Thứ Hai, 15/09/2014, 15:50 (GMT+7)
.

Hợp tác xã Sơ Ri Gò Công: Trong khốn khó vẫn có hy vọng

Hợp tác xã (HTX) sơ ri Gò Công được thành lập vào năm 2008 với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ trái sơ ri ở khu vực Gò Công. Lúc đầu, HTX có 3 tổ sản xuất gồm Thuận An, Xóm Dinh, Gò Tre với 84 xã viên trên diện tích sản xuất gần 20 ha.

Những năm đầu sau khi thành lập, trong điều kiện cơ sở vật chất gần như không có gì, thiếu vốn, song HTX nỗ lực duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết đầu ra cho trái sơ ri Gò Công.

Cụ thể, từ khi ra đời, HTX tổ chức và duy trì việc thu mua ổn định sơ ri của nông dân, xã viên cung ứng cho Công ty TNHH Thịnh Phát. Đặc biệt, HTX được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất sơ ri theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua Chương trình Hỗ trợ phát triển toàn diện cây sơ ri vùng Gò Công; hỗ trợ và phát triển giống sơ ri Brazil trên địa bàn.

Kết quả, sau thời gian triển khai, ngày 20-11-2012, HTX sơ ri Gò Công cùng với 26 hộ dân sản xuất 8 ha sơ ri được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sơ ri giống Brazil được mở rộng diện tích lên đến 7 ha.

HTX sơ ri Gò Công khó khăn trong tiêu thụ dẫn đến người trồng sơ ri  bán cho HTX cũng gặp khó.
HTX sơ ri Gò Công khó khăn trong tiêu thụ dẫn đến người trồng sơ ri bán cho HTX cũng gặp khó.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tình hình tiêu thụ sơ ri của HTX gặp rất nhiều khó khăn do Công ty TNHH Thịnh Phát thu mua hạn chế và không ổn định. Sơ ri khó tiêu thụ, nông dân lại đốn bỏ cây đặc sản của vùng.

Chị Nguyễn Thị Trúc Hương, ấp Xóm Dinh, xã Long Thuận, cho biết, trước đây HTX thu mua đều đặn sơ ri của nông dân với giá 4.000 – 4.500 đồng/kg. Song, từ năm 2012 trở đi, HTX thu mua rất hạn chế, thậm chí có thời điểm không mua sơ ri nên gây nhiều khó khăn cho người trồng. “Nhà tôi có trồng 40 gốc sơ ri Gò Công, 60 gốc sơ ri ngọt.

Trước đây, trung bình mỗi tháng vườn sơ ri của gia đình cho thu hoạch bán được 2 triệu đồng. 2 năm qua, mỗi tháng tôi chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Có thời điểm, nhiều tháng liền sơ ri rụng đỏ vườn mà không bán được hoặc bán rất ít. Thời điểm đó, có nhiều diện tích sơ ri trong vùng bị đốn nhưng tôi không nỡ đốn cây trồng đã gắn bó với gia đình bao nhiêu năm nay nên còn để lại đến giờ” - chị Hương bày tỏ.

HTX sơ ri Gò Công hoạt động chủ yếu mua sơ ri của nông dân cung ứng cho doanh nghiệp tiêu thụ để ăn hoa hồng mỗi kg 500 đồng. Việc tiêu thụ sơ ri không tốt trong thời gian qua đã gây cho HTX rất nhiều khó khăn.

Bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX, cho biết, trước đây chỉ có Công ty Thịnh Phát thu mua sơ ri nên giá cả, đầu ra tương đối ổn định. Năm 2012, một công ty của Nhật Bản hợp tác với địa phương, đơn vị xây dựng trung tâm nghiên cứu canh tác cây sơ ri, sau đó xây dựng nhà máy tại huyện Gò Công Đông, người dân trồng sơ ri ở thị xã rất phấn khởi trước thông tin này vì có cơ hội mở rộng đầu ra cho trái cây đặc sản.

