Xã Thạnh Mỹ: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhiều năm trở lại đây, vùng đất phèn Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước đã có bước chuyển mình đáng kể. Đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, người dân trong vùng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, nên cho năng suất và chất lượng cao. Từ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Cán bộ Hội Nông dân xã thăm ruộng khóm và đậu phộng của anh Trang Hữu Thành (bìa trái). |
20 năm trước, Thạnh Mỹ là vùng đất phèn, hoang sơ, chỉ có cây tràm, bàng, năn. Thế nhưng, về Thạnh Mỹ hôm nay, chúng ta sẽ bắt gặp những ruộng khóm bạt ngàn, những liếp khoai mỡ xanh rì cho năng suất và chất lượng cao. Hàng hóa được giao thương thuận lợi, trên bờ, dưới kinh tấp nập cảnh mua bán, vận chuyển hàng nông sản.
Theo Hội Nông dân xã, Thạnh Mỹ có những chuyển biến như trên là nhờ vào sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân nơi đây trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đạt năng suất cao. Từ đó, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Hiện toàn xã có 2.832 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là diện tích trồng khóm với 896 ha và 420 ha khoai mỡ. Mặc dù giá khóm, khoai mỡ có tăng giảm thất thường so với các năm trước, thế nhưng khóm và khoai mỡ vẫn được người dân nơi đây xác định là cây trồng chủ lực nên diện tích có tăng hơn so với các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Kết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Xã đã được đầu tư hệ thống cống hở, ô đê bao khép kín phòng, chống ngập úng khi mùa mưa, lũ về; xây dựng 15 trạm bơm nước phục vụ cho việc tưới và sinh hoạt.
Ngoài ra, UBND xã và các cấp hội đã tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp cho người dân nắm vững được kiến thức, từ đó áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao”. Hội nông dân xã còn giúp cho nhiều hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT; tiếp tục duy trì và mở rộng các hình thức tạo vốn khác.
Đến thăm gia đình anh Trang Hữu Thành, ấp Mỹ Thiện, anh Thành cho biết, tuy có ảnh hưởng của giá khóm xuống thấp nhưng anh vẫn đầu tư và phát triển cây khóm cùng với cây khoai mỡ, bởi từ lâu 2 cây này giúp gia đình anh tăng thu nhập, có điều kiện lo cho các con ăn học.
Qua tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức, anh còn mạnh dạn trồng xen 8 công đậu phộng, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa làm đất tơi xốp hơn, giúp cho việc trồng khóm, khoai mỡ vụ mới đạt năng suất cao.
Gặp anh Nguyễn Trung Lộc, ấp Mỹ Thiện đang thu hoạch 6 công ớt sừng Châu Phi, anh Lộc cho biết, song song với việc trồng khoai mỡ, anh đã mạnh dạn chuyển sang luân canh cây ớt. Hiện 6 công ớt của anh đang vào vụ thu hoạch, trung bình 1 công ớt cho năng suất 1 tấn/vụ, với giá bán từ 7.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 3 triệu đồng.
Với sự khéo tính toán trong sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật có khoa học nên gia đình anh Lộc đã có được cuộc sống ổn định. Anh Lộc còn mạnh dạn trồng 1 ha mãng cầu xiêm, với 1.000 gốc được 3 tháng tuổi.
Thực tế cho thấy, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân, nên đã mở ra cho Thạnh Mỹ diện mạo mới như hôm nay, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
P. MAI