Bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cồn Bà
Xã Tân Thạnh nằm ở phía Nam của huyện Tân Phú Đông, bị chia cắt với đất liền và huyện. Đây là xã “đảo” của huyện cù lao Tân Phú Đông được người dân quen gọi với tên cồn Bà. Địa lý tự nhiên của xã trải dài theo trục Đông - Tây, chiều dài trên 20 km, hình thành nên 3 tiểu vùng sản xuất đặc thù: Kinh tế vườn; kinh tế vườn kết hợp nuôi trồng thủy sản và vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Thạnh có nhiều nỗ lực trong khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Khó khăn lớn nhất của xã là giải quyết vấn đề nước sinh hoạt của người dân và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất.
Cùng với chuyển biến hạ tầng cơ sở do sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp, nhất là mạng lưới giao thông, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn được cải thiện, người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng cây trồng phù hợp, hiệu quả kinh tế. Diện tích cây mãng cầu xiêm, cây sả không ngừng tăng lên thay thế dần cây trồng không hiệu quả, từ đó thu nhập người dân ngày càng nâng lên.
Nhựa hóa đường trung tâm xã Tân Thạnh. |
Năm 2013, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã Tân Thạnh đã vận động nhân dân chuyển đổi những vùng đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng màu, chủ yếu là cây sả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Đến nay, toàn xã có 11 ha trồng sả ổn định, cho sản lượng 115 tấn, lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng/ha. Vườn cây lâu năm tiếp tục được giữ vững ổn định ở quy mô 822 ha, trong đó cây dừa là 587 ha (có 439 ha đang cho trái ổn định), sản lượng hàng năm 5.300 tấn.
Thời gian qua, có thời điểm giá dừa xuống thấp, người dân có ý định đốn bỏ để trồng các loại cây khác. Song, nhờ xã làm tốt công tác tuyên truyền nên số diện tích dừa đốn bỏ không đáng kể (chủ yếu là những vườn dừa đã già cỗi cho năng suất thấp). Xã còn có 230 ha mãng cầu xiêm, nhãn, ổi và các loại cây có múi khác, mỗi năm cho sản lượng thu hoạch 2.270 tấn.
Để người dân yên tâm sản xuất, chính quyền xã Tân Thạnh đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mãng cầu xiêm, phòng, trị bệnh “chổi rồng” trên cây nhãn.
Ngoài ra, Trạm Bảo vệ thực vật huyện còn tiến hành chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng dẫn nông dân thả ong mắt đỏ ký sinh bọ cánh cứng hại dừa. Qua các buổi tập huấn, nông dân đã nắm vững kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao..
Tân Thạnh cũng là xã phát triển khá mạnh trên lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với trên 42.000 con gia cầm các loại. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tiêm phòng vaccin và vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại nên trong thời gian qua tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tuy có xảy ra nhưng không đáng kể.
Là xã “đảo”, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội rất hạn chế. Tuy nhiên, những chuyển biến bước đầu trên vùng đất gắn liền với địa danh cồn Bà rất đáng ghi nhận, mở ra triển vọng cho vùng đất bị chia cắt của huyện cù lao.
NGỌC THƠ