Thế nhưng cũng từ đây, HTX sơ ri Gò Công và người trồng sơ ri thị xã bắt đầu gặp khó khăn do Công ty TNHH Thịnh Phát chỉ thu mua sơ ri theo đơn đặt hàng nên rất hạn chế và không ổn định; giá lại thấp hơn giá mà công ty của Nhật Bản thu mua.

Từ đó, nhiều mối cung ứng sơ ri của HTX “chạy” sang bán cho công ty này. HTX cũng đã đến liên hệ với công ty của Nhật Bản để hợp đồng tiêu thụ nhưng chưa được do một mặt HTX thuộc địa bàn TX. Gò Công; mặt khác công ty lo ngại nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ không tiêu thụ hết sơ ri.

Đây là lý do thời gian qua, lượng sơ ri mà HTX thu mua của nông dân giảm rất mạnh. “Năm 2011, HTX thu mua 630 tấn sơ ri của nông dân, sang năm 2012 chỉ thu mua trên 156 tấn và năm 2013 là 120 tấn. Từ đầu năm 2014 đến nay, HTX chỉ mới thu mua được trên 30 tấn.

Hệ quả của khó khăn đầu ra là trong năm 2012, 2013, nhiều diện tích trồng sơ ri đã bị đốn, trong đó có diện tích sơ ri của xã viên HTX.

Từ 84 xã viên với 20 ha sản xuất sơ ri ban đầu, đến nay HTX chỉ còn trên 30 xã viên với diện tích ước còn không đến 10 ha” - bà Tuyết bày tỏ. Trước những khó khăn trên, HTX cũng đã nỗ lực tiếp cận nhiều đầu mối tiêu thụ sơ ri để giải quyết phần nào sản lượng sơ ri của nông dân nhưng vẫn không giải quyết hết.

Cũng trong giai đoạn khó khăn này, thời hạn 1 năm đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đã hết, việc tái chứng nhận tiêu chuẩn này đã không được thực hiện.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đầu ra của trái sơ ri đang có dấu hiệu khả quan trở lại. Bà Tuyết cho biết, hiện nay triển vọng về đầu ra cho trái sơ ri đang có hướng phục hồi; bởi qua trao đổi với Công ty TNHH Thịnh Phát vừa qua, doanh nghiệp này cho biết đã tìm được đối tác tiêu thụ sơ ri nên trước mắt sẽ thu mua ổn định sơ ri của HTX từ nay cho đến hết năm.

Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm HTX cũng đang nỗ lực xúc tiến mở rộng kênh tiêu thụ như đưa sơ ri chào hàng và tiêu thụ ở các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương qua cá nhân, doanh nghiệp trung gian. Đặc biệt, HTX đang có cơ hội tăng sản lượng cung ứng sơ ri cho Liên hiệp HTX Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang dùng chế biến nước ép (Liên hiệp vừa được một tổ chức  của Canada hỗ trợ vốn xây dựng hệ thống máy ép trái cây). Với những nỗ lực trên, bà Tuyết hy vọng thời gian tới tình hình tiêu thụ sơ ri của HTX sẽ được cải thiện.

HTX sơ ri Gò Công là HTX đầu tiêu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trái sơ ri ở Gò Công nhằm vực dậy cây đặc sản của xứ Gò. Những năm qua, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ HTX phát triển nhưng đến nay HTX vẫn loay hoay tìm hướng đi, nhất là đầu ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng cũng như phát triển bền vững cây đặc sản xứ Gò.

Để giữ vững và phát triển ổn định cây đặc sản này, bên cạnh sự nỗ lực của HTX, các ngành, các cấp cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cho HTX; thúc đẩy hình thành mối liên kết dọc (doanh nghiệp với đại diện nông dân), liên kết ngang (doanh nghiệp với doanh nghiệp, nông dân với nông dân) chặt chẽ.

NGÔ VĂN

.
.
.