Thứ Tư, 17/09/2014, 14:05 (GMT+7)
.

2 gương mặt tiêu biểu trong phong trào "Thanh niên lập thân lập nghiệp"

Trong phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”, với sức trẻ và ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế trong thanh niên.

* ANH TRẦN NGỌC THUẬN (ẤP XÓM ĐÌNH, XÃ KIỂNG PHƯỚC, HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG): Khá lên nhờ mô hình nuôi dê

Anh Trần Ngọc Thuận không chỉ nhiệt tình, năng động trong công tác thanh niên, mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình”. Đó là lời nhận xét của anh Phạm Hồng Phong, Bí thư Xã đoàn Kiểng Phước.

Anh Thuận nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thuận nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thuận sinh trưởng trong một gia đình thuần nông. Điều kiện kinh tế gia đình anh không lấy gì làm dư dả. Tốt nghiệp THPT, anh Thuận đành gác việc học để lo phát triển kinh tế gia đình. Năm 2005, anh lập gia đình và được ba mẹ cho 1 con dê nái để “làm vốn”. Chính sự cần cù lao động, đến nay anh Thuận đã khá lên nhờ nuôi dê.

Anh Thuận cho biết, nuôi dê không khó, chỉ cần chịu khó cắt cỏ và làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại là dê phát triển tốt. Anh khoe vừa bán 5 con dê nái, mỗi con trên 6 triệu đồng. Giá dê thịt cũng khá cao, hiện 120 ngànđồng/kg. Anh Thuận chia sẻ: “Nuôi dê không tốn diện tích nhiều, chỉ cần làm chuồng cao khỏi mặt đất sẽ hạn chế được dịch bệnh cho dê. Nuôi dê thịt khoảng 4 tháng là có thể bán, mỗi con từ 30 - 40 kg. Trước đây nuôi dê chỉ bỏ công đi cắt cỏ cho ăn; nay cho dê ăn thêm thức ăn, chi phí chẳng là bao, bù lại dê lớn nhanh”.

Không chỉ đảm đương 5 công đất trồng lúa của gia đình, anh Thuận còn thuê 2 công ruộng trồng ớt, sơ ri và tận dụng đất bờ đê bờ thửa trồng cỏ cho dê ăn.

Sắp tới, anh Thuận tiếp tục phát triển mô hình nuôi dê và dự định mở rộng mô hình nuôi gà và heo rừng.

* ANH LÊ THÀNH LỢI (ẤP TÂN LẬP, XÃ TÂN LÝ ĐÔNG, HUYỆN CHÂU THÀNH): “Đổi đời” nhờ đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản xuất

Dáng người nhỏ nhắn nhưng đôi mắt toát lên vẻ chịu thương, chịu khó, đó là ấn tượng ban đầu chúng tôi gặp anh Lê Thành Lợi, Bí thư Chi đoàn ấp Tân Lập, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành khi Lợi đang cùng gia đình phóng lúa trên mảnh ruộng của gia đình.

Anh Lợi trực tiếp phóng lúa.
Anh Lợi trực tiếp phóng lúa.

Là con thứ trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đông 6 anh em nên Lợi đành rời ghế nhà trường khi vừa học xong bậc THCS để phụ giúp ba mẹ chăm sóc 1 ha ruộng.

Lợi chia sẻ: “Đất này là do ba mẹ cần cù lao động mà mua được, vì thế em phải tìm tòi học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng trên cánh đồng của gia đình. Em đã mạnh dạn chuyển đổi giống lúa OM cho năng suất thấp sang trồng giống C10 cho năng suất khá cao, đạt trên 6 tấn/ha”.

Qua các mùa thu hoạch lúa, Lợi tích lũy mua được máy cày, máy xới và máy tuốt lúa, vào mùa vụ tập hợp thanh niên trong ấp lãnh cày thuê đất cho người dân trong ấp, trong xã. Lợi cho biết: “Mỗi năm em lãnh cày khoảng 30 ha ruộng và phóng lúa mướn khoảng 70 ha, cho tổng thu nhập bình quân mỗi năm 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng”. Ngoài mùa vụ, tranh thủ thời gian rảnh, Lợi còn đi phụ hồ, mỗi năm thu nhập gần 20 triệu đồng.

Ngoài lo kinh tế gia đình, Lợi còn là thủ lĩnh thanh niên gương mẫu trong ấp. Đối với xã Tân Lý Đông, thanh niên đa phần đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Long Giang và Tân Hương, vì thế việc tập hợp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn.

Lợi chia sẻ: “Ban ngày khó tập họp thanh niên. Thế nên tổ chức sinh hoạt chi đoàn, chi hội LHTN hàng tháng vào ban đêm, chủ nhật hoặc ngày lễ. Em đã mạnh dạn tham mưu với chi bộ tổ chức các phong trào, công trình và phần việc thanh niên để thu hút các bạn tham gia. Đến nay, em đã tập hợp được 25 thanh niên trong ấp sinh hoạt và hoạt động thường xuyên”.

Được biết, Lợi sắp hoàn thành chương trình bổ túc bậc THPT và dự định sẽ vay thêm vốn phát triển mô hình chăn nuôi bò.

P. MAI

.
.
.