Du lịch Tiền Giang: Thực hiện nhiều giải pháp thu hút du khách
Cùng với xu thế phát triển du lịch trong khu vực và cả nước, những năm gần đây khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng, nhất là khách quốc tế tăng với tốc độ bình quân khoảng 10% và là một trong những tỉnh có tỷ lệ tăng cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2013, tỉnh Tiền Giang đã đón 1.278.000 lượt khách, trong đó có 587.000 lượt khách quốc tế. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, Tiền Giang đã đón 709.348 lượt khách du lịch, tăng 13,20% so cùng kỳ năm trước và đạt 51,15% so kế hoạch năm; trong đó có 308.075 lượt khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lượng khách du lịch đến Tiền Giang tăng trong thời gian qua là do tỉnh có nhiều chương trình hoạt động đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời giao thông đến Tiền Giang cũng đã thuận tiện hơn, nhất là khi có đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Cơ sở hạ tầng du lịch cũng đã được đầu tư như: Chợ đêm ẩm thực Mỹ Tho; Bến tàu du lịch TP. Mỹ Tho gồm có các hạng mục trung tâm điều hành du lịch, sảnh đón khách, nhà trưng bày, nhà thông tin, khu bán hàng lưu niệm, cầu tàu, bãi đậu xe, đường nội bộ, cây xanh… đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào phục vụ du lịch.
Du lịch nghỉ dưỡng, một loại hình du lịch đang phát triển mạnh ở Cái Bè. (Ảnh chụp tại một khu du lịch nghỉ dưỡng của huyện Cái Bè). |
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng được khai thác một cách đa dạng hơn. Hiện có 3 khu du lịch đang được các đơn vị du lịch khai thác và đưa vào chương trình tham quan như: Khu du lịch Cù lao Thới Sơn; Khu du lịch biển Tân Thành; Khu du lịch Cái Bè.
Ngoài ra, còn có Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đã được tỉnh đầu tư giai đoạn 1 bao gồm: Bãi đậu xe, cầu tàu, trạm dừng chân để đón khách du lịch. Hiện tại, khu du lịch này cũng đang mở cửa đón khách. Khai thác du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử như: Chùa Vĩnh Tràng, Đình Long Hưng, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm - Xoài Mút, Lăng Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, Lăng Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải, Di chỉ khảo cổ ốc eo Gò Thành, Bảo tàng Tiền Giang… trong thời gian qua đã được phục dựng, trùng tu, tôn tạo và phát triển mang sắc thái văn hóa lịch sử đặc trưng riêng của từng nhân vật, sự kiện, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, khoa học và đã thu hút khách du lịch.
Trên cơ sở tiềm năng và tài nguyên du lịch, ngành Du lịch Tiền Giang đang khai thác kết hợp các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch lịch sử - văn hóa; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh khách du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch đã thiết kế các tuyến điểm tham quan du lịch mới, nâng chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch như: Liên kết, nối tuyến các điểm tham quan du lịch sinh thái ở Tân Thạch, An Khánh, Cù lao Phụng và Cù lao Qui thuộc tỉnh Bến Tre.
Khu du lịch Cái Bè đã nối tuyến chợ nổi, làng nghề truyền thống, nhà cổ tại Cái Bè với các điểm tham quan du lịch ở cù lao Bình Hòa Phước và du lịch Trường An thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Mở chương trình tour du lịch đến các khu du lịch sinh thái sông nước thì ngoài các tuyến đã khai thác ở Cù lao Thới Sơn, Cái Bè, Biển Tân Thành… đã thiết kế chương trình đưa du khách đến tham quan vườn cây ăn trái ở Vĩnh Kim, Ngũ Hiệp, Tân Phong, chương trình tham gia tát đìa bắt cá ở Cù lao Thới Sơn…
Đặc biệt, ở huyện Cái Bè, loại hình du lịch resort nghỉ dưỡng đang được đầu tư và phát triển mạnh. Mặc dù đây là loại hình du lịch mới đi vào khai thác của tỉnh nhưng hiện thu hút khá nhiều du khách, nhất là khách du lịch quốc tế.
