Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để mang lại hiệu quả tích cực
Qua 5 năm, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã làm chuyển biến tích cực cách nghĩ của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong nước.
Kết quả là hàng Việt ngày càng có chỗ đứng trên tất cả các kênh phân phối hàng hóa, từ kênh bán lẻ truyền thống cho đến hiện đại. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động cũng như để người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt vẫn đang cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp với sự cộng hưởng từ nhiều phía.
Kết quả hàng Việt có “chỗ đứng” trên thị trường như hiện nay phải kể đến vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và cả người tiêu dùng.
Cụ thể, trong 5 năm qua với vai trò quản lý Nhà nước, UBND tỉnh đã không ngừng nỗ lực thực hiện sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản về cơ chế, chính sách liên quan để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất; đồng thời tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh của thị trường nội địa để tăng sức mua sắm của người tiêu dùng.
Các sản phẩm may mặc của một doanh nghiệp may mặc trong tỉnh thu hút người tiêu dùng. (ảnh chụp tại một phiên chợ hàng Việt ở TP. Mỹ Tho). |
Từ năm 2009 - 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để tạm trữ hàng hóa, thực hiện chương trình bình ổn giá; đồng thời thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ và tích cực vận động doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, triển khai các quy định của Trung ương trong việc thực hiện dùng hàng Việt trong mua sắm công.
Thông qua các nguồn quỹ như: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ; Quỹ Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch; Quỹ Khuyến công, UBND tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới các quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các doanh nghiệp cũng đã tiến hành khảo sát thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối... để đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với nhiều giải pháp được áp dụng trong việc triển khai thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu của cuộc vận động, trong đó cụ thể nhất là vấn đề quảng bá, tiêu thụ những mặt hàng nông sản.
Bà Trần Kim Mai cho rằng, nông sản là một trong những thế mạnh của kinh tế nông nghiệp Việt Nam và của Tiền Giang. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ nông sản ra sao, phát triển thị trường thế nào để đời sống bà con nông dân được hưởng lợi từ sản xuất nông sản... lại chưa được cuộc vận động quan tâm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chỉ ra những vấn đề đang gây khó khăn trong việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như: Hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường đang làm giảm uy tín hàng Việt Nam có chất lượng; đồng thời gây khó khăn, trở ngại cho việc đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân. Dân cư vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao với giá cả hợp lý. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng, quan tâm đến nhu cầu thị trường nội địa, phát triển các kênh phân phối chưa rộng...
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng cho rằng, công tác tuyên truyền Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vẫn còn có những hạn chế như: Việc tuyên truyền chiều sâu chưa được quan tâm đúng mức; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú nên việc tuyên truyền còn đơn điệu; nhiều nơi việc triển khai tuyên truyền còn lúng túng, hiệu quả thấp...
Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng như để người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, bà Trần Kim Mai cho rằng, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cuộc vận động, đó là cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý cũng như toàn xã hội.
Bà Trần Kim Mai cũng đề nghị: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam các cấp cùng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vận động mọi tầng lớp nhân dân thay đổi trong hành vi mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Riêng bản thân các doanh nghiệp phải tích cực tham gia cuộc vận động bằng nhiều việc làm cụ thể như: Thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tiết giảm chi phí để có giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng; thực hiện kết nối doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối, giúp hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng Việt...
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh cũng đã đề nghị các cấp ủy Đảng, Ban vận động cấp huyện tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa mục đích, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản của cuộc vận động theo Thông báo Kết luận 264-TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và triển khai Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nội bộ Đảng, ban, ngành, đoàn thể đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân nội dung cuộc vận động với nhiều phương thức thích hợp, có sức thu hút, phù hợp với từng đối tượng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan đến cuộc vận động.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc vận động, nhằm làm rõ vị trí, tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam có chất lượng, những thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường. Qua đó, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa Việt Nam.
HỮU NGHỊ