Thứ Sáu, 26/09/2014, 14:31 (GMT+7)
.

Tân Hòa Thành (Tân Phước): 2 phụ nữ làm kinh tế hộ giỏi

Những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ vốn vay, nhiều phụ nữ của xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) đã phát triển kinh tế hộ gia đình với các mô hình: nuôi bò thịt, bò sữa, trồng hoa màu, nuôi trăn, cá sấu, cút, trồng nấm… qua đây có nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Chị Đỗ Thị Hên với mô hình trồng nấm bào ngư xám

Đến tham quan trại nấm của chị Hên mới thấy hết những vất vả, vì trồng nấm cũng rất công phu và đúng quy trình khoa học; nấm mọc ra và phát triển liên tục, thu hoạch 2 - 3 lần/ngày; phải giữ nhiệt từ 30 độ trở xuống, nắng gắt phải phun nước từ 3 - 4 lần/ngày, cho độ ẩm vừa đủ để nấm con ra.

ss
Chị Đỗ Thị Hên thu hoạch nấm.

Thức khuya, dậy sớm chăm sóc nấm, chị còn phải hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Chị chia sẻ: “Đi nhiều nơi, thấy trồng nấm có thu nhập khá, chị học hỏi và năm 2003 bắt tay vào trồng, lúc đầu chỉ vài ngàn bịch phôi, nhưng đầu ra cũng rất khó khăn vì bà con chưa quen ăn loại nấm này. Chị chịu khó giới thiệu, chỉ cách dùng nấm trong các món ăn gia đình, các quán ăn…

Hiện nay chị đã có nhiều mối tiêu thụ ở trong, ngoài tỉnh như cơ quan, công ty, các hộ gia đình; còn trại nấm của chị phát triển được 2 dãy, chứa 10 ngàn bịch phôi”.

Chị Hên cho biết, trồng nấm không nặng nhọc nhưng tốn công chăm sóc, cần có mặt bằng che trại, am hiểu kỹ thuật trồng và vốn đầu tư mua phôi (hiện tại 5.000 đồng/1 bịch phôi, cho ra nấm trong vòng 3 tháng). Sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi trên 3.000 đồng/1 bịch phôi. Học hỏi mô hình của chị Hên, hiện nay ở Tân Phước đã có 4 hộ phát triển mô hình trồng nấm bào ngư xám.

Chị Chín Võ giỏi nghề chăn nuôi

Bà con ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành quen gọi chị Trần Ngọc Chơi theo tên chồng là chị Chín Võ. Nhờ mô hình chăn nuôi mà chị đã thoát nghèo bền vững.

Chị tâm sự : “Hồi mới cưới nhau, từ thành phố về nên không biết nghề nông, chị đan len còn anh làm ruộng. Các con ra đời cuộc sống càng vất vả. Khi vào Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị được hỗ trợ vốn vay để mở sạp bán tạp hóa và nuôi 1 con heo. Thấy chị làm ăn khấm khá, Hội lại xét cho vay vốn cao hơn và chị chuyển sang nuôi cá sấu… Song do nuôi cá sấu không hiệu quả cao, chị chuyển sang nuôi bò thịt, nuôi cút thịt và nuôi trăn”.

Chị Trần Ngọc Chơi chăm sóc bò.
Chị Trần Ngọc Chơi chăm sóc bò.

Cút thịt thì chỉ nuôi 40 ngày đã xuất chuồng bán được giá không dưới 60 ngàn đồng/kg. Trong trại lúc nào cũng có 500 con cút, bán cho thợ nấu ăn hoặc nhà hàng, còn dư làm mồi nuôi trăn. Riêng trăn nuôi đến 6 tháng đã bán được trăn thịt khoảng 6 kg/con thì có lãi được 1 triệu đồng, nhưng trăn lớn không đều, có con phải đến 7 tháng hoặc 1 năm tăng trọng 6 kg.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, chị còn nuôi dạy con tốt, gia đình luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Từ một hội viên tích cực, năm 2002 chị Chín được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ của ấp Tân Quới.

Chị nói : “Con trai, con gái, con dâu đều là trí thức, có việc làm ổn định. Giờ đã lớn tuổi nhưng chị cố gắng tham gia phong trào để cập nhật thông tin mới, để luôn tiến bộ, vừa có kiến thức chăn nuôi, vừa có kiến thức trong dạy dỗ con cháu”. Mới đây, chị tham gia cuộc thi “Chi hội trưởng phụ nữ giỏi” của huyện và được chọn dự thi cấp tỉnh.

Anh Nguyễn Kỳ Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Thành nhận xét: “Đi đầu phong trào phát triển kinh tế hộ phải nói đến chị Đỗ Thị Hên, là người đầu tiên của huyện phát triển mô hình trồng nấm bào ngư. Kế đến là chị Mỹ Dung với mô hình nuôi bò thịt; chị Phạm Thị Hoa nuôi bò sữa; chị Nguyễn Thị Thu Vân trồng màu; chị Trần Ngọc Chơi chăn nuôi…

Nhờ siêng năng, cần cù và tâm huyết nên nhiều chị em đã thoát nghèo bền vững và khá dần lên, góp phần vào việc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của xã”.

NGỌC LỆ

.
.
.