Thứ Tư, 24/09/2014, 09:04 (GMT+7)
.

8 tháng: Xuất nhập khẩu đạt hơn 191 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8-2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 191,4 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2013, tương ứng tăng 21,31 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt kim ngạch 97,23 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 94,16 tỷ USD.  

Xuất khẩu tăng 14,4%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng qua, xuất khẩu (XK) đạt kim ngạch hơn 97,23 tỷ USD, tăng 14,4%, tương ứng tăng gần 12,24 tỷ USD.

Trong 10 nhóm hàng XK đạt trên 1 tỷ USD thì có 7 nhóm hàng tăng là hạt điều, cà phê, thủy sản, dầu thô, dệt may, giày dép,  điện thoại các loại và linh kiện; 3 nhóm hàng giảm giá gồm gạo, cao sumáy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể:

Hàng dệt may: Trị giá XK nhóm hàng này đạt 13,61 tỷ USD, tăng 19,4%, tương ứng tăng gần 2,21 tỷ USD so với 8 tháng năm 2013 và trở thành nhóm hàng dẫn đầu về đóng góp vào tăng kim ngạch XK của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất đến 31-8-2014 so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh: Báo Hải quan
Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất đến 31-8-2014 so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh: Báo Hải quan

Kim ngạch XK hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,3%; sang EU đạt 2,21 tỷ USD, tăng 25,3%; sang Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD, tăng 11%; sang Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 39,8%. Tính chung, tổng kim ngạch XK nhóm hàng này sang 4 thị trường lớn nhất chiếm tới 85,3% tổng trị giá XK hàng dệt may của cả nước.

Điện thoại các loại và linh kiện: Tổng trị giá XK nhóm hàng này trong 8 tháng đạt 15,18 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013. EU là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam với trị giá đạt 5,47 tỷ USD, tăng 1,1% và chiếm 36% tổng trị giá XK nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất 2,57 tỷ USD, tăng 13,4%; Hoa Kỳ 846 triệu USD, tăng gấp hơn 3 lần...

Giày dép các loại: XK nhóm hàng giày dép đạt 6,69 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK sang thị trường EU đạt 2,33 tỷ USD, tăng 23,9% và chiếm 34,9% kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là XK sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,13 tỷ USD, tăng 24,5%; sang Nhật Bản đạt 354 triệu USD, tăng 35,6%; sang Trung Quốc đạt 334 triệu USD, tăng 37,4%...  

Dầu thô: Lượng dầu thô XK đạt 6,22 triệu tấn, tăng 9,1% và kim ngạch đạt 5,34 tỷ USD, tăng 9,2%. Dầu thô của Việt Nam chủ yếu được XK sang Australia 1,61 triệu tấn, tăng 52,1%; sang Nhật Bản 1,52 triệu tấn, giảm 10,4%; sang Trung Quốc 1,12 triệu tấn, tăng 83,9%...

Hàng thủy sản: Tổng kim ngạch XK lên 5,03 tỷ USD, tăng 25,1% so với 8 tháng năm 2013. Trong 8 tháng qua,  XK thủy sản của Việt Nam chủ yếu sang các thị trường sau: Hoa Kỳ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 32,5%; EU đạt 913 triệu USD, tăng 29,2%; Nhật Bản đạt 734 triệu USD, tăng 7,4%; Hàn Quốc đạt 406 triệu USD, tăng 48,2%...

Cà phê: Tổng kim ngạch cà phê XK đạt 1,27 triệu tấn, trị giá đạt 2,62 tỷ USD, tăng 31,3% về lượng và 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Hạt điều: Tính đến hết tháng 8, lượng XK mặt hàng này đạt 199.000 tấn, tăng 20,2% và trị giá đạt 1,29 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác chính nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam với tổng lượng hạt điều Việt Nam XK vào 2 thị trường này chiếm tới 49% .

Cao su: Tổng lượng XK mặt hàng này đạt 573.000 tấn, giảm 5,7%; trị giá đạt 1,03 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 8 tháng qua, chiếm 41% lượng cao su XK của cả nước. Tiếp theo là Malaysia  và Ấn Độ.

Gạo: Lượng XK gạo là 4,5 triệu tấn, giảm 7,2% và trị giá đạt 2,04 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,56 triệu tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 35% tổng lượng XK gạo của cả nước. XK gạo sang Philippines tăng mạnh 207% về lượng, đạt 1,04 triệu tấn.  

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Tổng kim ngạch XK nhóm hàng này là 6,51 tỷ USD, giảm nhẹ 3,6%. XK nhóm hàng trên sang EU đạt 1,24 tỷ USD, giảm 15,3%; sang Trung Quốc đạt 1,31 tỷ USD, giảm 12,6%; sang Malaysia là 269 triệu USD, giảm 64%. Ngược lại, xuất sang Hoa Kỳ đạt 1,09 tỷ USD, tăng 26,9%; sang Singapore đạt 302 triệu USD, tăng 14%...  

Nhập khẩu đạt 94,16 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (NK) của Việt Nam đạt hơn 94,16 tỷ USD, tăng 10,7%, tương ứng tăng gần 9,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể:

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng lên 14,19 tỷ USD, tăng 21,2%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá là 4,96 tỷ USD, tăng 26,9%. Tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản 2,31 tỷ USD, tăng 21,3%; Hàn Quốc 1,95 tỷ USD, tăng 8,8%…

Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất đến 31-8-2014 và so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh: Báo Hải quan
Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất đến 31-8-2014 và so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh: Báo Hải quan

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong 8 tháng, cả nước nhập khẩu 11,16 tỷ USD, giảm 3%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 10,14 tỷ USD, giảm 4,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là hơn 1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 3,14 tỷ USD, giảm 4,7%. Tiếp theo là Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản.

Xăng dầu các loại: Tính đến hết tháng 8 tháng, cả nước nhập khẩu 6,06 triệu tấn với trị giá là 5,72 tỷ USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Sắt thép các loại: Lượng sắt thép cả nước nhập về là gần 7,06 triệu tấn, trị giá là 4,74 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc là 3,36 triệu tấn, tăng 43,4% và chiếm 47,5% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về; Nhật Bản 1,51 triệu tấn, Hàn Quốc 901.000 tấn.

Phân bón các loại: Tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng 2014 gần 2,49 triệu tấn, giảm 15,3%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam với 1,28 triệu tấn, giảm 8% và chiếm 51,6% tổng lượng phân bón cả nước nhập về.

Nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày: Tính đến hết tháng 8, cả nước nhập khẩu gần 11,2 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 16,7%. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 23,8% và chiếm 39,3% trong tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ.

Ô tô nguyên chiếc: Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong 3 tháng trở lại đây liên tiếp đứng ở mức cao. Tính đến hết tháng 8, cả nước nhập về gần 37.300 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá là hơn 806 triệu USD, tăng 71,5% về lượng và tăng 91,9% về trị giá so với 8 tháng năm 2013.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với 10.300 chiếc, tăng 4,3%. Tiếp theo là Thái Lan hơn 7.400 chiếc, tăng mạnh 64,3%; Trung Quốc gần 7.000 chiếc, tăng mạnh 187%; Ấn Độ 5.800 chiếc (cùng kỳ năm 2013 là 745 chiếc)…

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.