Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng để hình thành thương hiệu du lịch
Những năm gần đây, xu hướng đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi, nhất là đối với khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, tìm hiểu bản sắc văn hóa bản địa và hòa mình vào cuộc sống cộng đồng ở những vùng nông thôn.
Tiền Giang với nhiều điểm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn đang là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, hàng năm đón bình quân 1 triệu lượt khách du lịch (năm 2013 đón 1.278.000 lượt khách, trong đó có 586.900 khách quốc tế).
Chợ nổi Cái Bè. |
Cũng như các tỉnh Nam bộ, dù có nhiều tiềm năng về du lịch, với những sản phẩm khá đa dạng, phong phú, nhưng do điều kiện tự nhiên, sản phẩm du lịch khai thác của tỉnh thường trùng lắp, chưa tạo được thương hiệu riêng để tạo nét khác biệt nhằm hấp dẫn du khách.
Song, bên cạnh những nét tương đồng với các tỉnh, Tiền Giang cũng có những lợi thế riêng để phát triển. Đó là, tài nguyên du lịch phong phú: Biển Gò Công với 32 km bờ biển; trên 60.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản, nằm trải dài theo dòng sông Tiền với chiều dài khoảng 120 km; rừng ngập nước vùng Đồng Tháp Mười của huyện Tân Phước, với khu bảo tồn sinh thái 107 ha rừng tràm; có Trại rắn Đồng Tâm (chỉ có duy nhất ở miền Nam); nhiều làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông; cùng với 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia... thuận lợi cho hoạt động du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn vùng ĐBSCL.
Định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 là ưu tiên phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là với thị trường khách quốc tế. Dự kiến đến năm 2015 Tiền Giang sẽ đón 1.448.000 lượt khách du lịch, trong đó có 656.000 lượt khách quốc tế và đến năm 2020 dự kiến đón 2.183.000 lượt khách, trong đó có 965.000 khách quốc tế.
Thực tế phát triển du lịch ở Việt Nam những năm qua đã cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng hệ thống sản phẩm đặc thù riêng, mang tính vùng, miền nhằm hạn chế tính trùng lắp sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, đặc biệt là trong thời kỳ du lịch Việt Nam đang hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.
Vì vậy, tỉnh Tiền Giang đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch, trên cơ sở khai thác lợi thế chủ yếu của 3 vùng sinh thái tự nhiên, kết hợp với bản sắc văn hóa mỗi địa phương, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng nhóm đối tượng khách du lịch. Cụ thể:
Vùng sinh thái nước ngọt sự phát triển sản phẩm chủ yếu ở 2 khu vực: Khu du lịch cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), dựa vào lợi thế cảnh quan sông nước, miệt vườn phát triển các dịch vụ du lịch đa dạng, với sự tham gia của cộng đồng như:
Du thuyền trên sông Tiền, đi đò chèo trong kinh - rạch, nghe đờn ca tài tử, tham gia tát mương bắt cá, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực địa phương… gắn các di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, chùa Vĩnh Tràng, tham quan Trại rắn Đồng Tâm…
Tham quan cù lao Thới Sơn. |
Khu du lịch sinh thái huyện Cái Bè: Dựa vào tiềm năng về điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương để khai thác các dịch vụ như: Tham quan chợ nổi, vườn cây ăn trái đặc sản, làng nghề truyền thống; đặc biệt là trải nghiệm nghỉ đêm trong các ngôi nhà ở làng cổ Đông Hòa Hiệp (dịch vụ homestay đặc trưng Tiền Giang - các ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm) để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt truyền thống mang bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam bộ.
Vùng sinh thái ngập nước: Phát triển Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, với cánh đồng mênh mông, hệ sinh thái vùng ngập nước độc đáo, cùng với Khu “Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác” (có quy mô 30 ha, lớn nhất ở miền Nam) sẽ mở ra tour du lịch với sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng, kết hợp giữa chốn tôn nghiêm thanh tịnh với vùng sinh thái dân dã, thanh bình, vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch.
Vùng sinh thái ngập mặn: Phát triển Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành, với bãi biển Tân Thành - Hàng Dương, các cánh rừng phòng hộ ven biển và nguồn tài nguyên du lịch biển khá phong phú, độc đáo. Phát triển các dịch vụ như tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức các món ăn hải sản kết hợp tham quan di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống mang nét đặc trưng biển; đồng thời thuận lợi liên kết tour với biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và biển Vũng Tàu.
Với điều kiện thuận lợi, tiềm năng du lịch đa dạng, trong định hướng tới, Tiền Giang sẽ tăng cường đầu tư phát triển, tạo sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng Tiền Giang và có thể là sản phẩm tiêu biểu của vùng ĐBSCL để thu hút khách du lịch.
TẤN PHONG