Thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng trường hợp vi phạm nghiêm trọng
Ngày 29-7-2014, Bộ Công Thương triển khai Kế hoạch 7105/KH-BCT về việc tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Xung quanh việc thực hiện kế hoạch này, cùng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả trên địa bàn Tiền Giang trong thời gian qua, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục Trưởng Chi cục QLTT Tiền Giang.
* Phóng viên (PV): Xin ông đánh giá về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong 8 tháng qua?
* Ông Đỗ Văn Phước: Trong 8 tháng qua, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Tiền Giang có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động, tích cực trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết quả, đã thực hiện kiểm tra 5.200 vụ (đạt 81% kế hoạch năm), phát hiện và xử lý 1.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 19 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra 2.750 vụ (đạt 67% kế hoạch năm), phát hiện và xử lý vi phạm 760 vụ, thu nộp ngân sách 6 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT kiểm tra phân bón xâm phạm sở hữu trí tuệ. |
Đáng chú ý là vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tăng đáng kể về số vụ và số lượng. Điển hình, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 trường hợp vận chuyển 6.250 bao thuốc lá ngoại nhập lậu bằng 2 vỏ lãi, khi bị phát hiện, đối tượng nhảy xuống sông bỏ trốn. Trường hợp khác, cơ quan chức năng đã phát hiện và đề nghị truy tố 1 vụ vận chuyển 1.890 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu các loại.
Bên cạnh đó, các lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biển Gò Công còn phát hiện 1 vụ vận chuyển, mua bán 8.544 lít dầu DO (trị giá 174 triệu đồng) không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Gần đây, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, tạm giữ 60 chiếc xe đạp thể thao do Trung Quốc sản xuất và hơn 2 m3 gỗ căm xe (tổng trị giá hàng hóa khoảng 200 triệu đồng) được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về TP. Cần Thơ tiêu thụ nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, vụ việc đang được xử lý theo quy định.
Vi phạm về hàng giả tiếp tục diễn ra, đã xuất hiện tình trạng sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto; sản xuất thức ăn chăn nuôi giả; kinh doanh giấy vệ sinh giả nhãn hiệu của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn; máy tính giả mạo nhãn hiệu Casio…
Gian lận thương mại phổ biến là vi phạm về thuế, giá (không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng…), nhãn hàng hóa (không có nhãn, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc, hàng ngoại nhập không có nhãn phụ bằng tiếng Việt…), sử dụng phương tiện đo không tem kiểm định, có tem kiểm định hết hiệu lực. Hàng hóa vi phạm gồm thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng, quần áo, phân bón, thức ăn chăn nuôi, mũ bảo hiểm...
* PV: Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của đợt tuyên truyền lần này theo Kế hoạch 7105 của Bộ Công Thương?
* Ông Đỗ văn Phước: Mục đích của Kế hoạch 7105 là tiếp tục phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thực hiện cam kết không kinh doanh hàng giả, phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng; mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng; hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm; hàng ngoại nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ nhằm góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong các tháng cuối
năm 2014.
* PV: Kế hoạch của Quản lý thị trường Tiền Giang hưởng ứng đợt tuyên truyền đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lần này như thế nào, thưa ông?
* Ông Đỗ Văn Phước: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch 475/KH-QLTT ngày 5-9-2014) và triển khai thực hiện.
Kế hoạch gồm có các nội dung cơ bản sau: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Đài truyền thanh các huyện, thành, thị, Báo Ấp Bắc) tổng cộng 54 lượt.
Nội dung tập trung phổ biến các quy định pháp luật về thương mại, về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, chế độ hóa đơn chứng từ, điều kiện kinh doanh, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực: phân bón, hàng giả, hàng lậu, sở hữu công nghiệp…
Tổ chức tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra thị trường tổng cộng 350 lượt. Trong quá trình kiểm tra thị trường, các kiểm soát viên thuộc các Đội Quản lý thị trường trực tiếp phổ biến đến các đối tượng được kiểm tra các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng, nhãn hàng hóa, hàng lậu, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...
Ngoài ra, còn vận động 2.000 tổ chức, cá nhân (tập trung các siêu thị, trung tâm thương mại; các mặt hàng thuốc lá, nón bảo hiểm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm...) trên địa bàn tỉnh thực hiện việc ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.
* PV: Theo ông, trong thời gian tới, để đợt tuyên truyền công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đạt hiệu quả cần tập trung những giải pháp nào?
* Ông Đỗ Văn Phước: Để đợt tuyên truyền công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đạt hiệu quả, cần tập trung những giải pháp:
- Ngoài tuyên truyền, phổ biến của lực lượng Quản lý thị trường, các ngành chức năng, nhất là các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, vận động trong lĩnh vực quản lý của mình. Nội dung tuyên truyền phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Làm tốt công tác quản lý địa bàn, kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, nhất là các kiến nghị, phản ảnh của người tiêu dùng.
- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vào để tiêu thụ. Kế đến, người tiêu dùng cần phải nhận thức được rằng sử dụng sản phẩm giả có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mình để cảnh giác, thận trọng. Phối hợp tốt với cơ quan chức năng mạnh dạn tố giác các đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm để xử lý kịp thời.
- Doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và đặc biệt là phải có giải pháp hữu hiệu để chống làm giả cho sản phẩm của mình. Xây dựng lực lượng để chống làm giả, bảo vệ thương hiệu cho mình và nhất là phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong việc điều tra, phát hiện, xử lý khi có sản phẩm bị làm giả. Cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
* PV: Xin cảm ơn ông!
DUY SƠN (thực hiện)