GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: Tân Phước đừng ham "chắt nước" làm lúa
Sau gần 40 năm khai thác, phát triển vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) trên địa bàn tỉnh và 20 năm thành lập huyện Tân Phước đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Thế nhưng, trong chặng đường phát triển tiếp theo của huyện Tân Phước, các nhà khoa học cũng đưa ra không ít cảnh báo. Khi đề cập đến những tác động đối với Tân Phước trong thời gian tới, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã chỉ ra rằng:
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân |
Trong bức tranh chung, các tỉnh ĐBSCL nói chung và huyện Tân Phước nói riêng sẽ chịu tác động kép và cần có những giải pháp để giải quyết.
Đó là: Một bên nước từ thượng nguồn chảy về và từ nước biển dâng lên. Hai tác động này không biệt lập với nhau mà nó liên quan với nhau, trên địa bàn của ĐBSCL trong đó có Tiền Giang.
Phía thượng nguồn về, người dân các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan càng ngày khai thác nước nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp.
Ví dụ như Campuchia có các dự án phát triển nông nghiệp đang triển khai, lấy nước để tăng vụ chứ không làm một vụ như trước đây. Mặt khác, đường xuyên Á AH1 vượt lũ năm 2000, có nghĩa là tình trạng lũ tràn về khu vực không giống như trước.
Thứ nữa là việc khai thác nước ở thượng nguồn còn chịu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông. Các đập thủy điện một mặt làm thay đổi các chế độ thủy văn, trước đây nước chảy theo mùa mưa nắng nhưng nay lại chảy theo việc vận hành của các đập thủy điện vì lợi ích phát điện. Khi làm các đập thủy điện thì giữ lại các phù sa, trầm tích trước đập, giống thủy sản vì vậy cũng giảm đi rất nhiều.
Còn tác động của nước biển dâng, nước sẽ vào các cửa sông và đi xa hơn. Nó sẽ tạo ra tình trạng ngập tĩnh, đặc biệt là tác động của động lực biển đối với cửa sông, đường bờ. Đối với Tiền Giang, đường bờ biển lại kéo dài nên được dự báo sẽ chịu tác động không nhỏ. Hai tác động này không tách biệt nhau mà quyện vào nhau trên địa bàn. Chính vì vậy cần phải chú ý.
* Phóng viên: Đó cũng là những mối quan tâm lớn trong chiến lược phát triển của Tân Phước tới đây, thưa Giáo sư?
* GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: Những bước phát triển vừa qua của huyện Tân Phước là hết sức quan trọng. Đây là nỗ lực chung của tỉnh Tiền Giang. Thế nhưng, trong định hướng phát triển của vùng ĐTM nói chung và huyện Tân Phước nói riêng cần phải quan tâm 2 vấn đề là nguồn nước sông MêKông giảm về khối lượng và chất lượng do phát triển dân số, do nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp ở các nước thượng nguồn và sự tác động mạnh mẽ từ biển do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng.
Cây màu đã bám rễ trên vùng đất Tân Phước. |
Cũng phải nhận thấy rằng sắp tới những khó khăn của Tân Phước vẫn còn rất lớn. Thứ nhất là vấn đề lúa vụ 3. Trước đây không có lúa vụ 3 nên cuối mùa lũ là làm đông xuân sớm nay làm lúa vụ 3 tình trạng ngập sâu hơn và thời gian kéo dài hơn. Trong khi Tân Phước nằm ở “túi” cuối cùng của ĐTM trước khi chảy ra ngoài. Do vậy việc đương đầu với vấn đề ngập lụt của huyện Tân Phước cũng cần được bàn trong chương trình tổng thể chứ không phải tách riêng.
Thứ hai, cũng là vì cái “túi” ở cuối nguồn nên vấn đề ô nhiễm nước, nhất là vào mùa kiệt không thoát được. ĐTM là đồng lũ kín nên một phân tử nước được chảy tới chảy lui, người dân lại lấy nước này sử dụng, lại thải ra nên nước ngày càng ô nhiễm trước khi thoát được ra bên ngoài. Đây là nguồn của bệnh tật đối với sức khỏe của con người.
* Phóng viên:Trong phát triển kinh tế, Tân Phước cần lưu ý gì?
* GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: Địa hình của Tân Phước tương đối trũng nên phát triển kinh tế của Tân Phước phải theo chứ không thể tách rời với điều kiện sinh thái được. Sản xuất như thế nào phải bảo vệ được đa dạng sinh học, đừng ham “chắt nước" ra để làm lúa. Nếu chú trọng làm lúa sẽ mất đi nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng nước ngọt.
* Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư!
PHƯƠNG ANH (thực hiện)