Thứ Sáu, 15/08/2014, 14:30 (GMT+7)
.

Gần 40 năm đánh thức vùng ĐTM: Thành tựu &những thách thức cho tương lai

Đánh giá quá trình khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) tỉnh Tiền Giang từ năm 1976 đến nay là chủ đề của Hội thảo khoa học diễn ra ngày 13-8 do UBND tỉnh tổ chức.

Các ý kiến của đại biểu, các nhà khoa học đã chỉ ra được một cái nhìn tổng thể và tương đối toàn diện về quá trình khai hoang, phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐTM với những thuận lợi và khó khăn; đồng thời nêu lên những thách thức trong tương lai cũng như các kiến nghị để phát triển bền vững vùng đất này.

CUỘC CÁCH MẠNG Ở “TRUNG TÂM” PHÈN

ĐTM từng được các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định là một trong những vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, “trung tâm” phèn lớn của thế giới. Việc khai thác ĐTM dự báo sẽ tiêu tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả sẽ không cao. Ấy thế mà sao gần 40 năm khai thác vùng đất khắc nghiệt này, chúng ta đã không những chứng minh được điều ngược lại mà còn làm được hơn thế nữa, theo cách gọi của nhiều chuyên gia là “kỳ tích” hay “thần kỳ”.

“Để đạt được những kết quả to lớn như ngày hôm nay, nhân tố quyết định bao trùm là sự đồng lòng, quyết tâm chính trị cao trong tập trung lãnh đạo toàn diện và đúng hướng của tỉnh, huyện dành cho vùng đất đầy khó khăn nhưng cũng đầy tiềm năng này. Trong đó, yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn đến thành công là ưu tiên đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi” - ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định như thế.

Các đại biểu tham quan triển lãm thành tựu về kinh tế - xã hội của huyện Tân Phước tại hội thảo.
Các đại biểu tham quan triển lãm thành tựu về kinh tế - xã hội của huyện Tân Phước tại hội thảo.

Các nhà khoa học cũng đánh giá rằng, việc khai phá vùng ĐTM đã thể hiện những cố gắng rất lớn của các tỉnh trong vùng, bởi đặc thù của vùng đất này rất khắc nghiệt và khó khăn. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: Đặc trưng của ĐTM là một đồng lũ kín rất rộng, được bao bọc về phía Tây, phía Nam và phía Đông bởi đê ven sông và cồn sông.

ĐTM hàng năm bị ngập lũ từ 2 nguồn. Một là nước sông Tiền chứa phù sa chảy vào theo các kinh ngang và tràn bờ. Hai là nước trong từ Campuchia chảy tràn mặt đất. Chính dòng chảy của nguồn nước trong này đã ngăn không cho phù sa sông Tiền vào xa hơn. Vì thế, các bưng thấp không nhận được hoặc nhận được rất ít phù sa phủ lên.

“Chương trình khai thác ĐTM do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định năm 1987 đã thay đổi cơ bản bộ mặt của vùng, trong đó có nhiệm vụ phân bố lại lực lượng sản xuất trên địa bàn” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đã đánh giá.

Qua gần 4 thập niên khai hoang, phục hóa, vượt qua vô vàn khó khăn, ĐTM nói chung và ĐTM thuộc tỉnh Tiền Giang nói riêng đã đạt được những tiến bộ nhảy vọt cả về kinh tế và xã hội.

Từ vùng đất hoang vu, phèn nặng, đến nay ĐTM đã trở thành vùng đất trù phú, có thể đa dạng cây trồng, vật nuôi. Nhiều trung tâm kinh tế, văn hóa, khu công nghiệp mọc lên, đường giao thông được xây dựng. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được cải thiện.

Các tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã nhận định, việc khai thác tiềm năng của vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang cách đây gần 40 năm, đặc biệt là 25 năm gần đây đã góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt đời sống của người dân vùng ven ĐTM, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm lương thực của địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

TS. Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, đã đánh giá: “Trước năm 1975, ĐTM và vùng tứ giác Long Xuyên đất đai chủ yếu là đất phèn từ trung bình đến nặng. Ngay các nhà khoa học trong nước và Pháp, Mỹ đều cho rằng ĐTM không thể cải tạo trồng lúa được, do vậy mà họ đặt tên vùng này là cánh đồng cỏ.

