Chủ động đề phòng những cơn bão mạnh vào cuối mùa
Những tháng cuối năm là thời điểm lũ, bão diễn biến rất phức tạp. Trước tình hình này, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB-TKCN) tỉnh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB về công tác phòng, chống lũ, bão trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề trên, ông Pháp cho biết:
Theo dự báo, năm nay lũ ở dạng vừa và nhỏ với mực nước cao nhất tại Tân Châu xấp xỉ báo động 3. Tại Tiền Giang, mực nước lũ ở khu vực phía Tây của tỉnh xấp xỉ năm 2013 và thời gian xuất hiện lũ cũng tương đương năm rồi.
Mặc dù vậy, điều cần quan tâm là lũ theo dòng chính kết hợp với triều cường biển Đông đẩy nước dâng cao vào các ngày rằm, mùng 1 có thể gây tràn đê, ngập đường, gây sạt lở đê, đặc biệt đối với khu vực Nam Quốc lộ 1A (những năm qua đã từng xảy ra).
Cần lưu ý, thời điểm lũ đạt đỉnh, lượng mưa thường rất cao có thể gây ngập úng các ô bao, địa phương và người dân cần chuẩn bị máy bơm chống úng.
Đối với bão, theo dự báo, số lượng cơn bão hoạt động ở biển Đông cũng như số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta năm nay ít hơn mọi năm, nhưng nhiều cảnh báo cho rằng có thể có những cơn bão mạnh, có hướng đi phức tạp trong thời gian ngắn, tập trung vào cuối năm. Từ đó cho thấy, việc chủ động các biện pháp ứng phó với mọi tình huống của lũ, bão trong thời gian tới là rất cần thiết.
* Phóng viên (PV): Các biện pháp phi công trình và công trình có tác dụng rất lớn trong ứng phó và phòng, chống bão, lũ. Thời gian qua, nhiều biện pháp trên được triển khai thực hiện. Vậy đến nay, các biện pháp đó thực hiện đến đâu và có thể đưa vào sử dụng ứng phó ở mức độ nào, thưa ông?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Phòng, chống lũ, bão là công tác thường xuyên và theo mùa. Hàng năm, tỉnh chỉ đạo cho các huyện, thị, thành triển khai các lớp tập huấn cộng đồng; kiện toàn và nâng cao năng lực của BCH các cấp. Đặc biệt, theo Luật Phòng, chống thiên tai mới bắt đầu có hiệu lực, BCH tỉnh yêu cầu các địa phương kiện toàn BCH các cấp theo quy định mới.
Để ứng phó với siêu bão trong khi Trung ương chưa có hướng dẫn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống đối với siêu bão. Đến nay, BCH đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia để xây dựng phương án trên. Hiện nay, phương án đang trong quá trình hoàn thiện, sau đó trình UBND tỉnh phê duyêt.
Đối với biện pháp công trình, khu neo đậu tàu thuyền trú bão ở Vàm Láng do Trung ương đầu tư đến nay đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng tiếp nhận khoảng 200 tàu thuyền vào trú khi có bão. Còn khu neo đậu trú bão ở Đèn Đỏ do tỉnh đầu tư theo nguồn vốn ngân sách hàng năm, đến nay có thể tiếp nhận khoảng 200 tàu thuyền vào trú bão.
Đối với đê biển, tỉnh đã tiến hành kè những đoạn đê bị mất rừng; gia cố mặt đê biển. Song song đó, các công trình đường, đê để phục vụ cho dân đi tránh, trú bão đang được các ngành, các cấp rà soát để tiến hành duy tu, sửa chữa; rà soát mức độ an toàn các điểm sơ tán dân trú bão. Trong tháng 9 này, những công việc trên phải hoàn thành.
Đối với vùng lũ, từ tỉnh đến các địa phương, cơ sở đã cho xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ khắc phục các điểm sạt lở đê; đóng các cống, đập bảo vệ sản xuất, dân sinh. Về phía tỉnh, đến trung tuần tháng 9 này, các đập tạm do tỉnh quản lý đã được tiến hành hoàn tất, còn các cống, đập, các điểm sạt lở thuộc trách nhiệm của địa phương cũng đã và đang tiến hành. Mặc dù năm nay khu vực phía Tây của tỉnh có một số diện tích lúa hè thu thu hoạch trễ so với yêu cầu phòng tránh lũ an toàn, nhưng đa số những diện tích này nằm trong ô đê bao nên sẽ không bị thiệt hại.
