên địa bàn là khoai mỡ. Đây là một trong những cây trồng đầu tiên xuất hiện trong những ngày đầu người dân đi khai hoang đến định cư.
Những năm gần đây, trên địa bàn xã còn trồng một số cây ăn trái và cây rau màu khác. Đối với cây rau màu khác (ngoài khoai mỡ), hiện nay chủ yếu là khổ qua, ớt, mì.... và diện tích chiếm khoảng vài chục ha mỗi vụ, chủ yếu nhằm lấp vụ sau khi thu hoạch khoai mỡ để nâng cao thu nhập.
Và thực tế, cây khoai mỡ nói riêng và cây rau màu nói chung đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, thậm chí khá giàu. Ban đầu, cây trồng chủ yếu ở ngoài ô đê bao, sau này khi các ô đê bao được xây dựng bao phủ khắp địa bàn xã, cây được trồng cả trong lẫn ngoài ô đê bao và có thể trồng quanh năm.
Cái trăn trở nhất của người trồng rau màu lâu nay là giá cả không ổn định. Điển hình như có những lúc giá khoai mỡ xuống thấp, khiến cho người trồng khoai bất an, nhiều diện tích người dân chuyển sang trồng khóm. Cùng với cây khóm, cây khoai cũng là cây trồng quan trọng của xã nói riêng và khu vực giáp với Long An nói chung.
Cây khoai mỡ thích hợp phát triển và gắn bó lâu đời với vùng đất phèn này. Người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây này. Cây khoai nói riêng và cây rau màu nói chung đã góp phần rất lớn vào cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Nhiều gia đình làm giàu lên nhờ gắn bó với các cây trồng này.
Cùng với việc phát triển các loại cây trồng này ở huyện Tân Phước, hàng năm, các ngành chức năng tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; triển khai các mô hình sản xuất rau màu trên vùng này để nâng cao thu nhập của người dân.
Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn xã, cơ quan khuyến nông đang triển khai mô hình 20 ha trồng đậu phộng để lấp vụ sau khi thu hoạch khoai mỡ, nâng cao thu nhập của người dân. Với mô hình này, tổng diện tích trồng đậu phộng trên địa bàn xã đến nay đã nâng lên đến 30 ha.
Theo Phòng NN&PTNT, hiện nay diện tích cây màu lương thực, gồm cây khoai các loại có tổng diện tích gieo trồng trên 800 ha, sản lượng ước đạt 9.000 tấn; cây màu thực phẩm có diện tích 1.250 ha, chủ yếu là dưa hấu và màu các loại, sản lượng ước đạt 23 ngàn tấn.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn, hội thảo về kỹ thuật; nhiều mô hình trình diễn được thực hiện trên lĩnh vực trồng trọt, trong đó có cây màu. Cùng với hệ thống thủy lợi dần được cải thiện qua nạo vét, mở rộng, đào mới kinh, mương; hệ thống đê bao được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho cây rau màu phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau như chuyên canh, luân canh, xen canh.
Những loại cây rau màu khác (ngoài cây khoai mỡ) có thể phát triển được trên vùng đất nhiễm phèn nặng, giúp người dân Tân Phước có thêm sự lựa chọn cây trồng phù hợp bên cạnh cây khóm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
N.VĂN