Ngoài việc thiết kế các tour, tuyến tham quan du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch đang thực sự thu hút du khách thì việc phát triển cơ sở ăn uống cũng được ngành Du lịch tỉnh chú trọng phát triển. Hiện trên địa bàn mà tập trung nhiều ở TP. Mỹ Tho có hàng chục nhà hàng có khả năng phục vụ khách du lịch quốc tế như các nhà hàng: Trung Lương, Sông Tiền, Chương Dương, Làng Việt…
Định hướng phát triển du lịch Tiền Giang Định hướng phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2030 là ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, xây dụng hệ thống các sản phẩm du lịch. Đặc biệt là những sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Dự kiến đến năm 2015, Tiền Giang sẽ đón 1.448.500 lượt khách, trong đó có 656.600 lượt khách quốc tế và đến năm 2020 dự kiến đón 2.183.300 lượt khách, trong đó có 964.700 lượt khách quốc tế. |
Song song đó là sự phát triển phương tiện vận chuyển khách du lịch, nếu như năm 1995 chỉ có 71 đò du lịch lớn thì đến nay số lượng này đã tăng lên 643 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy.
Cùng với sự gia tăng của khách du lịch thì hệ thống các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch cũng phát triển với tốc độ nhanh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 234 cơ sở lưu trú gồm khách sạn, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)...
Riêng đơn vị lữ hành thì có 43 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 16 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế.
Năm 2014, dự kiến Tiền Giang sẽ đón 1.386.000 lượt khách du lịch, trong đó có 633.000 lượt khách quốc tế. Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để hoàn thành mục tiêu năm 2014, từ nay đến cuối năm ngành Du lịch Tiền Giang sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và biện pháp chủ yếu như:
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dự án du lịch, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa du lịch; mời gọi đầu tư dự án Khu đón tiếp du lịch đường bộ trên Cù lao Thới Sơn;
Đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường giao thông đến Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười và Khu Thiền Viện Trúc Lâm Chánh giác (huyện Tân Phước); thúc đẩy tiến độ dự án Khách sạn 4 sao MeKong Mỹ Tho, dự án khách sạn 3 sao Cửu Long Plaza, Khu sinh thái nghỉ dưỡng cù lao Thới Sơn, Khu du lịch Mekong River Side, Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành; phối hợp thành lập bộ phận “hỗ trợ khách du lịch” để hỗ trợ du khách; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Tiền Giang cũng sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các Hội chợ triển lãm, các sự kiện du lịch và tiếp các đoàn Famtrip (doanh nghiệp, báo đài, nhà đầu tư…) đến khảo sát để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch Tiền Giang; phối hợp với các ban, ngành thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch, nhất là tình trạng “cò mồi”, câu móc khách, không niêm yết giá tại các khu, điểm du lịch.
PHƯƠNG NGHI
Các dự án đầu tư phát triển du lịch Tiền Giang Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư các dự án phát triển du lịch Tiền Giang, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Tiền Giang đã giới thiệu đến các nhà đầu tư 6 dự án phát triển du lịch Tiền Giang, bao gồm: - Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) có diện tích 11ha, với vốn đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng. - Dự án Khu du lịch thể thao dưới nước Cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) có diện tích 7,5ha, với vốn đầu tư dự kiến 70 tỷ đồng. - Dự án Khu đón tiếp du lịch đường bộ Cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), có diện tích 2,7ha, với vốn đầu tư dự kiến 57 tỷ đồng. - Dự án Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), có diện tích 107ha, với vốn đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng. - Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành - Hàng Dương (huyện Gò Công Đông), có diện tích 64ha, với vốn đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng. - Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông), có diện tích 150,7ha, với vốn đầu tư dự kiến 1.424 tỷ đồng. |