Thế nhưng ngày nay, hầu như toàn bộ ĐTM, trong đó có Tiền Giang đã trồng được hầu hết lúa 2 - 3 vụ, năng suất cao, nhiều trung tâm thị tứ đã mọc lên như Mỹ Phước, Hậu Mỹ Bắc, Mỹ An, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng… Đặc biệt nơi đây đã hình thành nên các vùng cây ăn trái đặc sản ven sông Tiền có giá trị kinh tế cao.

Để đạt được thành quả này chính là nhờ sự quyết tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như sự lao động sáng tạo của người dân. Nếu giờ các nhà khoa học trong và ngoài nước đến đây thì phải đổi tên cho nó là cánh đồng lúa”.

NHỮNG THÁCH THỨC

Việc khai thác ĐTM của tỉnh đã đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, song cũng buộc chúng ta đối đầu với những thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường, vấn đề bảo vệ đa dạng sinh thái cũng như đối mặt với các vấn đề thách thức của thời đại.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, trong định hướng phát triển của vùng ĐTM cần phải quan tâm 2 vấn đề là nguồn nước sông Mê Kông giảm về khối lượng và chất lượng do phát triển dân số, do nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp ở các nước thượng nguồn và sự tác động mạnh mẽ từ biển do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng.

“Nguồn nước sông và các dao động của nó không còn thay đổi theo mùa nữa mà tùy thuộc chủ yếu vào sự vận hành của các đập. Sự sụt giảm phù sa, các chất dinh dưỡng và các chủng loại cá sẽ tác hại đến sự đa dạng sinh học, đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản châu thổ cũng như cả đánh bắt hải sản… Trong khi đó, về phía biển, chúng ta phải đối mặt với xâm nhập mặn lấn sâu vào vùng này” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân lý giải thêm.

Ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho rằng, quyết tâm khai hoang khu vực ĐTM để xây dựng một vùng dân cư kinh tế mới của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là rất đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương và đã đạt được hiệu quả lớn.

Đây là sự kết nối quá trình mà ông cha ta đã làm thành công. Tuy nhiên, trong quá trình đào kinh dẫn và thoát nước, ta đã làm cho nhiều bàu, trũng bị cạn nước không còn chỗ cho các loài cá sinh sản, làm mất nhiều loại chim cò, làm chết nhiều loại thực vật một thời nuôi sống cho dân nghèo.

Huyện Tân Phước hiện vẫn còn khoảng 100 ha diện tích đất sinh thái tự nhiên nhưng thật chưa thấm vào đâu…

Còn theo nhận định của PGS.TS Hồ Chín (Viện Địa lý Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh), vấn đề phức tạp cho sản xuất nông nghiệp của vùng là thành tạo đầm lầy - biền, phân bố diện tích lớn ở huyện Tân Phước và huyện Cai Lậy.

Trầm tích này là đầu mối tạo nên phèn, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Vì thế, chúng ta cần có những biện pháp cải tạo cũng như bố trí cây trồng phù hợp để phát triển vùng.

Đặc biệt, Tiền Giang đã tham gia vào Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến phát triển công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, do đó việc định hướng phát triển ĐTM cần rà soát, đánh giá lại tiềm năng, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường của từng nơi trong vùng ĐTM để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như huyện Tân Phước phù hợp để phục vụ khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên;

Đánh giá mối quan hệ, tác động qua lại giữa vùng ĐTM của tỉnh với các địa phương khác trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận để phát triển bền vững vùng này.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều thứ cũng đã mất đi trong quá trình khai thác vùng đất khắc nghiệt này. Nếu không có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nguy cơ “con hổ ngủ” trở mình là hoàn toàn có thể.

Ông Nguyễn Tấn Lực, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang đặt vấn đề: Cái giá của việc che chắn ĐTM nói chung và Tân Phước nói riêng là điều cần quan tâm nghiên cứu, xử lý. Điều đơn giản nhất là phải phân ra các khu vực nào chống lũ triệt để, nơi nào mở để cân bằng và tận dụng nguồn nước dồi dào này, hạn chế sức công phá của lũ.

Phát triển ĐTM thời gian tới, theo ông Nguyễn Tấn Lực, cần lưu giữ cho các thế hệ sau bộ mặt thực, sinh động của ĐTM như cá, rùa, rắn, bàng, năn, đưng… với diện tích thích hợp; xây dựng các “tiểu đảo lâm nghiệp”; không vội để vùng đất này trở thành đất hẹp, người đông; bảo vệ môi trường ở đầu nguồn; tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng chất lượng y tế, giáo dục phục vụ cho dân.

THẾ ANH - NGÔ VĂN

.
.
.