Một chủ doanh nghiệp với những sáng chế hữu ích trong ngành cấp nước
Hơn 35 năm gắn bó với nghề cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (SHNT), chú Phạm Văn Thăng (ấp Tân Phú, xã Tân Hương, huyện Châu Thành) đã sáng chế ra nhiều dụng cụ, thiết bị hữu ích phục vụ ngành cấp nước như:
Dụng cụ súc rửa ống nước trong lòng đất, dụng cụ xả hơi trong đường ống của hệ thống bơm nước giếng, thiết bị báo thức chống trộm cắt dây điện, thiết bị khoan để lắp ống nước trong lòng đất… nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế và hiệu quả mang lại rất thiết thực.
Chú Thăng bên cạnh hệ thống đường ống được lắp dụng cụ xả hơi. |
Chú Thăng cho biết, sau khi bôn ba với nhiều nghề như: Trước năm 1975, mở trường dạy học ở Sài Gòn (Trường tư thục Thái Dương), sau năm 1975, chú về quê và chuyển sang kinh doanh nghề vận tải. Thời điểm đó, nhận thấy các hộ dân sống cặp Quốc lộ 1A (thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Hương) phải vất vả đi gánh nước từ rạch ông Đạo (chảy qua cầu Tân Hương) về sử dụng, vừa tốn thời gian, công sức, chất lượng nước lại không bảo đảm vệ sinh... nên chú quyết định khoan 1 giếng tầng sâu để cung cấp nước miễn phí cho bà con sử dụng.
Nhận thấy việc cung cấp nước hợp vệ sinh là việc làm có ý nghĩa về mặt xã hội; có thể mang lại hiệu quả kinh tế do nhu cầu sử dụng nước của người dân ở khu vực nông thôn là rất lớn nên năm 1979, chú tiến hành xây dựng Trạm cấp nước SHNT đầu tiên ở xã, đến năm 2001 chú làm thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân Quốc An và chuyển hẳn sang nghề cung cấp nước SHNT.
Hiện doanh nghiệp của chú quản lý, khai thác 3 trạm cấp nước phục vụ nhu cầu cho trên 1.000 hộ dân (xã Tân Hương và một phần xã Tân Lý Tây) với đường ống chính dẫn nước có tổng chiều dài 2.000 m (Ø60 và Ø90). Trong quá trình cấp nước, người dân phản ánh chất lượng nước lâu lâu bị đục và có nhiều cặn, màng như rong…
Qua kiểm tra thực tế, chú nhận thấy, do một số tạp chất tích tụ lâu ngày trong đường ống đã tạo nên tình trạng trên. Năm 2013, được tham dự hội nghị do tổ chức Đông Tây hội ngộ (East Meets West Foundation) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng cấp nước sông Đà phối hợp tổ chức tại TP. Cần Thơ (hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nước từ 50 - 70% chi phí gắn đồng hồ nước cho hộ nghèo), chú đã đặt câu hỏi và được một diễn giả tư vấn: “Sử dụng sút (NaOH)2, pha với sôđa ngâm trong ống chứa đầy nước 36 giờ rồi xả ra, lòng ống sẽ được làm sạch”.
Việc tư vấn này mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng nghĩ kỹ lại, chú cảm thấy không ổn bởi khi ngâm hóa chất trong đường ống, nó sẽ đi vào các nhánh rẽ, nếu chẳng may người dân xả nước sử dụng thì hậu quả khó lường.
Trên đường từ hội nghị về nhà, liên tưởng đến miếng bùi nhùi do mấy bà nội trợ sử dụng để chùi lọ nồi, cặn khét… Về đến nhà chú bắt tay vào thực hiện ngay ý tưởng của mình. Đầu tiên chú kết các miếng bùi nhùi (loại dày, có may bìa) và độn mút (bông lau bảng) ở giữa để tạo thành những quả bóng tròn (súc ống Ø60, chú kết 3 miếng; đối với ống Ø90, sử dụng 4 miếng; quả bóng có đường kính lớn hơn đường kính trong của ống khoảng 2 cm để đảm bảo làm sạch triệt để rong, cặn…).
Khi tiến hành súc, chú sử dụng sợi nhợ gân buộc chặt vào quả bóng để có thể kéo ra khi chẳng may nó bị nghẹt giữa chừng. Tuy nhiên, kết quả đạt được thật tuyệt vời, với áp lực đủ mạnh của mô - tơ bơm nước, quả bóng vừa di chuyển, vừa làm sạch mặt trong của ống và đẩy toàn bộ cặn bã, tạp chất qua cửa xả (tại chữ T có lắp nắp đậy).
Sử dụng từ 3-4 quả bóng này, chú có thể tiến hành súc rửa đường ống có chiều dài 500 m chỉ trong 10 phút. Quả bóng này ngoài tác dụng vệ sinh đường ống, nó còn góp phần hỗ trợ việc dò tìm đường ống bị nghẹt (mốp, giẹp) do rễ cây chèn ép hay do nguyên nhân khác. Khi đường ống bị mốp, giẹp, quả bóng không thể đẩy tạp chất qua cửa xả chữ T, công nhân bảo trì có thể dò tìm và xác định vị trí đường ống bị nghẹt để xử lý.
Chú Thăng bên cạnh các quả bóng làm sạch đường ống và dụng cụ xả hơi trong lòng bơm. |
Để bảo đảm an toàn cho đường ống dẫn nước của hệ thống giếng bơm, chú còn sáng chế ra dụng cụ xả hơi trong lòng bơm. Dụng cụ này hoạt động theo nguyên lý: Khi mô - tơ khởi động để bơm nước, áp lực tăng đột ngột, dụng cụ này bảo đảm cho lượng hơi còn tồn trong đường ống thoát ra ngoài nhanh chóng (thông qua lúp - pê một chiều), giúp đường ống an toàn (không bị nổ khi áp lực tăng cao). Ngược lại, khi mô - tơ ngừng hoạt động, áp lực giảm, kéo không khí đi ngược vào trong đường ống, bảo vệ đường ống không bị giẹp, mốp.
Đặc biệt, chú còn nghiên cứu và sáng chế ra thiết bị báo thức chống trộm cắt dây điện rất hiệu quả. Thiết bị này gồm 1 khởi động từ, 1 bình ắc - quy Honda 12V, 2 cầu dao tự động, 1 còi Honda, 1 công tắc và 1 cần sắt (dùng đóng, mở công tắc).
Khi dây điện nối từ trụ hạ thế vào nhà bị cắt, khởi động từ sẽ tác động vào cần sắt để mở công tắc làm còi kêu liên tục để báo động. Sáng kiến này nảy sinh khi cách nay không lâu chú hay tin trường hợp 1 cháu bé trong xã đạp phải dây điện và bị giật chết do kẻ gian cắt trộm từ tối hôm trước nhưng chủ nhà không phát hiện.
Ngoài ra, chú còn sáng chế ra một số dụng cụ, thiết bị rất tiện lợi được sử dụng trong ngành cấp nước như: Cây khượi ống để tận dụng các co, đầu nối, chữ T; dụng cụ định vị bơm chìm trong lòng giếng; dụng cụ khoan đất để lắp ống nước băng qua đường, đi qua nhà dân (có thể khoan được đoạn dài đến 50 m) mà không cần đào…
YẾN HUỲNH