Thứ Hai, 13/10/2014, 14:08 (GMT+7)
.

Các gói tín dụng là "bà đỡ" cho các doanh nghiệp

Bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế, các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi và việc thực hiện cơ cấu lại nợ vay của hệ thống tín dụng là một trong những đòn bẫy hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn lạm phát ở mức cao, lãi suất tín dụng tăng lên chóng mặt, đi cùng với đó là những khó khăn nội tại đã đẩy các DN nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng gặp không ít khó khăn. Nhiều DN co cụm sản xuất, thực hiện tái cơ cấu hoạt động và cũng không ít DN nghiệp phải đi đến giải thể, phá sản với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước thực tế này, nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai thực hiện đồng loạt nhằm giúp DN vượt qua khủng hoảng. Đáng chú ý là các chính sách liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN như miễn, giảm, ưu đãi về thuế và đặc biệt là chính sách tín dụng, nhất là việc điều chỉnh lãi suất cho vay và thực hiện việc cơ cấu lại các khoản nợ vay của hệ thống tín dụng.

Các chính sách hỗ trợ được thực hiện thời gian qua đã và đang phát huy tác dụng, giúp DN cơ bản vượt qua khó khăn. Các gói tín dụng ưu đãi được xem là “bà đỡ” cho các DN ổn định và mở rộng sản xuất.

Giao dịch tại Chi nhánh Vietinbank Tiền Giang.
Giao dịch tại Chi nhánh Vietinbank Tiền Giang.

Việc triển khai các gói hỗ trợ DN, nhất là trên lĩnh vực tài chính tín dụng đã được hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ. Ông Phạm Duyên Hải, Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Tiền Giang cho biết, trong năm 2014, chi nhánh đã thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi đối với  nhóm khách hàng là DN và đạt được nhiều kết quả.

Chẳng hạn như, Chương trình ưu đãi lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng, với dư nợ cho vay 2.370 tỷ đồng; Chương trình tiếp sức thành công, với dư nợ cho vay 620 tỷ đồng; Chương trình cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn, với dư nợ 1.260 tỷ đồng; Chương trình cho vay ưu đãi xuất khẩu, với số dư nợ 60 tỷ đồng…

Nhiều chính sách thuế sắp được triển khai

Theo ông Phùng Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế, tới đây ngành Thuế sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ và Thông tư 119 của Bộ Tài chính về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN trong tương lai.

Theo đó, có rất nhiều giải pháp liên quan đến thuế sẽ được triển khai thực hiện liên quan đến thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…

Điểm nhấn của các chính sách này là quy định chi tiết về hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ, việc miễn, giảm, gia hạn thuế cũng như việc cải tiến, cắt giảm các thủ tục liên quan đến thuế. Đây cũng là một trong những mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN và hiện đại hóa ngành Thuế.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Vietinbank Tiền Giang còn thực hiện việc cơ cấu lại nợ theo hình thức gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho nhóm khách hàng DN, với tổng số dư nợ được cơ cấu là 95 tỷ đồng, với 20 khách hàng.

Theo Chi nhánh Vietinbank Tiền Giang, tùy thuộc vào mức phán quyết tín dụng và quy định riêng của chi nhánh để ra quyết định cơ cấu nợ cho khách hàng. Sau cơ cấu, đến nay đa số các khách hàng đã trả được nợ đúng thời hạn, tình hình kinh doanh của khách hàng phục hồi, khởi sắc.

Đa số các DN nhờ được cơ cấu lại nợ vay nên đã vượt qua được các khó khăn. “Chi nhánh Vietinbank Tiền Giang là 1 trong 28 chi nhánh trong hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam được triển khai cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 đối với các DN trong lĩnh vực thủy sản. Chương trình cho vay ưu đãi này sẽ được triển khai trong thời gian tới” - ông Phạm Duyên Hải cho biết.

Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, BIDV Chi nhánh Tiền Giang cũng đang áp dụng rất nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng khối DN.

Chẳng hạn, hiện nay Chi nhánh BIDV Tiền Giang đang cho vay ngắn hạn với các đối tượng ưu tiên (áp dụng cho các DN có xếp hạng tín dụng từ A trở lên) như cho vay tài trợ hàng xuất khẩu, cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, cho vay phục vụ SXKD cho DN ứng dụng công nghệ cao… có mức lãi suất cho vay dao động từ 7-8%/năm.

Bên cạnh đó, chương trình cho vay ngắn hạn phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt heo, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu, có lãi suất cho vay cũng từ 7 - 8%/năm.

Riêng gói sản phẩm tín dụng phái sinh áp dụng cho các DN xếp hạng tín dụng từ A trở lên, có lãi suất cho vay dao động từ 5 - 6,5%/năm tùy theo kỳ hạn vay…

Đánh giá về các gói tín dụng đối với khách hàng là DN, ông Lê Văn Quý, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, nhìn chung so với mặt bằng của năm trước, lãi suất cho vay với các đối tượng nói chung và với khách hàng là DN nói riêng thấp hơn rất nhiều, thậm chí có một số gói ưu đãi lãi suất cho vay thấp hơn cả mặt bằng chung của lãi suất huy động, bởi hiện nay hầu hết các ngân hàng đang thừa vốn.

Bên cạnh đó, Chi nhánh BIDV Tiền Giang cũng thực hiện việc cơ cấu lại nợ vay đối với khách hàng là DN, nhờ đó đã giúp DN ổn định được sản xuất, giảm bớt áp lực tài chính. Hầu hết các DN được ngân hàng cơ cấu nợ đã vượt qua được khó khăn.

“Cái chính hiện nay là đầu ra sản xuất của nhiều DN gặp khó khăn. Lãi suất vay hiện tại không còn là vấn đề của DN, chủ yếu là DN chưa dám đầu tư, nhất là đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đa số các DN hiện tại chỉ duy trì, ổn định sản xuất, chỉ mở rộng sản xuất khi thực sự có hiệu quả, nên việc sử dụng vốn vay của ngân hàng rất chặt chẽ.

Từ đó, dư nợ tín dụng nói chung và của khách hàng DN nói riêng những tháng vừa qua tăng rất chật vật. Hầu hết các DN cũng chỉ sử dụng đến 70% hạn mức tín dụng của ngân hàng” - ông Lê Văn Quý cho biết.

Các gói tín dụng ưu đãi đã được hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai rầm rộ, đã giúp phần nào DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, như các ngân hàng thương mại đã đánh giá, điều quan trọng hiện nay là chính bản thân nội tại của các DN và sức bật của nền kinh tế.

Đã qua rồi giai đoạn lãi suất cho vay tăng chóng mặt, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang trở về quỹ đạo chung của nền kinh tế. Cái chính hiện nay, với nguồn vốn lãi suất thấp, DN đầu tư vào đâu để có thể mang lại hiệu quả và DN có dám đầu tư hay không. Đó mới chính là những câu hỏi lớn còn đang được bỏ ngỏ.

THẾ ANH

.
.
.