Thứ Tư, 20/08/2014, 13:34 (GMT+7)
.

Tân Phước phấn đấu trở thành khu vực phát triển công nghiệp năng động

Chỉ sau 20 năm, từ một vùng đất nằm trong vùng trũng của Đồng Tháp Mười, bị nhiễm phèn rất nặng, huyện Tân Phước giờ trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh, với nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã và đang đi vào hoạt động.

TĂNG BÌNH QUÂN 16%/NĂM

Theo đánh giá của ông Lê Đức Nhuận, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phước, sau 20 năm thành lập huyện, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn huyện đã tăng vượt bậc. Vào thời điểm năm 1994, GTSXCN của huyện Tân Phước chỉ đạt trên 3,4 tỷ đồng;

Lúc này, ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp của huyện chủ yếu dựa vào các cơ sở sản xuất cá thể, nhỏ lẻ với thế mạnh là xay xát lúa gạo, sửa chữa máy nông nghiệp, cơ khí, sản xuất nước đá, nghề đan truyền thống… chỉ với 79 cơ sở và hơn 280 lao động.

Vậy mà đến cuối năm 2013, GTSXCN trên địa bàn huyện đã đạt trên 72 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm 16%. “Đến nay toàn huyện đã có trên 360 cơ sở công nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 4.300 lao động; trong đó có 33 doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh vừa và nhỏ đăng ký kinh doanh, 331 cơ sở tiểu thủ công nghiệp hoạt động ổn định, với thế mạnh là ngành may mùng xuất khẩu” - ông Lê Đức Nhuận cho biết.

Dây chuyền sản xuất ống đồng tại Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng - KCN Long Giang.
Dây chuyền sản xuất ống đồng tại Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng - KCN Long Giang.

Không những thế, một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô lớn bên ngoài các khu, cụm công nghiệp cũng được các nhà đầu tư triển khai thực hiện và đang phát huy hiệu quả cao. Nhờ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, năm 2009 Tập đoàn Minh Hưng đã quyết định đầu tư vào xã Phước Lập, huyện Tân Phước.

Với diện tích 52.000 m2, với dây chuyền sản xuất khép kín để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, cùng hàng trăm máy may, công ty đã đạt năng lực sản xuất theo thiết kế 12 triệu sản phẩm mùng xuất khẩu mỗi năm; giải quyết cho 1.800 lao động trong và ngoài tỉnh. Gần đây, Tập đoàn Minh Hưng cũng đã xây dựng nhà máy thứ 2, chuyên sản xuất bao bì cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, dự án hoàn thành sử dụng thêm 1.500 lao động.

Điểm đáng chú ý là nhờ thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, trên địa bàn huyện Tân Phước đã hình thành được khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Điểm nhấn trong lĩnh vực công nghiệp là KCN Long Giang chính thức đi vào hoạt động và thu hút nhiều nhà đầu tư.

Theo Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang, đến tháng 8 đã có 11 DN chính thức đi vào hoạt động. GTSXCN hàng năm của KCN Long Giang đóng góp cho tỉnh 130 triệu USD, tạo việc làm cho 2.000 lao động. KCN Long Giang hiện đã hoàn thành công tác xây dựng và kêu gọi đầu tư giai đoạn 1, đang triển khai xây dựng và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2.

Hiện nay, tổng diện tích KCN đã triển khai đạt 260 ha, thu hút được 21 DN vào KCN, tổng diện tích đã cho thuê 143 ha, tổng vốn đầu tư đạt 680 triệu USD. Diện tích đất công nghiệp của KCN đã được cho thuê đạt 40% diện tích so với quy hoạch ban đầu và đạt 50% so với diện tích đất thực tế được bàn giao. Sau khi toàn bộ 21 DN chính thức đi vào hoạt động, GTSXCN hàng năm của KCN Long Giang đạt hơn 2 tỷ USD, sẽ tạo việc làm cho 15.000 lao động địa phương.

HÌNH THÀNH TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào KCN Long Giang, với sự tham gia của hàng trăm DN vừa được UBND tỉnh tổ chức nhằm giới thiệu cơ hội cho những nhà đầu tư vào tỉnh nói chung và vào KCN Long Giang nói riêng. Tại hội nghị này, nhiều chính sách thu hút đầu tư cũng đã được giới thiệu.

Với tư cách là chủ đầu tư, ông Yu Suo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang đã giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư và các ngành nghề kêu gọi đầu tư vào KCN Long Giang.

Theo ông Yu Suo, ngoài những lợi thế về điều kiện tự nhiên, các dự án đầu tư vào KCN Long Giang sẽ được ưu đãi về các chính sách thuế. Chẳng hạn, dự án đầu tư mới sẽ có 15 năm ưu đãi thuế thu nhập DN từ khi có doanh thu với mức thuế là 10%; bao gồm 4 năm miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế, 9 năm tiếp theo được giảm 50% trên số thuế phải nộp.

Dự án đầu tư được miễn thuế nhập khẩu 5 năm từ khi sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư và bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được. DN chế xuất tại KCN Long Giang được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo quy chế khu chế xuất.

“Mọi vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước được giải quyết bởi một đầu mối là Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, bao gồm: thẩm định dự án, thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…” - ông Yu Suo cho biết.

Ở khía cạnh khác, nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn cũng đang được kêu gọi đầu tư vào địa bàn huyện Tân Phước. Điển hình là dự án KCN Tân Phước 1 tại xã Tân Lập, có diện tích 470 ha, với vốn đầu tư dự kiến lên đến 2.000 tỷ đồng, tập trung vào các ngành nghề ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thiết bị gia dụng và công nghiệp nhẹ; sản phẩm máy móc và điện tử; chế biến đồ gỗ và trang trí nội thất; thuốc và trang thiết bị y tế; ngành dệt may; các sản phẩm về da; sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, các ngành nghề có kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, dự án kêu gọi đầu tư về chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp tại xã Thanh Hòa, nhằm cải tiến nâng cao chất lượng giống vật nuôi, tạo ra những giống mới phù hợp với Việt Nam cũng đã được giới thiệu. Dự án nhằm phát triển hình thức chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, nhằm tạo ra lượng sản phẩm đồng nhất, đảm bảo tránh gây ô nhiễm môi trường, dễ kiểm soát trong chăn nuôi, với tổng diện tích 200 ha, sản lượng dự kiến 146.700 tấn mỗi năm.

Song song đó, huyện Tân Phước cũng đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng KCN thuộc xã Thạnh Tân, xã Thạnh Mỹ theo mô hình tập trung nhiều loại hình công nghiệp khác nhau, nhiều chủ đầu tư tham gia đầu tư, nhằm thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, đầu tư xây dựng khu liên hiệp sản xuất sạch, các ngành công nghiệp phụ trợ, không gây ô nhiễm môi trường hoặc xử lý chất thải, chất gây ô nhiễm để bảo vệ môi trường…

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho rằng, huyện Tân Phước sẽ tăng cường khai thác tiềm năng đất đai cặp hành lang đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận qua địa bàn huyện; xác định lại diện tích khu vực Quy hoạch công nghiệp Đông Nam Tân Phước, tập trung phát triển nhằm lắp đầy KCN Long Giang; xây dựng hạ tầng phát triển KCN Tân Phước 1 và các cụm công nghiệp Phước Lập, Thạnh Tân... 

THẾ ANH

.
.
.