Phát triển hợp tác xã để xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể được xem là quan trọng hơn bao giờ hết. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong khi tập trung nỗ lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, cần nhận thức một cách đúng đắn về vị trí, vai trò của hợp tác xã (HTX) trong xây dựng NTM. Từ đó mà dành sự quan tâm, đầu tư về mọi mặt để củng cố, phát triển HTX hoạt động ngày càng có hiệu quả, làm nền tảng vững chắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Niềm vui được mùa trên cánh đồng hợp tác. Ảnh: H.N |
Thực tiễn xây dựng NTM ở Tiền Giang thời gian vừa qua đã khẳng định, thành phần kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Xây dựng NTM gắn với đẩy mạnh việc củng cố, phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, là một chiến lược quan trọng và có ý nghĩa quyết định tác động đến việc hoàn thành các tiêu chí khác về xây dựng NTM.
Trong những năm qua, với yêu cầu trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kinh tế tập thể ở Tiền Giang đã có bước phát triển mới cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động. Đến nay, Tiền Giang đã có 104 HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, bước đầu đã thể hiện được vai trò là “bà đở” cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn phát triển.
Điển hình là xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Xã có HTX nông nghiệp kinh doanh, dịch vụ tổng hợp với 875 thành viên, vốn hoạt động 2,4 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của HTX gồm cung cấp nước sinh hoạt nông thôn; kinh doanh vật tư nông nghiệp; lò giết mổ gia súc, gia cầm; cho thuê kho bãi; cửa hàng bách hóa tổng hợp…
HTX hoạt động có hiệu quả nhiều năm liền, đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng NTM của xã (hiện nay Tân Mỹ Chánh đã đạt 17/19 tiêu chí, xã phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng NTM).
Thực tiễn đã chứng minh hoạt động của các HTX có hiệu quả sẽ có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và giữa các hộ thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông thôn.
Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương.
Về xã hội, với tính chất là tổ chức kinh tế - xã hội, các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (hiện nay, khu vực kinh tế hợp tác, HTX của Tiền Giang thu hút khoảng 51 ngàn thành viên, người lao động) góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Các HTX còn là nơi giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các HTX còn thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong việc góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an ninh quốc phòng, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở…
Mặc dù vai trò của HTX trong xây dựng NTM đã được khẳng định, tuy nhiên thực tế con đường phát triển của kinh tế hợp tác, HTX còn gặp không ít khó khăn. Trước tiên, đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về HTX còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, người dân do tập tục sản xuất nhỏ lẻ nên khi tham gia vào HTX chưa thật sự mạnh dạn trong việc đầu tư, góp vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của HTX. Hầu hết các HTX nông nghiệp chưa có trụ sở làm việc ổn định, thiếu vốn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, lợi ích mang lại cho thành viên chưa nhiều.
Ngoài ra, việc vay vốn của các HTX cũng hết sức khó khăn, chưa tiếp cận được nhiều vốn ưu đãi của Nhà nước, do không có tài sản thế chấp…
Để kinh tế tập thể phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, trước tiên cần phải đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyển để mọi người dân nhận thức đúng bản chất, vai trò, vị trí và mục tiêu hoạt động của HTX trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.
Phải làm cho mọi người nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ và tự nguyện tham gia vào HTX; phải có sự bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm củng cố, tạo điều kiện thuận lợi để HTX hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; có chính sách cấp đất hoặc cho thuê đất để HTX xây dựng trụ sở làm việc, xây dựng nhà kho, đầu tư công nghệ hiện đại; ưu tiên cho vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ trong thời điểm hiện nay, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã luôn song hành, tồn tại và phát triển cùng các thành phần kinh tế khác trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mục tiêu của kinh tế HTX là hướng tới sự dân chủ, công bằng và văn minh, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đúng hướng với mục tiêu của Cuộc vận động xây dựng NTM mà Đảng và Nhà nước ta đang tập trung thực hiện.
HỒNG NHẬT