* PV: Vừa qua, BCH PCLB - TKCN tỉnh có tổ chức hội thảo lấy ý kiến để xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh. Sau hội thảo, BCH đã rút ra những điều gì để xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh phù hợp và hiệu quả?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Qua hội thảo, chúng tôi đã rút ra được một số bài học ứng phó với bão mạnh, nhất là siêu bão. Bài học thứ nhất, khi dự báo siêu bão sẽ đổ bộ vào khu vực, chúng ta dứt khoát phải sơ tán dân, không chỉ sơ tán dân sống bên ngoài đê vào trong đê mà còn phải sơ tán vào sâu trong đê. Vấn đề đặt ra là có thể sơ tán dân vào sâu cách đê khoảng 1,5 km. Và trong những trường hợp này, nếu cần thiết, chúng ta phải cưỡng chế buộc dân đi sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão đến.
Trước đây, chúng ta chỉ xây dựng phương án phòng, chống bão từ cấp 8, cấp 9 trở xuống nên chưa thể lường hết sức công phá của bão mạnh, siêu bão. Kinh nghiệm từ siêu bão Haiyan gây ra tại Philippin cho thấy, ngoài gió và mưa, siêu bão còn làm cho nước biển dâng. Theo các tính toán, khi siêu bão diễn ra, nước biển dâng có thể vượt qua đê biển hiện tại ở huyện Gò Công Đông nên cần di dời dân ở những nơi này đến nơi an toàn. Đối với huyện Tân Phú Đông, nhiều khu vực không có đê, việc di dời dân cần thực hiện sớm.
Bài học thứ hai, ngoài nước biển dâng do bão, nước dâng còn do tác động của triều, lượng nước dồn nén theo hướng gió của bão có thể gây ngập sâu hơn. Việc di dời dân đến đâu là an toàn cần tính đến các yếu tố này. Một vấn đề đặt ra nữa, các ụ, khu neo đậu tàu thuyền trú bão có thực sự an toàn khi siêu bão đến không (nhiều trường hợp tàu thuyền không bị chìm, hư hại do bão mà do va đập ở khu neo đậu) hay tàu thuyền chạy sâu vào các con sông, kinh rạch để trú sẽ an toàn hơn cũng cần tính toán.
* PV: Để chủ động ứng phó với bão, lũ nói chung và siêu bão nói riêng một cách hiệu quả, giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Các tháng cuối năm là mùa mưa bão, lũ chính vụ ở khu vực Nam bộ. Chính vì thế, các ngành, các cấp đã và đang thường xuyên chỉ đạo, chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống bão, lũ. Trước hết, công tác trực ban phải tuân thủ đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình mới, công trình sửa chữa, kiểm tra độ an toàn của các công trình phục vụ cho phòng, chống lũ, bão, kiểm tra đê điều; tổ chức lực lượng ứng trực, theo dõi các nơi xung yếu, sạt lở, lên kế hoạch sửa chữa và tiến hành sửa chữa kịp thời những nơi này; thường xuyên cập nhật thông tin dự báo về bão, lũ để kịp thời ứng phó.
Các địa phương tiến hành rà soát lực lượng, phương tiện để có hướng cân đối và bổ sung kịp thời khi thiếu hụt; củng cố lực lượng tìm kiếm cứu nạn; có phương án bảo quản an toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, công sở, nhất là máy tính; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về phòng, chống bão, lũ.
Bão bao giờ cũng kèm theo mưa lớn, mưa liên tục kéo dài, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ máy bơm chống úng; thực hiện diễn tập phòng, chống lụt bão theo kế hoạch nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, cán bộ, công chức cũng như công tác phối hợp thực hiện. Mùa chính vụ bão, lũ cũng là thời điểm học kỳ 1 của năm học, các địa phương cần tổ chức lực lượng đưa rước học sinh, tổ chức các điểm giữ trẻ khi lũ lớn xảy ra…
* PV: Xin cảm ơn ông!
N.VĂN (thực hiện)